(VOV5) -Ếp không chỉ để chị em mang theo khi đi rừng, hái măng, đựng cơm xôi, thức ăn lên nương, lên rẫy, mà còn được dùng cả khi chị em xuống chợ.
Mỗi khi đi rừng, hái măng, hay lên nương, lên rẫy, người phụ nữ Thái không quên mang theo cái ếp đeo vai đan bằng tre (tiếng Thái gọi là Ca lếp). Đây là một trong những vật dụng rất đặc trưng góp phần làm đẹp thêm hình ảnh của người phụ nữ Thái Tây Bắc.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Với đồng bào Thái từ trước đến nay, việc vào rừng tìm măng, hái rau, củ quả, ra suối hái rêu về làm thực phẩm cho gia đình hàng ngày gần như là công việc của phụ nữ. Chính vì vậy, phụ nữ Thái ở nông thôn, miền núi mỗi khi bước ra khỏi nhà, vào rừng, lên nương, lên rẫy họ đều có bao dao, đeo cái ếp bên người như vật bất ly thân. Phụ nữ đeo cái ếp bên người, cũng phần nào nói lên bản tính chăm chỉ, chịu thương, chịu khó, đảm đang việc nhà. Cho nên, chị em nào càng tìm kiếm được rau măng, củ quả đầy ắp cái ếp mang về nhà thì càng chứng tỏ được sự khéo tay, hay làm của chị em, biết lo toan cho bữa ăn hàng ngày của gia đình.
Chiếc Ếp đeo vai của phụ nữ Thái. Ảnh VOV.VN |
Chị Lò Thị Phấng, ở bản Cá, phường Chiềng An, thành phố Sơn La, cho biết: "Ngay từ hồi còn nhỏ biết theo mẹ đi rừng kiếm củi, hái măng, đào củ mài tôi đã biết mang theo cái ếp của dân tộc mình rồi. Chuẩn bị đi nương đi rẫy là nhớ tìm ếp đeo lên vai ngay, không bao giờ quên được, nó thành thói quen đối với tất cả các chị em phụ nữ Thái sống ở nông thôn. Vật dụng này tiện lắm, không thể thiếu được".
Từ đời này qua đời khác, những đàn ông dân tộc Thái đều giỏi nghề đan lát, tự làm ra những vật dụng thiết yếu để dùng. Cái ếp đan bằng tre được chính bàn tay của họ làm cho những người phụ nữ trong gia đình của mình.
Ếp có 2 loại, một loại ếp đan thưa (lếp sạ), một loại đan mau, đan kín ( lếp thí), miệng ếp rộng, không có nắp, thuận tiện cho việc sử dụng, có dây, quai đeo. Mỗi thứ sẽ có công dụng khác nhau, kích cỡ to nhỏ, mẫu mã tuỳ theo từng người đan và mục đích sử dụng.
Để làm được một ếp, người đàn ông phải chuẩn bị cây tre thuộc dạng dẻo, tiếng Thái gọi là (mạy mây, mạy Púak) không mối mọt xông, đặc biệt là không được lấy cây tre bị cụt ngọn, loại tre này đan xong cũng sẽ bị mọt. Chặt tre trên rừng về, sẽ cắt ra từng đoạn dài khoảng 1,2m ( gióng ngắn thì khoảng 3 gióng, gióng dài thì khoảng 2 gióng). Vì nếu tre gióng ngắn thì sẽ đan được ếp bé, còn gióng dài thì mới có thể đan được ếp to. Cách chẻ tre cũng phải khéo tay, làm tỉ mỉ, vót sao cho sợi thật đều, mỏng, mịn, càng lấy được nhiều phần cật tre thì càng tốt, dễ đan và bền đẹp hơn. Trong qúa trình đan, vừa đan vừa vẩy nước vào cho lạt mềm, không bị gãy. Khi đan xong, tốt nhất là để ếp hong trên gác bếp một thời gian mới mang ra dùng thì càng bền hơn.
Ếp là vật dụng không thể thiếu đối với người dân tộc Thái ở Sơn La. |
Ông Tòng Văn Hịa, một già làng giỏi nghề đan lát ở bản Mòng, xã Hua La, thành phố Sơn La cho biết thêm: "Ếp đeo của phụ nữ Thái có từ bao đời nay rồi. Nhưng công việc đan ếp lại là của đàn ông, nên lớn lên các thanh niên trong bản đã học đan ếp cho chính gia đình mình, còn những người lớn tuổi, khéo tay hơn thì thường đan để bán cho bà con nữa. Như tôi đan không nghỉ tay, hết 2 ngày mới xong 1 cái ếp thưa. Còn đan ếp mau thì phải hết khoảng 3 ngày mới xong được một cái.".
Ếp không chỉ để chị em mang theo khi đi rừng, hái măng, đựng cơm xôi, thức ăn lên nương, lên rẫy, mà còn được dùng cả khi chị em xuống chợ, nó ví như cái làn, túi xách của chị em miền xuôi, ở các thành phố lớn thường hay dùng. Đi chợ mua được đồ gì cũng đều cho vào cái ếp đeo trên vai, rất thuận tiện, dùng được lâu, bền, thân thiện với môi trường, phù hợp với phong tục tập quán, nên trong nhà người Thái lúc nào cũng có vài cái ếp để dùng.
Ngày nay, ếp đeo được bày bán tại các chợ miền núi Tây Bắc, được trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các gian hàng hội chợ, bảo tàng dân tộc, được chị em sử dụng để biểu diễn tại các hội thi hội diễn nghệ thuật quần chúng; hội thi biểu diễn trang phục dân tộc. Dù chỉ là vật dụng sinh hoạt đời thường, nhưng chiếc Ếp đeo cũng góp phần làm đẹp thêm hình ảnh của người phụ nữ Thái Tây Bắc.