Lễ báo hiếu của người Raglai ở tỉnh Ninh Thuận

(VOV5) - Từ bao đời nay, người Raglai sau khi lập gia đình luôn luôn thực hiện lễ báo hiếu cho cha mẹ để bố mẹ vui sống tuổi già, hạnh phúc bên con cháu cũng như hãnh diện với bà con xóm làng.

Người Raglai ở huyện Bái Ái, tỉnh Ninh Thuận có một nghi lễ độc đáo, thể hiện triết lý nhân sinh sâu sắc. Đó là lễ báo hiếu cha mẹ. Việc báo hiếu cha mẹ là điều bắt buộc trong cộng đồng người Raglai mà con cái phải thực hiện trước khi cha mẹ qua đời.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 
Lễ báo hiếu của đồng bào RagLai thường được tổ chức khi con cái đã trưởng thành và lập gia đình riêng. Theo quan niệm của người Ra Glai, vợ chồng trẻ lấy nhau phải làm lễ báo hiếu để cảm ơn cha mẹ có công chăm sóc, nuôi dưỡng mình khôn lớn rồi dựng vợ gả chồng. Đồng bào Ra Glai coi lễ này không chỉ là chuyện trong một gia đình mà là việc chung của cả cộng đồng. Thời gian tổ chức lễ báo hiếu phụ thuộc vào hoàn cảnh kinh tế của hai vợ chồng, thường là từ 3 đến 5 năm sau khi kết hôn.
Ông Ka tơ Hòa ở xã Phước Bình, huyện Bác Ái, cho biết: "Bố mẹ có công nuôi con cái, con cái lớn lên thành nhà thành cửa kết hôn rồi khi đủ điều kiện làm lễ cho bố mẹ ăn. Lễ báo hiếu là thể hiện lòng cám ơn bố mẹ
Lễ báo hiếu của người Raglai ở tỉnh Ninh Thuận - ảnh 1Lễ vật cho lễ báo hiếu. Ảnh: TTXVN

Lễ vật cho lễ báo hiếu gồm: Hai con gà, một con heo, một ché rượu cần. Món cúng sẽ có gà luộc và thịt heo gồm thịt ống, thịt bằm, dồi, nướng, bóp… Con cái chuẩn bị cho mẹ một bộ đồ, dây chuyền tượng trưng cho việc cắt rốn, một cái khăn, một cái tô uống nước; chuẩn bị cho bố một bộ đồ, một chiếc nhẫn thể hiện công lao cha mẹ đẻ. Sau khi chuẩn bị đầy đủ mâm cúng, thầy chủ lễ sẽ tiến hành đọc những lời cúng. Lễ báo hiếu được tiến hành theo thứ tự của từng người trong gia đình. Tức là nếu ai lập gia đình trước thì người đó tổ chức lễ báo hiếu cha mẹ trước. Tuy nhiên, cũng có trường hợp ngoại lệ nếu đôi vợ chồng trẻ có điều kiện về kinh tế họ sẽ tổ chức lễ báo hiếu sớm hơn những người anh em khác trong gia đình đã kết hôn trước đó.

Ông Pi Năng Chắc ở xã Phước Hòa, huyện Bác Ái, cho biết: "Lễ làm có 1 lần thôi. Ví dụ như nhà có 4 con thì làm 4 lần lễ báo hiếu. Lễ báo hiếu này không bao giờ làm tiếp tục nữa, 1 lần 1 thôi, từng người con làm 1 lần. Từ 3 - 5 năm là làm, nếu mà gia đình  nghèo chưa làm được thì 6-7 năm làm báo hiếu cha mẹ. Đừng để cha mẹ mất mới làm lễ báo hiếu, cha mẹ còn sống làm báo hiếu mới vui.

Lễ báo hiếu của người Raglai ở tỉnh Ninh Thuận - ảnh 2Sau khi kết thúc phần Lễ là phần Hội, đồng bào Raglai và khách mời hòa mình với các tiết mục trình diễn mã la, ca hát nhảy múa và giao lưu trong buổi lễ. Ảnh: dangcongsan.vn

Từ bao đời nay, người Raglai sau khi lập gia đình luôn luôn thực hiện lễ báo hiếu cho cha mẹ để bố mẹ vui sống tuổi già, hạnh phúc bên con cháu cũng như hãnh diện với bà con xóm làng. Bởi theo phong tục người Raglai lễ báo hiếu có sự góp mặt đông đủ của anh em họ hàng, hàng xóm láng giềng. Họ tới chung vui, sẻ chia cùng đôi vợ chồng và gia đình, người cha, người mẹ của họ. Con cái báo hiếu bằng việc tặng quà, nấu các món ăn truyền thống mời cha mẹ. Qua đó, thể hiện lòng tôn kính và biết ơn sâu sắc với cha mẹ. Quà tặng, lễ vật phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của hai vợ chồng chủ lễ.

Ông Pi Năng Chắc ở xã Phước Hòa, huyện Bác Ái, cho biết: "Trong khi lễ hội báo hiếu thì gia đình có của tổ chức lễ to. Ví dụ như tôi con trai mình lấy vợ đi theo vợ thì tô cho con bò, con trâu để cho vợ chồng phát triển kinh tế. Cha mẹ hai bên con trai, con gái đều có đóng góp tiền của cho con cái mình. Ví dụ bên nhà gái cho đất đai, nhà cửa bên nhà trái trâu, bò để vợ chồng làm ăn, sinh sống.

Tại lễ báo hiếu, đồng bào RagLai cầu xin tổ tiên phù hộ cho dân tộc, gia đình làm bắp có bắp, làm lúa có lúa. Sau khi kết thúc phần lễ là phần hội, đồng bào Raglai và khách mời hòa mình với các tiết mục trình diễn mã la (một loại hình nhạc cụ độc đáo của đồng bào Raglai), ca hát, nhảy múa và mọi người chúc nhau có cuộc sống hạnh phúc, ấm no, thành đạt.

Lễ báo hiếu là một phong tục tập quán đẹp, phản ánh sinh động đời sống văn hóa của dân tộc RagLai, nhắc nhở đến cộng đồng phải biết ơn công nuôi dưỡng con cái của các đấng sinh thành. Đây cũng là dịp để hai gia đình nội ngoại có dịp gặp nhau, thắt chặt thêm tình cảm gắn bó giữa hai bên.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác