Lễ Công Cô – Nét văn hoá của đám cưới người Việt xưa

(VOV5) - Lễ cưới của người Việt ở Miền Tây Nam Bộ có nét đặc biệt khó tìm thấy ở các vùng miền khác.

Lễ Công Cô rất quan trọng trong lễ cưới của người dân miền Tây Nam Bộ, mang đậm tính nhân văn và giáo dục thế hệ trẻ sâu sắc về truyền thống hiếu thảo, uống nước nhớ nguồn. Nghi lễ Công Cô mang đậm bản sắc người Việt, đã và đang được đồng bào người Việt ở Miền Tây Nam bộ lưu giữ và phát huy.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 
 Lễ Công Cô, hay còn gọi là Lễ gia tiên, theo quan niệm xưa là nghi thức quan trọng trong đám cưới khi cô dâu và chú rể ra mắt trước bàn thờ gia tiên của hai bên gia đình. Theo truyền thống, thời gian tổ chức lễ Công Cô là trong cả lễ ăn hỏi và lễ cưới. Trong hai ngày lễ này, nghi lễ thắp hương gia tiên thường diễn ra cuối cùng, sau khi hai nhà đã thưa chuyện và cử hành xong những nghi thức khác.
Trong lễ ăn hỏi, lễ Công Cô được tổ chức tại nhà gái. Còn trong lễ cưới, nghi lễ này được cử hành tại cả hai bên gia đình. Việc làm này để tỏ lòng tưởng nhớ đến dòng tộc và báo cáo với ông bà tổ tiên về việc đại hỷ, nhận thành viên mới trong gia đình; đồng thời thể hiện lòng biết ơn của cô dâu, chú rể với công lao dưỡng dục của cha mẹ khi đã trưởng thành, rời xa gia đình để tạo dựng mái ấm riêng.
Lễ Công Cô – Nét văn hoá của đám cưới người Việt xưa - ảnh 1Cô dâu chú rể làm lễ trước ban thờ gia tiên. Ảnh: Minh Tiến

Về lễ vật công cô, nhà gái sẽ lấy một phần tráp lễ ăn hỏi gồm trầu cau và mâm ngũ quả mà nhà trai mang tới để thắp hương bàn thờ gia tiên. Ở miền Nam, ngoài tráp lễ ăn hỏi, nhà trai sẽ chuẩn bị thêm một đôi đèn cầy (cặp nến to) có khắc hình long phụng để thắp trên bàn thờ nhà gái. Theo nhịp sống hiện đại, lễ Công Cô dần được giản tiện, nhưng các gia đình vẫn lựa chọn những nghi thức quan trọng để lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống.

Tiến sỹ Trần Đoàn Lâm, thành viên Câu lạc bộ Đình Làng Việt, chia sẻ: "Nghi thức buổi lễ rất chi tiết, tái hiện được nhiều nghi lễ xưa, lược bỏ một số thủ tục rườm rà, không phù hợp với lối sống hiện đại. Tham dự lễ Công Cô, tôi thấy mọi người đã chọn những nghi lễ, tập quán tốt đẹp nhất, phục dựng lại một lễ cưới mang tính chất truyền thống. Điều này làm tôi thấy mình được sống lại một thời quá khứ nhưng không quá phong kiến, không quá xa xôi, xen lẫn cả yếu tố hiện đại."

Lễ Công Cô – Nét văn hoá của đám cưới người Việt xưa - ảnh 2Lễ Công Cô mang đậm tính nhân văn và giáo dục thế hệ trẻ sâu sắc về truyền thống hiếu thảo, uống nước nhớ nguồn. Ảnh: Minh Tiến

Với những ý nghĩa tốt đẹp, nhiều gia đình ở Miền Tây Nam bộ đã tổ chức đám cưới cho con, cháu theo truyền thống, phong tục xưa. Tại đám cưới của cô dâu Lâm Tường Vân và chú rể Ngô Minh Nhân, xã Phú Thọ Viên, huyện Tân An, tỉnh Long An, Lễ Công Cô được chuẩn bị chu đáo với sự chung tay của 2 bên gia đình. 

Ông Lâm Minh Trí, bố cô dâu, chia sẻ: "Mình yêu văn hóa truyền thống dân tộc. Chỉ có một cô con gái nên muốn tổ chức một lễ cưới đậm chất văn hóa truyền thống dân tộc. Mình ko ngại mời mọi người ở mọi miền đất nước về đây chung tay thực hiện một buổi lễ rất đậm đà bản sắc như vậy."       

Sau màn giới thiệu về các đấng sinh thành của ba mẹ cô dâu, bao gồm ông bà nội ngoại, các cô các cậu... Cô dâu Lâm Tường Vân ra mắt mọi người và cùng cha mẹ thắp nén hương tưởng nhớ ông bà tổ tiên. Kế đến là lễ dâng trà, ba mẹ cô dâu ngồi lên ghế, cô dâu Lâm Tường Vân quỳ thấp bên cạnh từ tốn rót chén trà mời cha mẹ như để khắc ghi sâu công ơn sinh thành dưỡng dục. Tiếp đó, cô dâu mời trà ông bà ngoại, các cô, các cậu trong gia đình như để tri ân sự giúp đỡ, tình yêu thương của mọi người luôn dành cho cô.

Ông Lâm Minh Trí cho biết mỗi vùng miền lại có đặc trưng văn hóa khác nhau do đó để tái hiện nghi thức truyền thống quan trọng này theo văn hóa miền Tây Nam Bộ, gia đình đã  dành nhiều thời gian để nghiên cứu thực hiện: "Truyền thống dân tộc và truyền thống gia đình phải gắn liền với nhau. Truyền thống gia đình thì mỗi nhà mỗi khác, truyền thống do ông bà mình để lại thường mang tính chất vùng miền, cần phải tìm hiểu cho kỹ trước khi thực hiện. Từ trang phục, cách nói chuyện, cho tới bài trí, trầu cau, trà, rượu, cách dâng trà, cách uống trà, uống  rượu… để thể hiện cho đúng nề nếp văn hóa lâu đời của cha ông."

Nhân vật chính của buổi lễ, cô dâu-chú rể, đều rất hạnh phúc vì đã có cho mình một đám cưới đặc biệt với lễ Công Cô và trang phục truyền thống của dân tộc.

Chú rể Ngô Minh Nhân và cô dâu Lâm Tường Vân chia sẻ: "Tụi mình cảm thấy thực sự vui sướng và hạnh phúc khi lễ cưới được tổ chức một cách trang trọng.

Để có thể làm được như vậy, cũng là nhờ vào sự đồng ý, góp sức của hai bên gia đình."Khi quyết định tiến đến hôn nhân chúng mình đã suy nghĩ rất nhiều. Làm đám cưới như thế nào, cần chuẩn bị những gì và chuẩn bị như thế nào là tốt nhất. Chúng mình không muốn có một đám cưới hoành tráng mà chỉ muốn có một kỷ niệm đẹp in sâu vào trong mỗi người để khi nghĩ về sẽ có một kỷ niệm đẹp đẽ. Với sự gợi ý của cha mẹ, chúng mình đã quyết định sử dụng áo dài ngũ thân hoàn toàn trong hôn lễ, áo dài khá dễ chịu, di chuyển thoải mái và còn rất đẹp nữa."

Lễ cưới của người Việt ở Miền Tây Nam Bộ có nét đặc biệt khó tìm thấy ở các vùng miền khác. Với sự chung tay của cộng đồng và những người yêu quý truyền thống văn hóa của dân tộc như gia đình ông Lâm Minh Trí, cùng sự góp sức của cộng đồng, Lễ Công Cô và những nét đẹp văn hóa Việt khác sẽ tiếp tục được gìn giữ và phát huy.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác