Nếp sống trong gia đình của người Sán Chỉ

(VOV5) - Qua thời gian, một vài tập tục, nghi lễ trong gia đình, cộng đồng người Sán Chỉ ở huyện Lục Ngạn có thể thay đổi cho phù hợp với xã hội hiện đại, nhưng những giá trị chuẩn mực, truyền thống tốt đẹp trong gia đình vẫn được duy trì.

Nếp sống trong gia đình của người Sán Chỉ - ảnh 1
Thanh niên Sán Chỉ

Nghe nội dung bài viết tại đây:



Từ xa xưa, người Sán Chỉ ở huyện Lục Ngạn, Bắc Giang luôn coi trọng truyền thống gia đình, dòng họ của mình. Các thành viên trong gia đình, từ ông bà, bố mẹ cho đến con cháu đều có ý thức vun đắp cho gia đình mình. Trong gia đình mọi thành viên ứng xử với nhau có nề nếp, trên dưới và mọi người đều tôn trọng lẫn nhau, không phân biệt đâu là con dâu, con rể. 


Qua thời gian, một vài tập tục, nghi lễ trong gia đình, cộng đồng người Sán Chỉ ở huyện Lục Ngạn có thể thay đổi cho phù hợp với xã hội hiện đại, nhưng những giá trị chuẩn mực, truyền thống tốt đẹp trong gia đình vẫn được duy trì, làm nền tảng vững chắc cho các thế hệ con cháu noi theo. Tiến Sĩ Đặng Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện gia đình và giới, cho biết: "Quan hệ gia đình, quan hệ giữa bố mẹ và con cái, giữa thế hệ ông bà với các cháu , có sự sắp đặt rất trình tự và người ta tuân thủ rất tự nhiên. Điều đó giữ cho nếp gia đình rất lành mạnh và họ có sự hòa thuận đầm ấm trong gia đình, hỗ trợ nhau tối đa. Trong lao động, họ có sự phân công rất hài hòa giữa đàn ông và phụ nữ, giữa thế hệ bố mẹ, ông bà đến con cháu. Bé làm việc bé, lớn làm việc lớn".


Trong gia đình, người Sán Chỉ duy trì chế độ phụ quyền, sau quyền cha là đến quyền con trai cả. Mọi công việc trong gia đình đều do người cha sắp xếp và định ra những kế hoạch cụ thể. Những công việc của ngày hôm sau được đem ra bàn bạc trong buổi tối hôm trước, thường sau bữa cơm, lúc có đầy đủ các thành viên. Theo Tiến sĩ Đặng Thị Hoa, việc phân chia quyền hạn trong gia đình cụ thể là vậy nhưng các thành viên khi thực hiện công việc của mình đều rất tôn trọng nhau. "Vấn đề giới trong gia đình cũng rất  hay. Ví dụ người phụ nữ quản việc nội trợ trong gia đình, đàn ông thì làm những việc nặng. Việc phân công như phụ nữ thì giữ tiền nhưng việc chi tiêu thì có sự thống nhất giữa hai vợ chồng. Theo tôi đây là tộc người có sự bình đẳng rất cao, giữa nam và nữ, giữa vợ và chồng và việc giáo dục giữa ông bà đối với con cháu rất mạnh cho nên truyền thống gia đình rất tốt" - bà Hoa cho biết.


Khi bố mẹ qua đời, việc phân chia tài sản thuộc về những người con trai  và người con trai cả bao giờ cũng được hưởng phần nhiều hơn. Nếu gia đình không có con trai thì người con rể nào hiếu thảo sẽ được chọn làm người thừa tự và hưởng tất cả tài sản của bố mẹ vợ. Người con rể đó phải có nghĩa vụ phụng thờ tổ tiên và làm ma chay cho gia đình nhà vợ. Cũng vì lẽ đó mà mối quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu, giữa bố mẹ vợ và con rể luôn gắn bó mật thiết và tình cảm. Bà  Lý Thị Ba, ở thôn Họ, huyện Lục Ngạn, cho biết: "Con dâu về nhà mình thì coi như con gái nhà mình, luôn được bố mẹ thông cảm. Nhà tôi có ba cậu con rể thì cũng đều coi như con nhà mình. Có điều gì không phải thì bà ngoại có nói ra như mẹ đẻ của chúng thì chúng cũng không giận. Có việc gì thì mẹ vợ nói thẳng, con rể không giận mẹ vợ đâu. Con nào biết nghĩ, lễ phép thì có tình cảm sâu đậm hơn nhưng mình cũng luôn coi các con như nhau hết".


Với người Sán Chỉ, bên ngoại có vai trò vô cùng lớn. Một người đàn ông sinh ra  mang 3 họ: một là họ bố mình, hai là họ mẹ mình và ba là họ nhà vợ. Bên họ nhà vợ được gọi là Lúng ta, tức ông cậu bên vợ. Theo Tiến sĩ Trần Bình, Trưởng Bộ môn Quản lý văn hóa, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, ở người Sán Chỉ, ngoài thờ cúng tổ tiên trong nhà, nếu bố mẹ bên vợ qua đời, chàng rể còn làm một bàn thờ nhỏ ngoài vườn ở nhà nội để thờ cúng. Và người thực hiện việc cúng bái này không phải là người vợ, mà chính là chàng rể. Đó cũng chính là truyền thống tôn trọng bên ngoại đáng quý của người Sán Chỉ. "Người ta làm một cái nhà sàn con con, rộng khoảng nửa m2 ở ngoài vườn, khi bố mẹ vợ chết rồi thì thờ ngoài đấy. Khi nào người ta bói thấy ma bên ngoại đòi ăn hoặc nó quở trách cái gì thì người ta cúng, hoặc ngày lễ, ngày tết người ta cũng cúng. Cúng ở đây là ông chủ gia đình cúng bố mẹ vợ chứ không phải bà con gái đấy cúng bố mẹ mình".


Người Sán Chỉ rất coi trọng đời sống tình cảm. Những người trong cùng một họ luôn dành những tình cảm thắm thiết và sự tôn trọng lẫn nhau. Vào dịp Tết hằng năm, người Sán Chỉ thường tổ chức đi thăm hỏi anh em họ hàng. Họ dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp về sức khoẻ, cuộc sống làm ăn, sự may mắn. Dù ở xa nhau nhưng họ vẫn thu xếp đến thăm hỏi lẫn nhau. Ở người Sán Chỉ, bố mẹ khi về già thường ở với người con trai út hoặc chia nhau ra ở với các con nhằm giúp đỡ, dạy bảo con cháu làm ăn. Với người Sán Chỉ, trong gia đình mà các bậc sinh thành còn sống khỏe mạnh, dạy bảo con cháu thì đó là một niềm tự hào với cộng đồng và xã hội.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác