Sách cúng, tranh thờ, tài sản quý của người Sán Chỉ

(VOV5) -  Trong tranh thờ của người Sán Chỉ còn tôn thờ các tổ nghiệp như Thần Nông, tổ của nghề nông, Địa Trạch, tổ nghề chăn nuôi, Phục Dược Bà, Phát Dược Tiên, Trị bệnh Công tào, là tổ nghề thuốc.


Với người Sán Chỉ, sách cúng và tranh thờ được coi là một tài sản vô cùng quý.  Mỗi một hình thức cúng người Sán Chỉ lại có một bài cúng riêng. Còn tranh thờ thì không phải lúc nào cũng treo cố định mà muốn mang ra treo thì người Sán Chỉ phải làm lễ.

Sách cúng, tranh thờ, tài sản quý của người Sán Chỉ - ảnh 1
Bàn thờ của người Sán Chí ở Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: backantv.vn


Nghe âm thanh bài viết tại đây:



Người Sán Chỉ có một bộ sách cúng vô cùng quý giá. Nội dung của mỗi bài cúng được họ ghi lại bằng chữ Nôm. Người Sán Chỉ giữ gìn sách cúng rất cẩn thận, khi không cúng tế, họ cho vào một chiếc hộp sơn son thếp vàng rồi đặt lên ban thờ.  Trong gia đình chỉ có đàn ông, những người làm chủ gia đình mới được sử dụng sách cúng còn phụ nữ thì không. Tiến sĩ Trần Bình, giảng viên trường Đại học Văn hóa Hà Nội, cho biết: “Chuyện thờ cúng của họ tôi cho rằng quan trọng nhất là các sách cúng mà chúng tôi trong nghiên cứu gọi là văn tế. Mỗi nhà có một cái hộp sơn son thiếp vàng trong đó để tất cả các sách vào đấy, tất cả các sách của gia đình như sách tục lệ làm ma, làm cưới, sinh con, rồi xem ngày tháng, năm, rồi các bài hát dân ca, người ta cho hết vào đấy một hộp to đầy như thế này. Có nhà tới 50 cuốn. Nhưng mà chỉ tiếc là bây giờ con cháu không đọc được. Các cán bộ nghiên cứu đến cũng chỉ nhìn và đi ra thôi, không biết chữ”.

Trong làng người Sán Chỉ không phải ai cũng đọc được hết nội dung của bộ sách cúng và quan trọng không phải ai cũng biết cúng. Đây cũng là câu chuyện khiến những người như ông Lâm Văn Oanh, giáo viên ở huyện Lục Ngạn trăn trở: “Sách cúng có nhiều loại, cúng gia tiên, cúng lên đồng, cúng cộng đồng, cúng cho toàn làng xã, cúng cho đại lễ có phương thứ khác. Về cơ bản gia đình có người đi học hoặc thì phải đi nhờ thầy có uy tín trong xóm dạy lại các bài cúng cho mình để ghi chép lại. Hiện nay các thầy cúng không có nhiều như trước nên lớp trẻ bây giờ phải tự học lấy để biết về mặt thể lệ, phương thứ để cúng tổ tiên trong dịp lễ tết chứ không là bị mai một đi”.

Bên cạnh sách cúng, tranh thờ cũng là một tài sản quý của người Sán Chỉ. Không phải lúc nào họ cũng đem tranh thờ ra treo và tùy từng lễ cúng người ta sẽ treo tranh. Đúng vào ngày lễ, người Sán Chỉ mới làm lễ mở tranh. Nội dung các bức tranh rất phong phú. Về đề tài phong cảnh thì có hình ảnh mây, mưa, sấm, chớp, còn về đề tài tôn giáo thờ phụng thì thể hiện đức phật, thần thánh. Trong tranh thờ của người Sán Chỉ còn tôn thờ các tổ nghiệp như Thần Nông, tổ của nghề nông, Địa Trạch, tổ nghề chăn nuôi, Phục Dược Bà, Phát Dược Tiên, Trị bệnh Công tào, là tổ nghề thuốc mà các dân tộc khác dân tộc khác như Dao, Tày, Nùng không có. Theo Tiến sĩ Trần Bình, tranh thờ có vai trò rất lớn trong đời sống tâm linh của người Sán Chỉ. Tranh thờ là biểu hiện của không gian thần thánh: “Có khi vẽ cả 3 tầng, có khi vẽ cả thủy cung, thiên cung và địa cung. Muốn gọi Ngọc hoàng về thì phải tạo ra một không gian, môi trường thần thánh, để người ta mới về được. Rồi muốn cúng Phật phải mang tranh thế giới Phật ra. Thế giới trần gian thì vẽ các loài vật. Dưới thủy cung thì có long vương. Tức là tạo ra một không gian, một môi trường thần thánh để mời được thần thánh về. Trong tín ngưỡng thì tất cả các tộc người đều vậy, muốn mời được các vị thần, thánh về thì phải tạo ra một thế giới thật thần linh thì họ mới về”.

Người Sán Chỉ treo bức tranh Thần Nông và Địa tại bức vách của ngôi nhà, nơi cạnh cửa ra vào chính, với giữa chỗ ngồi của chủ gia đình với một nghi thức trân trọng và đặt vào phía dưới bộ tranh có một thúng cám gạo mới. Trong dân gian, bộ tranh Thần Nông, Địa Trạch mang ý nghĩa âm dương hòa hợp, trời đất giao hòa. Ngoài treo tranh trong một số lễ cúng theo quy định như ma chay, cưới xin, làm lễ lập minh, một nghi thức đánh dấu sự trưởng thành của người con trai, hay cúng giải hạn thì người Sán Chỉ còn treo tranh thờ trong dịp Tết Nguyên Đán để cầu cho một năm mới nhiều may mắn, hạnh phúc và thịnh vượng.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác