(VOV5) - Những làn điệu hát giao duyên từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa đặc sắc riêng có của người Dao Thanh Y ở Bằng Cả.
Hát giao duyên là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân tộc Dao Thanh Y mỗi độ xuân về. Mùa xuân, mùa của những câu hát giao duyên tình tứ, cũng là mùa của những đôi trai gái người Dao ở xã Bằng Cả,huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh, đi tìm nhau qua câu hát bắc nhịp cầu.
Người Dao Thanh Y còn lưu giữ được những bản sắc riêng của dân tộc như chữ viết, các làn điệu dân ca, lễ cấp sắc - Ảnh: Vũ Miền/VOV
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Hội làng Bằng Cả, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh được tổ chức lớn nhất vào đầu xuân khi tiết trời ấm áp, cũng là lúc hoàn thành việc cấy hái nên trai gái trong bản có nhiều thời gian trẩy hội. Hội làng Bằng Cả thu hút hàng nghìn du khách khắp nơi đến thưởng thức bánh gù, xôi ngũ sắc, nhấp chén rượu men lá rừng, đặc biệt là xem trai gái Bằng Cả ném còn, hát giao duyên.
Những làn điệu hát giao duyên từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa đặc sắc riêng có của người Dao Thanh Y ở Bằng Cả. Đây là lối hát đối đáp giữa nam với nữ đậm chất dân gian, được người Dao Thanh Y sử dụng trong nhiều dịp cưới hỏi, lễ cấp sắc, hội làng cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.Trong các sự kiện trọng đại như vậy, hát giao duyên được ví như cơi trầu mở đầu câu chuyện và thường có lời sẵn theo những nguyên tắc nhất định, không thể xê dịch.
Người Dao Thanh Y cũng có thể hát giao duyên bất cứ lúc nào, khi lên nương, đi hội, hay đơn giản là những câu chào hỏi thường ngày được người Dao Thanh Y sáng tạo thành những câu hát giao duyên dễ đi vào lòng người. Lời ca trong hát giao duyên của người Dao Thanh Y thường mộc mạc, giản dị nhưng lại ẩn chứa nhiều ý tứ, nhất là khi trai gái hát giao duyên tìm bạn. Những câu hát giao duyên ngọt ngào dẫn lối trái tim của các chàng trai, cô gái người dân tộc Dao Thanh Y. Để rồi từ đó, nhiều chuyện tình được đâm chồi nẩy lộc, kết trái ngọt trăm năm. Nghệ nhân Trương Thị Quý nhớ lại: “Nhiều người ngày xưa hát giao duyên lên duyên vợ chồng đấy. Thấy người đàn ông con trai hát hỏi nhau. Mình thích thì mình hát thôi. Dù làm cái gì cũng nghĩ đến hát giao duyên cho nên nó mới ngấm vào người, nó mới không quên. Luôn nghĩ làm như nào để mình biết hát nhiều câu giao duyên để đi đố thanh niên, mình thắng nên mình thích lắm”.
Bằng Cả có 6 nghệ nhân được phong tặng nghệ nhân dân gian - Ảnh: Vũ Miền/VOV |
Trước mỗi câu hát giao duyên, người Dao Thanh Y thường hò đệm ngân dài, da diết, trầm bổng, nghe say đắm lòng người. Sau đó là lời tâm tình, thủ thỉ. Nghệ nhân Đặng Thanh Lương, 75 tuổi, còn nhớ và thuộc nhiều làn điệu hát giao duyên. Ông cho biết hầu hết người dân xã Bằng Cả là người dân tộc Dao Thanh Y, nhưng hiện không có nhiều người hát được những câu hát giao duyên cổ: “Bây giờ bọn trẻ không biết hát. Trước đây nó khác. Ai chưa vợ chưa chồng mục đích đầu xuân là đi tìm hiểu nhau. Cứ đi hát thôi, từ hôm mùng một đến hôm rằm. Ai rỗi là đi chơi, hát hò. Vì dân tộc chúng tôi nhát lắm. Thấy cô, tôi thấy yêu lắm mà không dám nói, nhưng ví vào câu hát thì lại nói được. Đặc biệt là như thế. Tôi mười sáu, mười bảy tuổi đã đi hát giao duyên rồi”.
Nhiều năm trở lại đây, hát giao duyên của Người Dao Thanh Y ở Bằng Cả được đưa vào phục vụ khách du lịch. Đây là một trong những hoạt động để lưu giữ, quảng bá văn hóa độc đáo của người Dao Thanh Y đến với khách du lịch trong và ngoài nước.