(VOV5) - Các buôn làng của người Cơ Tu dù giàu hay nghèo đều có nhà Gươl. Nhà Gươl là trung tâm sinh hoạt của cả buôn làng. Không gian nhà Gươl cũng là nơi tổ chức nhiều lễ hội truyền thống của buôn làng như: lễ ăn mừng lúa mới, lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa hai làng Cơ Tu, Lễ mừngđược mùa... Mời quý vị và các bạn cùng tìm hiểu nhà Gươl ở tỉnh Quảng Nam qua bài viết của phóng viên đài TNVN:
Nghe nội dung chi tiết tại đây
Người Cơ Tu khi lập làng, dựng nhà đều chọn đất. Nhà Gươl được dựng lên bằng công sức của mọi người trong làng. Theo quan niệm của người Cơ Tu, nhà Gươl là chốn linh thiêng nơi cư ngụ của thần linh, ông bà, tổ tiên họ. Phụ nữ, con gái chưa chồng không được đến nhà Gươl. Theo tập tục truyền thống, khi đến nhà Gươl, mọi người không được ẩu đả nhau, không được cãi vã nhau. Ông Bhriu Liếc, ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, người dày công nghiên cứu về văn hóa Cơ Tu, cho biết: Từ bao đời, người Cơ Tu sống chung trong làng quây quần bên nhau , những ngôi nhà xếp vòng thành hình bầu dục, chính giữa là Nhà Gươl. Nếu như làng của người Ba Na, Ê đê ở Tây Nguyên có Nhà Rông, làng của người Kinh có Đình...thì Nhà Gươl là linh hồn của làng Cơ Tu. Không chỉ là chốn linh thiêng thờ cúng thần linh, Gươl Cơ Tu còn là nơi bàn chuyện làng, chuyện nước, chuyện gia đình và là nơi diễn ra những lễ hội quan trọng.Vì vậy, không gian làng, trong đó linh hồn là Nhà Gươl có vai trờ đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh và văn hóa của cộng đông người Cơ Tu.
|
Trong kiến trúc truyền thống, nhà Gươl của dân tộc Cơ Tu là nhà sàn được chống bởi cây cột cái ở giữa và 8 cây cột con ở xung quanh. Mái nhà được lợp bằng lá nón hoặc lá mây, nhìn từ xa, mái Gươl có hình dáng như trái xoài. Những tấm vách trong nhà Gươl là những bức phù điêu, chạm trổ hình ảnh các con vật trông rất sinh động: con trâu, đầu trâu, tắc kè, con trăn, kỳ đà và một số cảnh sinh hoạt đời thường của cộng đồng được thể hiện như: người đàn ông đánh trống, phụ nữ bồng con. Trong nhà Gươl bao giờ cũng trưng bày nhiều loại nhạc cụ, công cụ truyền thống, nhiều bương đầu thú mà dân làng đã săn bắt hoặc đã giết thịt trong các lễ hội...Trong đời sống, nhà Gươl của người Cơ Tu là công trình biểu tượng cho cả buôn làng. Nhìn vào hình ảnh nhà Gươl to hay nhỏ, có thể biết được uy quyền và sức mạnh của làng đó. Già làng Y Kông, thôn Tống Cói, xã Ba, huyện Đông Giang cho biết: Nhà Gươl là nhà truyền thống của người Cơ Tu mình. Làng nào không có nhà Gươl tức là không còn gốc truyền thống văn hoá nữa.Cho nên bà con trong làng, các gia đình ai cũng chung tay góp sức. Mọi người cứ thế mà làm, đoàn kết làm miết rồi cũng xong. Ngôi nhà đó làm gần 300 triệu đồng đấy, còn công sức của bà con bỏ ra rất nhiều, không tính nổi.
Trai qua thời gian chiến tranh và sự tác động của cuộc sống hiện đại,nhiều ngôi nhà Gươl xuống cấp và mất dần đi. Nhưng những năm gần đây, chính quyền, ngành Văn hoá tỉnh Quảng Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc khôi phục Nhà Gươl Cơ Tu, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hoá truyền thống. Đến nay, hầu hết thôn của người Cơ Tu ở Quảng Nam đã có nhà Gươl. Tây Giang là huyện dẫn đầu phong trào phục dựng nhà Gươl Cơ Tu ở tỉnh Quảng Nam. Trên đỉnh ngọn đồi cao ở trung tâm huyện là một quần thể làng Cơ Tu truyền thống hồm 1 nhà Gươl trung tâm, 10 ngôi nhà Gươl đại diện cho 10 xã của huyện. Nét kiến trúc và trang trí mỗi nhà Gươlcũng khác nhau, mang đậm sắc thái của cư dân Cơ tu vùng cao, vùng trung và vùng thấp. Ông Briu Liếc cho biết: Vì văn hoá làng là cái bảo tồn lâu bền nhất, từ đó chúng ta sẽ xây dựng đuợc những thể chế văn hoá khác, giữ được bản sắc truyền thống Cơ Tu. Tôi tin rằng, văn hoá truyền thống Cơ Tu sẽ tồn tại mạnh mẽ dưới những nhà Gươl như thế!”.
|
Tới nay, 80% số thôn ở các huyện Đông Giang, Nam Giang tỉnh Quảng Nam cũng đã có nhà Gươl. Điều này thể hiện những nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ bà con dân tộc Cơ Tu bảo tồn bản sắc văn hóa cảu dân tộc mình. Bà Lê Thị Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết: “ UBND huyện đang tập trung chỉ đạo kiểm tra tình hình, xuống giúp xã, giúp thôn vận động người dân tự nguyện hiến đất để làm nhà Gươl. Trên cơ sở nhà nước hỗ trợ một phần, chủ yếu là vận động nhân dân đóng góp. Có thôn vận động được doanh nghiệp giúp đỡ. Thôn khó khăn hơn thì tự quyên góp sức người, sức của. Ở huyện chúng tôi phong trào này được nhân dân hết sức đồng tình ủng hộ. Chúng tôi đã có nghị quyết tiếp tục tập trung đầu tư cho việc khôi phục nhà Gươl cũng như bảo tồn những khía cạnh văn hoá Cơ Tu khác”.
Nhà Gươi là công trình tiêu biểu của người Cơ Tu, việc khôi phục lại nhà Gươl truyền thống sẽ góp phần vào việc khôi phục những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Cơ Tu, giúp cho các thế hệ Cơ Tu mai sau hiểu biết và kế thừa những giá trị văn hóa vật chất tinh thần của dân tộc mình. Ngày này nhà Gươl của người Cơ Tu còn là điểm đến không thể thiếu đối với du khách trong tour du lịch khám phá đường Hồ Chí Minh huyền thoại./.