(VOV5) - Đây chính là cách để bảo tồn, tìm hiểu văn hóa của cộng đồng dân tộc Thái.
Ngày nay, cùng với sự du nhập phát triển của văn hóa mới và hội nhập quốc tế, nhiều nét văn hóa truyền thống riêng có của cộng đồng dân tộc Thái đang dần bị mai một, đặc biệt là chữ viết. Trước thực trạng này, tỉnh Điện Biên đang nỗ lực bảo tồn, gìn giữ tiếng nói và chữ viết của đồng bào dân tộc Thái thông qua việc mở lớp giảng dạy chữ Thái cổ cho các thế hệ người Thái trên địa bàn tỉnh.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
(Chúng tôi là người Thái nhưng mà chưa biết, chưa hiểu ý nghĩa của tiếng Thái, cái bản sắc dân tộc ấy. Thế thì bản thân tôi mới đăng ký đi học.
- Cháu là người dân tộc Thái thì cháu muốn tiếp nối cái văn hóa truyền thống của dân tộc mình nên cháu đã tự nguyện đăng ký để có thể giữ gìn được bản sắc dân tộc.
- Việc học chữ Thái cổ rất là khó, bởi vì là cái ký tự của nó rất đặc biệt. Thế nhưng mà để học được thì mọi người phải cố gắng. Nếu mà chúng tôi học được thì chúng tôi sẽ khai thác được những góc độ văn hóa truyền thống của dân tộc mình")
Lớp học chữ Thái cổ- Ảnh VOV. VN |
Đó là những tâm sự của các thầy cô giáo tâm huyết trong việc bảo tồn và gìn giữ chữ viết của đồng bào dân tộc Thái.
Với mong muốn được hiểu và lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc riêng có của dân tộc mình, nhất là đối với chữ viết, trong 3 tháng qua, vào mỗi tối tại trụ sở của Ủy ban Nhân dân xã Noong Luống (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), 30 học viên của lớp học chữ Thái cổ vẫn luôn miệt mài học đọc, học viết từng con chữ.
Người trẻ nhất 15 tuổi, già nhất 73 tuổi từ khắp các thôn bản trên địa bàn xã, thậm chí có cả những cán bộ đang nắm giữ trọng trách điều hành bộ máy chính quyền, cũng về chung một lớp. Lý do đơn giản của họ là người Thái phải biết tiếng Thái, để hiểu thêm về văn hóa dân tộc mình, từ đó bảo tồn, trao truyền lại cho các thế hệ mai sau.
Ông Lò Văn Vương (73 tuổi), ở bản Thanh Chính, xã Noong Luống, cho biết dù bản thân mắt đã không còn tinh, tai không còn thính, nhưng được học chính chữ viết, tiếng nói cội nguồn của dân tộc mình, là một niềm hạnh phúc vô cùng to lớn: "Chữ Thái cải tiến thì tôi cũng đã biết, tức là đọc đi đọc lại thì cũng biết ít thôi, thế nhưng chữ Thái cổ này không đọc được. Bây giờ đi học thì hiểu ra được ý nghĩa như thế nào và con chữ viết ra sao rồi. Tôi giờ cũng đã biết đọc biết viết chữ Thái cổ rồi, để về sau này còn dạy bảo cho con cháu mình, để cho anh em những người nào muốn học thì tôi sẽ truyền đạt."
Em Lường Thị Phương Linh. Ảnh VOV. VN |
Là thành viên trẻ nhất tham gia lớp học chữ Thái cổ, em Lường Thị Phương Linh, học sinh lớp 10 Trường Trung học phổ thông huyện Điện Biên, chia sẻ vì là người dân tộc Thái nên muốn tìm hiểu nhiều hơn nữa về văn hóa, chữ viết của dân tộc mình. Sau gần 1 tháng học, hiện tại em đã biết cách đọc và viết chữ Thái cổ: "Đến hiện tại thì em cũng đã biết cách đọc rồi. Em cảm thấy rất thích chữ Thái cổ vì nó rất là hay, một chữ thì nó có thể có nhiều nghĩa hoặc là cách ghép chữ rất đặc biệt. Nếu mình nói chuyện bình thường người Thái với nhau thì rất dễ, nhưng nếu theo cách viết thì rất khó vì nó có nhiều dấu. Rồi cách viết rất khác với chữ phổ thông của mình, nên mình phải học mới hiểu được."
Bà Chu Thùy Liên, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên cho biết: Những năm qua, tỉnh đã có nhiều chương trình, kế hoạch về gìn giữ, bảo tồn văn hóa các dân tộc, trong đó có bảo tồn văn hóa dân tộc Thái, đặc biệt là tiếng nói và chữ viết. Việc tổ chức lớp học chữ Thái cổ nhằm mục đích bảo tồn, gìn giữ, phát huy tiếng nói, chữ viết của một dân tộc bản địa ở vùng đất Mường Then này. Sau khi tốt nghiệp, các học viên sẽ được cấp Chứng chỉ của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam: "Phương hướng là chúng tôi tiếp tục gìn giữ bảo tồn và truyền dạy không chỉ với các cán bộ, công chức người Thái, mà còn là các đối tượng thế hệ trẻ người Thái, để họ có thể hát được, viết được tiếng dân tộc mình. Họ còn giao lưu với cộng đồng anh em dân tộc Thái trên địa bàn Đông Nam Á, cũng như trên thế giới."
Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên cho biết, trong thời gian tới dự kiến mỗi năm sẽ ít nhất tổ chức được một lớp học để truyền dạy chữ Thái cổ cho người dân. Đây chính là cách để bảo tồn, tìm hiểu văn hóa của cộng đồng dân tộc Thái, quảng bá thêm hình ảnh đồng bào dân tộc Thái đến với thế giới.