Sắc màu Tết của các dân tộc vùng cao

(VOV5) - Một mùa xuân lại về trên khắp các bản làng vùng cao. Những cánh hoa đào phớt hồng, đóa mận trắng mong manh rung rinh khoe sắc trong gió núi. Chào đón mùa xuân vùng cao còn là không khí tưng bừng lễ hội và đặc biệt là những nghi lễ độc đáo, những món ăn đặc trưng của đồng bào các dân tộc nơi đây. 


Sắc màu Tết của các dân tộc vùng cao - ảnh 1

Chợ Tết vùng cao

Nghe nội dung bài viết tại đây:



Cũng giống như nhiều dân tộc anh em khác, mùa xuân là dịp để đồng bào các dân tộc vùng núi cao nghỉ ngơi sau những ngày lao động vất vả trên nương rẫy. Tết là dịp để họ có thời gian thăm hỏi nhau, làm những món ăn cổ truyền của dân tộc mình dâng lên tổ tiên và đãi bạn bè. Với người Mường ở Sơn La, Tết Nguyên Đán là Tết quan trọng nhất, lớn nhất trong năm. Trong dịp Tết, mỗi nhà tổ chức một bữa cơm thịnh soạn để cúng tổ tiên và thần thánh. Ông Bùi Văn Tới cho biết ngoài hoa quả, trầu cau thì phải có thêm những lễ vật như: "Lễ vật đầu tiên phải có gà, lợn, bánh trưng, bánh dày, bánh trôi. Bánh trôi làm để cúng tổ tiên, bố mẹ. đầu tiên phải ăn bánh trôi mới đến bánh trưng, cơm, thịt. Con cháu đông lắm, nhà có 9 đứa con, đã lấy chồng, lấy vợ hết nhưng Tết đến con cái, cháu chắt tập trung hết về nhà. Truyền thống trong gia đình, con cháu tập trung về cùng dùng cơm trong ngày Tết".

Trong bữa cơm ngày Tết, ngoài các món có trong mâm thờ còn có thêm món ớt, nộm thịt thủ lợn, các loại rau đắng đồ, măng đắng đồ. Trước khi ăn, con cháu xếp hàng kính mừng thọ cha mẹ, ông bà. Người già nói lời chúc cho con cháu sang năm mới mạnh khoẻ, làm ăn phát đạt. Sau khi đã ổn định chỗ ngồi, mọi người mời nhau uống rượu, mời ăn lần lượt các món. Sự mời mọc diễn ra liên tục suốt bữa cỗ, kèm theo những câu hát ví, mo, kể chuyện làm cho không khí bữa ăn thêm vui vẻ và ấm cúng. Ông Bùi Văn Bằng cho biết chỉ có đến Tết cả gia đình mới tập trung tề tựu đông đủ nên đây là dịp để mọi thành viên trong gia đình bộc bạch những tâm tư tình cảm của mình, còn ông là trụ cột gia đình nên chỉ mong: "Mong muốn của mình là mong một cái tết qua đi, sang năm mới cso sức khỏe dồi dào, làm ăn thịnh vượng. Đầu xuân năm mới mong năm tới không gặp xui xẻo, ốm đau".


Sắc màu Tết của các dân tộc vùng cao - ảnh 2
Trẻ con chơi kéo co dịp Xuấn v

Với người Thái ở Nghệ An nghỉ việc đồng áng từ cuối tháng Chạp để chuẩn bị củi đun, lá dong, lương thực, thực phẩm để đón năm mới. Chiều 29 Tết, các gia đình người Thái ở đây làm bánh ngọt cúng thần bếp để cảm ơn một năm qua thần bếp đã giữ lửa cho gia đình. Đối với người Thái lửa có vị trí quan trọng không những duy trì công việc nấu nướng mà còn là vũ khí xúa đuổi tà ma, thú dữ. Người Thái nơi đây gói 3 loại cho ngày Tết, đó là bánh vuông, bánh tét và bánh sừng trâu. Các loại bánh thờ cúng vào dịp Tết của người Thái nơi đây gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp thể hiện sự trân trọng biết ơn của bà con đối với thiên nhiên vạn vật.

Ở bản làng của người dân tộc Thái trắng ở Điện Biên mỗi độ Xuân về lại rộn rã tiếng chày giã bánh Khẩu xén. Ông Hoàng Văn Huynh cho biết bánh Khẩu xén là món bánh không thể thiếu được trong các món ăn ngày Tết của người Thái trắng nơi đây: "Cái này tiếng địa phương là Khẩu xén. Tiếng Thái xén là cắt, còn khẩu gọi chung là cơm. Ngày xưa các sản phẩm nông sản làm ra để thờ cúng tổ tiên, ý nghĩa là như vậy. Làm ra vừa là để thờ cúng, nhưng cũng là món ăn mời bạn bè đến chúc Tết. Ngày xưa làm gì có nhiều quà, kẹo hay bánh. Ngày trước rán mỡ lợn".

Khẩu xén là loại làm từ nhiều loại nguyên liệu như gạo nếp cẩm, nếp nương. Đậm đà hơn là Khẩu xén làm từ sắn tươi. Miếng bánh Khẩu Xén được cắt theo hình bình hành, nhỏ hơn 2 ngón tay một chút, khi rán lên nở phồng nhìn rất bắt mắt. Bà Hoàng thị Mai cho hay khi cho vào miệng, miếng bánh giòn tan, thơm ngát và đậm đà hương vị của gạo nếp, sắn tươi: "Sắn củ giã ra rồi đồ lên, còn một loại làm bằng gạo nếp đồ lên, giã ra rồi phơi nắng. Bánh tên là Khẩu xén. Thường một năm đến Tết Nguyên Đán người Thái mới làm một lần. Sắn phải chọn nửa củ phía trên vì phần đó non không bị sơ như phần cuối. Sắn được nạo rồi cho lên đồ xong mới giã nhuyễn, cán mỏng đem phơi nắng, để hơi khô rồi mới cắt nhỏ".


Sắc màu Tết của các dân tộc vùng cao - ảnh 3
Thổi khèn và  ném còn vào mỗi dịp xuân về

Tết đến, người Tày, Nùng ở tỉnh Cao Bằng hối hả chuẩn bị làm món bánh Khẩu sli và bánh Khảo truyền thống của mình. Bánh Khẩu sli thơm ngọt giòn tan như tiếng cười của cô gái đôi mươi là hai loại bánh không thể thiếu trong mâm cỗ đón Tết của dân tộc Tày, Nùng. Khẩu sli được làm từ gạo nếp nương thơm dẻo, thứ gạo trắng ngần. Bánh Khẩu sli là sự kết hợp của những nguyên liệu có sẵn của vùng quê Cao Bằng như nếp nương, lạc, mật mía. Bà Dương Thị Canh, người dân tộc Nùng ở tỉnh Cao Bằng, cho biết: "Trước bánh Khẩu sli chỉ tết mới làm, không thể thiếu được. Khẩu sli tiếng dân tộc nghĩa là ngon ngọt, ăn vào ngon ngọt như tiếng sli lượn. còn bánh Khảo gọi là bánh Cao. Tết về, với dân tộc phải có bánh này vì ngày mùng một ăn chay, ăn bánh ngọt, không ăn thịt mỡ".


Cùng với các nghi lễ trong gia đình, những hoạt động vui chơi ngày hội, xuân trên vùng cao còn khiến lòng người rộng mở. Đó là khi cả không gian dày đặc tiếng khèn, tiếng sáo hòa cùng giọng ca trong trẻo. Đó là cánh đồng bạt ngàn cải trắng như mây bên sườn núi, là chồi xanh non nhú lên từ những gốc đào mốc thếch. Đất trời vùng cao như được khoác tấm áo choàng rực rỡ sắc màu mùa xuân.

Phản hồi

Các tin/bài khác