Tục thờ thần Bếp lửa của đồng bào dân tộc Tày

(VOV5) - Vì vậy, đồng bào dân tộc Tày luôn hướng về ngọn lửa như hướng về một thế giới huyền bí từ bao đời nay trong ngôi nhà mình.

Cũng như nhiều dân tộc khác, bếp lửa có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống của đồng bào dân tộc Tày. Bếp lửa vừa là chỗ đun nấu, bảo quản lương thực, vừa là nơi thờ Thần bếp lửa nhằm xua đuổi tà ma, đề phòng thú dữ và cầu mong sự may mắn, đầm ấm, no đủ. Vì vậy, đồng bào dân tộc Tày luôn hướng về ngọn lửa như hướng về một thế giới huyền bí từ bao đời nay trong ngôi nhà mình.

Nghe âm thanh phóng sự tại đây: 
Đồng bào dân tộc Tày coi bếp lửa là không gian linh thiêng, là nơi trú ngụ của vị Thần bếp lửa trong nhà. Bà Hoàng Thị Nhuận, Nhà nghiên cứu văn hóa ở tỉnh Cao Bằng, cho biết: Thần lửa của người Tày gọi là Pỏ Fầy (Bố lửa) và vị thần này sẽ mang lại may mắn, hạnh phúc cho cả gia đình. Bếp lửa của người Tày theo truyền thống được làm hình vuông trong nhà sàn và bếp lửa là âm thì Pỏ Fầy là dương. Âm dương hòa hợp mới có sự sinh sôi nảy nở. Vào đêm Giao thừa, nhà nào cũng có một khúc củi rất to để giữ lửa, tượng trưng cho chiếc đòn gánh, một đầu là năm cũ và đầu kia là năm mới.
Tục thờ thần Bếp lửa của đồng bào dân tộc Tày - ảnh 1Bếp lửa là nơi sưởi ấm và gia đình quây quần. Ảnh: VOV

Bà Hoàng Thị Nhuận nói: "Trong đêm giao thừa, tổ tiên, ông bà về ăn Tết thì trong nhà phải sáng sủa, ấm cúng. Tết bao giờ cũng rét, cho nên mới có câu: “Ấm như lửa, tốt như cũ”. Sự sung túc của năm cũ sẽ được nối tiếp sang năm mới duy trì đến muôn đời, phát triển và có lửa thì mới có sự sống. Khi giao thừa đã điểm, người già trong gia đình sẽ thổi lửa lên, đun nước để dâng tổ tiên, trước khi thắp hương lên ban thờ, năm mới vừa chạm thì có bài khấn như sau:"

                           Tháng Giêng năm mới đã về rồi

                                  Thần bếp ở đâu hãy sáng soi

           Đuổi và đốt đi những xui xẻo đi thật xa, đón may mắn sung túc về nhà"

Từ nay về sau sẽ ấm áp như lửa sưởi, như năm cũ bình an, cả năm nay sẽ tốt đẹp, làm gì được nấy, xuống nước được của rơi, lên bờ được của rụng, ra đường gió mưa không thổi đến/ mọi người được khỏe mạnh, giỏi giang"

Bếp trước hết là để nấu thức ăn gia đình. Vì người Tày ở gần rừng núi nên nhiên liệu để đun nấu là củi. Đêm đông giá rét giữa núi rừng, bếp lửa trên sàn còn có tác dụng như một chiếc lò sưởi để sưởi ấm. Gác bếp vừa là chiếc giá chứa đồ, vừa là "kho chứa" có thể bảo quản lương thực, thực phẩm lâu dài... Lửa được duy trì ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác và trong nhà lúc nào cũng phải giữ được than hồng.

Tục thờ thần Bếp lửa của đồng bào dân tộc Tày - ảnh 2Ngọn lửa được duy trì ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác và trong nhà lúc nào cũng phải giữ được than hồng. Ảnh: VOV

Nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Thị Nhuận cho biết thêm: "Lửa được giữ ở nhà, nhưng người Tày còn đem vải rách cuộn lại vào đầu cây gọi là bùi nhùi dẫn lửa đem ra đồng, ra nương để đốt cỏ, nếu không thì lấy cây củi nhỏ, thường là loại cây gỗ cứng mọc trên núi đá giữ được than hồng lâu."

Theo phong tục truyền thống của người Tày, khi ngôi nhà được dựng xong, thì phải làm cái bếp đầu tiên. Bếp phải thấp hơn sàn nhà khoảng 5 - 7 cm và được đắp bằng đất sét lấy ở những chỗ sạch nhất. Xung quanh bếp phải dùng gỗ tốt kê chắc chắn. Khi bếp khô, người ta dùng 3 hòn đá được chọn từ núi hoặc có thể dùng kiềng 3 chân kê làm chỗ nấu ăn.

Dù kiến trúc và cách bố trí các vật dụng trong từng gia đình có thể khác nhau, nhưng đều có một điểm chung là ánh nắng không chiếu thẳng vào giữa bếp. Làm xong bếp, người Tày sẽ làm lễ rước Thần lửa vào nhà. Trong gian bếp, luôn có một bàn thờ, bà con vẫn gọi là bàn thờ thần bếp và thần lửa. Bàn thờ này được làm khá đơn giản, bằng khung tre, dài 50cm, chiều rộng 20 cm, treo bên cạnh bếp. Bát hương cũng bằng ống tre.

Ông bà, bố mẹ luôn nhắc nhở con cháu không được bổ củi trong bếp, xung quanh bếp phải có một khoảng rộng để mọi người đi lại và có thể ngồi quây quần... Nghệ nhân Ưu tú Lương Thiêm Phú ở thôn Chang Nà, xã Tình Húc huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, cho biết người Tày ở đây có những kiêng kỵ và luôn dặn dò con cháu thực hiện:  "Từ xa xưa, ông bà, bố mẹ chúng tôi đã luôn nhắc nhở chúng tôi là khi ngồi cạnh bếp lửa không được đặt chân lên kiềng, lên bếp hoặc xê dịch ống tre cắm que hương vì theo quan niệm, đây là nơi trú ngụ của Thần lửa. Khi lấy củi vào bếp không được đặt củi xuống nền mạnh, không được bổ củi trong bếp; không được khạc nhổ ở xung quanh hay ngồi quay lưng lại bếp lửa, vì như vậy sẽ thiếu kính trọng với Thần bếp. Đặt quai nồi lên bếp thì phải đặt theo chiều dọc của bếp. Chỉ gia đình có người chết mới đặt nồi theo chiều ngang."

Ngày nay, dù cuộc sống của người Tày có thay đổi, nhưng nhiều bản làng vùng cao vẫn còn giữ được bếp xưa và tục thờ Thần bếp lửa. Đối với đồng bào Tày, bếp lửa còn là biểu tượng cho sự đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa cha con, anh em, vợ chồng. Tín ngưỡng và sinh hoạt bên bếp lửa đã tạo nên nét văn hóa độc đáo, hấp dẫn du khách mỗi dịp dừng chân thăm các gia đình người dân tộc Tày.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác