Tung tung da dá - Điệu múa truyền thống của dân tộc Cơ Tu

(VOV5) - Điệu múa tung tung da dá của người Cơ Tu ở 3 huyện: Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Tung tung da dá là điệu múa truyền thống, đặc trưng của người Cơ Tu mang tính tập thể rất cao. Đây là một điệu múa đẹp, vui nhộn, thu hút nhiều người tham gia. Múa tung tung da dá cho thấy sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nam và nữ, tượng trưng cho âm, dương trong vũ trụ. Tất cả cùng múa và nhịp bước vòng tròn, ngược chiều kim đồng hồ, sôi động, rộn ràng trên nền tiếng trống, cồng chiêng vang vọng nơi đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.

Nghe âm thanh bài viết tại đây
“Tung tung” theo tiếng Cơ Tu có nghĩa là vươn lên cao, sôi động hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa và vững chãi hơn nữa, thể hiện của khát vọng chinh phục vũ trụ của con người. Còn “Da dá”, theo tiếng Cơ Tu có nghĩa là thẳng hàng, nhịp đều, mang khát vọng của ý nghĩa tâm linh tạ ơn đất trời, kính trên nhường dưới, nâng đỡ kẻ yếu. Tung tung da dá được xem như cầu nối giữa quá khứ và hiện tại.
Tung tung da dá - Điệu múa truyền thống của dân tộc Cơ Tu - ảnh 1Người Cơ Tu, xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam múa tung tung da dá. Ảnh: Ngọc Anh

Với người Cơ tu, múa tung tung da dá như một cách để kết nối giữa thế giới thực tại với vũ trụ, tổ tiên, ông bà. Già Bríu Pố, người có uy tín ở xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, cho biết: "Tung tung là điệu múa dành cho con trai, còn da dá dành cho con gái múa. Nam thì đánh trống, đánh chiêng, đánh thanh la. Trống chiêng càng nhiều, kêu càng to càng tốt, nữ thì múa da dá. Nam giới thì có người cầm tù và, bình rượu, giáo mác… nhảy múa nhịp nhàng theo tiếng trống, tiếng chiêng. Con gái thì có người đeo gùi. Động tác múa thể hiện là họ mừng công việc đã làm được, cầu, xin trời đất phù hộ cho dân làng những điều tốt đẹp."

Khi múa tung tung, đàn ông mặc khố, choàng áo dệt bằng thổ cẩm, đi chân trần, tay nắm chắc cây khiên, cây giáo, cây mác hay cây dụ, hoặc nắm chắc tay bạn múa bên cạnh, vừa tung đôi tay lên vừa bước vừa hú một cách tự tin, hùng dũng, thể hiện sức mạnh của trai làng, bảo vệ dân làng, sẵn sàng đương đầu với khắc nghiệt của thiên nhiên. Khi múa da dá, phụ nữ mặc váy dệt bằng thổ cẩm, vai trần, cổ đeo vòng cườm, hai tay đưa lên ngang vai, bàn tay ngửa, thẳng ngón về phía sau thể hiện sự mừng rỡ đón đợi vật thiêng, mắt nhìn thẳng, miệng luôn mỉm cười.
Tung tung da dá - Điệu múa truyền thống của dân tộc Cơ Tu - ảnh 2Già làng Príu Pố, người có uy tín ở xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.
Ảnh: Ngọc Anh

Động tác múa uyển chuyển, nhẹ nhàng, thể hiện sự chung thủy và không chịu khuất phục trước hung ác, bạo tàn. Ông Võ Văn Hòe, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, cho biết:  "Về điệu múa tung tung da dá của người Cơ Tu, khi nghiên cứu tìm hiểu trước hết là từ đôi chân. Người Cơ Tu nhảy múa rất nhẹ nhàng trên những ngón chân. Cùng với việc đó thì 2 bàn tay họ ngửa lên trời. Ngày xưa khi múa, chị em phụ nữ múa khi dâng hai tay lên trời thì trên tay có xôi, bánh sừng trâu, đôi khi có cả cơm lam, thịt nữa để dâng lên trời. Vì thế, nên có nhiều người cho rằng, điệu múa của người Cơ Tu là điệu múa dâng trời, tức là dâng quà, phẩm vật cho trời. Nếu nhìn từ trên cao nhìn xuống thì thông thường ở giữa có một đống lửa.

Bên cạnh đống lửa thì thì có 2 vòng tròn, 1 vòng của người phụ nữ, 1 vòng của người đàn ông. Đôi khi chỉ có 1 vòng tròn thôi, khi múa người phụ nữ luôn xoay xung quanh người đứng cạnh họ và quay xung quanh đống lửa. Xét ở khía cạnh nào đó thì điệu múa như miêu tả một hệ thái dương. Tức là ở giữa là mặt trời, người phụ nữ là trái đất, trái đất tự quay và quay xung quanh mặt trời.

Tung tung da dá - Điệu múa truyền thống của dân tộc Cơ Tu - ảnh 3Một góc ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Ngọc Anh

Múa tung tung da dá có một nguyên tắc là sau khi giàn trống chiêng vang lên, bao giờ người con gái cũng bước ra múa trước, hết lượt con gái mới đến lượt con trai nối tiếp. Nếu người đông một vòng chật thì tạo thành hai vòng tròn cùng nhảy múa một lúc. Điệu múa tung tung da dá sắp xếp đi trước là nữ, đi sau là nam, vòng trong là nữ, vòng ngoài là nam. Điệu múa tung tung da dá thường tổ chức trong các lễ hội lớn của buôn làng, như: lễ hội đâm trâu, lễ hội mừng lúa mới, lễ dựng Gươl.

Anh Bh’ling Phát, trưởng thôn Pơr’ning, xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, cho biết: "Khi múa, người ta dựng cây nêu, cột con trâu vào người ta nhảy xung quanh, xếp thành các vòng tròn. Cồng chiêng đi trước. Sau đoàn cồng chiêng là đoàn phụ nữ múa da dá, ngoài cùng là đoàn con trai múa tung tung. Họ múa theo nhạc, có trống, có cồng chiêng, riêng cồng thì có 1 cái còn chiêng thì số lẻ 3 hoặc 5 cái. Múa có hú, hú như con thú nó hú. Những người đánh trống thường là người hú, tức là kiểu như gọi dân làng, dân làng này hú gọi thì dân làng kia hú cũng hú trả lời, đáp lại theo."

Hiện nay, các địa phương có người Cơ Tu sinh sống, như huyện: huyện Nam Đông, huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế), huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang (tỉnh Quảng Nam), đang bảo tồn và phát huy tốt điệu múa tung tung da dá.

Ông Tào Viết Hải, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, cho biết: "Người Cơ Tu có những nét văn hóa rất đặc thù, về nghệ thuật thì họ có điệu múa đặc trưng tung tung da dá. Chúng tôi bảo tồn điệu múa tung tung da dá, làm cho điệu múa phong phú hơn. Định kỳ 4 năm/lần, chúng tôi tổ chức ngày hội thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam, để bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống."

Năm 2014, điệu múa tung tung da dá của người Cơ Tu ở 3 huyện: Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác