Âm nhạc Nguyễn Văn Tý: Trường tồn với sức sống dân ca

(VOV5)- Cuộc đời một nhạc sỹ, chỉ cần có được một bài hát mà khi cất lên, người ta nhớ ngay tên tác giả, đã là niềm hạnh phúc vô bờ. Thế mà, với nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý, phải chăng, ông trời đã quá ưu ái ông, khi không phải chỉ là một, ông có cả chục bài hát, mà chỉ cần nhắc tên thôi, người ta đã nhớ ngay tới “cha đẻ” của chúng như “Mẹ yêu con”, “Dư âm”, “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”, “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”, “Tấm áo mẹ vá năm xưa”, “Bài ca năm tấn”, “Dáng đứng Bến Tre”, v.v…

Nghe ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý và nội dung chi tiết tại đây:


Ngôi nhà của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý rất dễ tìm. Nó nhỏ nhắn, xinh xắn, nằm trong một ngõ nhỏ trên đường Trần Khắc Chân, P. Tân Định, Q.1, TPHCM. Ngõ cụt nên yên tĩnh, dù bên ngoài, cách đó không xa, đường phố khá ồn ào.

Ngôi nhà chật chội và khá nhiều đồ đạc. Rõ ràng thiếu sự sắp bày của một phụ nữ tảo tần trong thời gian dài. Bác Tý năm nay đã suýt soát 90 nhưng còn rất minh mẫn. Dù thể trạng không được khỏe, tai hơi lãng, nhưng mạch chuyện về đời, về nghề giữa hai bác cháu đã kéo dài suốt gần ba tiếng mà không bị “đứt” lúc nào.

Âm nhạc Nguyễn Văn Tý: Trường tồn với sức sống dân ca - ảnh 1
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - Ảnh: vnphoto.net

Thừa hưởng gien âm nhạc từ người cha “lãng tử”
Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý sinh ở huyện Thanh Chương, Nghệ An. Nhưng cha ông vốn là người xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ông nhớ về ông cụ thân sinh:

Chưa biết thực hư câu chuyện tình của ông cụ thân sinh nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý thế nào, nhưng có vẻ như nó gần với tính cách lãng mạn và tài tử của ông cụ. Vì sau này, chính ông đã yêu và quyết tâm lấy người phụ nữ đã góa chồng và đã có hai con làm vợ. Người phụ nữ ấy chính là mẹ của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý. Ông kể về cuộc tình trái ngang nhưng cũng rất sâu sắc này:

Chẳng biết có phải vì quá ngưỡng mộ sự dấn thân quyết liệt ấy của cha trong tình yêu không mà sau này, nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý cũng đã có một cuộc nhân duyên với người vợ thứ hai, là một phụ nữ đã ly dị và có tới bốn mặt con.

Tự học và chuyện “tầm sư”
Có một người cha làu thông bát âm, có thể nói, xuất phát điểm của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý khá thuận lợi.

Cùng với đó, sinh ra ở cái nôi của những điệu hò, ví dặm mượt mà, thấm thía vùng Nghệ Tĩnh, nhạc sỹ sớm có cảm tình với âm nhạc dân tộc, đặc biệt là dân ca. Nhưng ngay cả thế, từ thuở bé cho tới lúc thanh niên sau này, chưa bao giờ ông nghĩ mình sẽ thành nhạc sỹ.

Thời gian theo học trường Quốc học ở thành Vinh, có thể coi là thời “thanh niên sôi nổi” của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý. Gia đình ông kinh tế khó khăn, may nhờ bạn bè giúp đỡ, nhất là người bạn thân của ông có mẹ bán vải ở chợ Vinh, ông mới được tiếp tục học hành.

Nhạc sỹ còn nhớ khi ấy, đám bạn đã góp tiền vào cho ông đi học nhạc của Đội Cung, người chỉ huy dàn nhạc lính khố xanh ở thành Vinh. Học xong, ông về dạy lại các bạn. Nhờ đó, ông có thêm chút vốn liếng âm nhạc bài bản. Một người thầy nữa của ông có tên là Mạnh Hinh.

Còn người thầy nữa mà ông hàm ơn là vị cha cố người Áo trong một nhà thờ ở thành Vinh. Người đó thoạt đầu mê giọng hát của ông, từ đó đã chỉ bảo thêm cho ông rất nhiều về nhạc lý.

Theo nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý, thời đó, chuyện tầm sư học đạo là việc rất khó khăn. Không dễ gì được học những ông thầy giỏi. Còn nữa, khi ấy, toàn cõi Đông Dương chỉ có duy nhất một trường dạy nhạc, và ở Việt Nam, đâu chỉ vài người được học ở đó. Phần đông còn lại đều tự học, tự tìm thầy.

Ngay cả lối sáng tác bài hát, cách xây dựng khúc thức như thế nào ông cũng tự học trong sách vở của người Pháp. Mọi yếu tố khởi, thừa, chuyển, hợp… phải vận dụng ra sao, ông cũng đã học hỏi và vận dụng từ đó.

Qua mỗi người thầy, ông lại học thêm được những điều mới lạ. Ông luôn tâm đắc với một câu thường trích dẫn trong sách dạy nhạc của người Pháp: “Hãy bắt chước trước khi sáng tạo”.

Học ca dao, dân ca
Tôi đã tự hỏi, lý do nào đã khiến những bài hát của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý có sức sống mạnh mẽ và có độ lan tỏa rộng lớn đến vậy? Và rồi sau khi tìm hiểu, tôi nhận ra, cội nguồn của điều đó hẳn là âm hưởng dân ca đã được nhạc sỹ vận dụng thật đẹp, thật nhuần nhuyễn và sáng tạo. Ngôn ngữ âm nhạc mới quấn quyện với ngôn ngữ âm nhạc dân tộc đã trở thành nét riêng không lẫn với ai của âm nhạc Nguyễn Văn Tý.

Không mấy người có “sức đi” và “sức viết” đáng nể như nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý. Thời còn sức khỏe, gần như tháng nào, tuần nào ông cũng phải đi thực tế sáng tác đâu đó. Đã thành thói quen, đến bất cứ đâu, ông cũng đề nghị được địa phương cho mình được nghe, được học dân ca.

Trong cách đi của mình, nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý muốn khẳng định tiếng nói riêng của từng vùng miền qua âm nhạc. Vì lẽ ấy, khi nghe bà con hát dân ca, ông thường ghi chép lại tỉ mỉ, học cách bỏ thanh điệu khi nói, khi hát của họ để vận dụng trong sáng tác.

Dù đã viết rất nhiều, đã thành công ở rất nhiều ca khúc, nhưng nhìn vào những gì đã làm được, nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý tâm đắc nhất với hai ca khúc: “Mẹ yêu con” và “Dáng đứng Bến Tre”. “Mẹ yêu con” là ca khúc ông viết trong cảm xúc hạnh phúc lần đầu được làm cha.

Nói về nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý, người ta nhắc nhiều tới những dấu ấn đặc biệt của ông thể hiện qua âm nhạc. Chẳng hạn, có người tôn vinh ông là nhạc sỹ tiêu biểu của các ca khúc “địa phương ca”, “ngành ca”, “phụ nữ ca”, v.v… Quả thực, với những gì đóng góp cho nền văn hóa nghệ thuật nước nhà nói chung, với âm nhạc dân tộc nói riêng, ông thực sự là tấm gương về sự tự học, về những nỗ lực sáng tạo đầy bản sắc. Và có một tác động rất đáng trân trọng nữa từ những tác phẩm âm nhạc của ông, đó là, người ta sẽ yêu hơn tiếng nói của quê mình, của dân tộc mình khi cất lên câu hát./.

Phản hồi

Các tin/bài khác