"Canh ngọn đèn đợi sáng": Nguyễn Huy Hoàng và giấc mơ quê hương

(VOV5)- Tập thơ “Canh ngọn đèn đợi sáng” của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng ở LB Nga, do NXB Văn học và Trung tâm văn hóa Đông Tây ấn hành, vừa ra mắt bạn đọc trong nước.


Nghe nội dung chi tiết tại đây:


C
ũng như những sáng tác trước đây của Nguyễn Huy Hoàng, tập thơ này vẫn tiếp tục mạch cảm xúc với những nỗi niềm đau đáu về quê nhà, cũng như về thiên nhiên, đất nước con người Nga.

Những bài thơ trong tập “Canh ngọn đèn đợi sáng”, Nguyễn Huy Hoàng đã sáng tác trong hai năm. Tâm trạng của những đêm trường ấy, nhà thơ đã thuật lại trong lời giới thiệu: “Đêm mùa đông ở Nga thì dài dường như vô tận. Từ năm giờ chiều, trời đã sầm tối, đường phố đã lên đèn; mãi đến chín giờ sáng, khi cảnh vật đã lờ mờ trong hơi lạnh, thì đèn đường mới tắt, nhường chỗ cho ánh sáng ban ngày luôn hiu hắt như trong cõi mù sương. Mà mùa đông có ngắn ngủi gì cho cam, kéo một mạch từ cuối tháng mười đến cuối tháng tư, một năm mùa đông tròn sáu tháng.Tôi đã trải qua bao đêm dài trăn trở không phải chỉ trong căn phòng tuổi tác ở Thủ đô Matxcơva, mà gần ba chục năm trên những chặng hành trình dằng dặc khắp nước Nga mênh mông; tôi đã từng ngả lưng bên những cánh rừng trong đêm hè ấm áp; từng cuộn mình trong lều da bạt khi xung quanh tru lên tiếng sói săn mồi; hay từng duỗi chân bên những bếp lửa rực hồng tận cực bắc lạnh gần năm chục độ dưới âm, nơi:

Sau lớp hàng rào cũ

Căn lều gỗ im lìm

Than bếp lò vừa lụi

Hơi ấm chờ tàn đêm”

Tôi nhớ hồi còn trẻ, mới sang Nga, vào đầu đông, suốt đêm háo hức chờ những bông tuyết đầu mùa. Khi tuyết rơi, giữa đất trời thanh khiết, chúng tôi để đầu trần, đi suốt hàng giờ trên đồi để hưởng cái giá lạnh dịu dàng và cảm nhận hết cái đẹp cao sang của miền quê xứ lạnh: Đón tinh khôi bông tuyết trắng đầu mùa -Giữa thảm trắng ngẩng đầu trần, háo hức - Rơi nhẹ nhàng những đoá trắng phất phơ... Giờ đây, không phải riêng tôi, mà những người luống tuổi, mỗi khi chớm đông lại run lên khi nghĩ về mùa đông Nga bời bời tuyết trắng, sợ cái lạnh lẽo triền miên, sợ cái khắc nghiệt của giá băng khi bắt đầu lưng còng, lòng mỏi.”

Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ: Nói về LB Nga, tôi nói về tình cảm hữu nghị của đất nước Nga đối với nhân dân Việt Nam. Thật ra đất nước Nga không chung với nước ta một tấc hải phận, một tấc biên giới, nhưng lại chung một điều rất vĩ đại đó là tình hữu nghị. Tình hữu nghị đó là nền tảng, và là chỗ dựa của cộng đồng người Việt Nam ở LB Nga. Chúng tôi đã gặp rất nhiều người Nga, những người nhân hậu, bươn chải kiếm sống, và những người Nga trí thức đã từng công tác tại Việt Nam. Những hình ảnh đó đã để lại cho chúng tôi dấu ấn rất sâu đậm. Và thơ tôi viết về họ, về thiên nhiên Nga, về cánh đồng Nga, về cuộc sống xô bồ hỗn độn ở nước Nga trong giai đoạn hiện nay. Nhưng mà đằng sau những cái đó chính là sự vươn lên của nước Nga hùng cường. Tôi đã cảm nhận được điều đó sau nhiều năm công tác, học tập ở Nga.

Nguyễn Huy Hoàng tâm sự “Nỗi buồn mùa thu trong thơ tôi được viết với cả một tấm lòng nuối tiếc, nhớ nhung và đằm thắm nhất mà tôi có được.

Biết đến bao giờ trở lại

Với cây, với lá, với chiều

Với mảnh đất Nga nồng hậu

Thưở còn chưa biết, đã yêu

Dẫu cách muôn trùng, vạn dặm

Đêm đêm, những chiếc lá vàng

Vẫn cứ rơi vào giấc ngủ

Tấc lòng trót đã đa mang

Tôi đã phải lòng nước Nga và mùa thu Nga như thế đó.

Trong tập thơ này, không chỉ có đêm dài với một  bóng hình, một ngọn đèn chờ khi bình minh đến, nó còn là những cảm xúc mang tính triết lý, những tình cảm và rung động trước thiên nhiên, con người Nga qua bao biến cải thăng trầm của một người đã dấn thân và được chứng kiến qua nhịp cầu thời gian vắt qua hai thế kỷ.

Nó còn là tiếng lòng trắc ẩn của một người con Việt viết về Tổ quốc khi sống xa ngoài vạn dặm; nó còn là những cảm xúc bi uất trước thế sự trái ngang được thể hiện bằng những lời thơ có khi mang tính chính luận, triết lý, nhưng cũng có khi hài hước sâu cay.

Nhưng xuyên suốt tập thơ vẫn là nhân vật trữ tình giãi bày tâm trạng, nỗi niềm, thường là yếu đuối, mong manh trước vũ trụ vô thuỷ, vô chung, vô cùng, vô tận, nhưng vẫn không hề tuyệt vọng, bi quan.

Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng tâm sự: Phần lớn các tác phẩm của tôi viết về nước Việt - một nước Việt yêu thương, cách 10 ngàn cây số, nhưng lúc nào cũng đau đáu nhớ về mảnh đất đó. Những người Việt trong thơ tôi không phải là người thành đạt viên mãn, mà tôi muốn viết về những người lầm than, những người khó khăn, chịu đựng để tồn tại nơi đất khách quê người. Tôi nghĩ đó là điều đáng nói nhất mà ít người nói về họ. Trong thơ tôi cũng nói về chân dung tâm hồn mình. Tôi muốn thể hiện bằng tình cảm của mình để từ đó nói tới tình cảm của mọi người. Và tình cảm của mình là tình cảm của người con Việt, nhiều năm xa Tổ quốc, và nỗi nhớ đại diện cho tất cả những người ở Nga có mảnh đất quê hương, làng xóm, cha mẹ. Quả thật không gian và thời gian càng xa thì càng nhớ, và càng xa thì càng hiểu biết hơn, những điều đó thể hiện trong thơ tôi. Tôi không dám mong muốn nhiều hơn ngoài điều là khi thơ tôi được gửi gắm, được chia sẻ, làm người ta yêu quê hương hơn, tin tưởng một ngày mai tốt đẹp hơn.

Và sự sẻ chia đó, Nguyễn Huy Hoàng mong làm ấm lòng những độc giả xa xứ dưới trời tuyết trắng nước Nga vẫn đọc thơ anh./.

Phản hồi

Các tin/bài khác