“Cuộc hành trình tìm bức chân dung” trong rặt ròng văn hóa Nam Bộ

(VOV5) -  "Văn hóa Nam bộ làm cho vở kịch khác với những vở kịch tại các vùng miền khác khi nói về Bác Hồ.”

“Cuộc hành trình tìm bức chân dung” là vở kịch được diễn thi khai mạc Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2021 của nhà hát kịch TPHCM do tác giả Khánh Hoàng viết kịch bản.

Trước đó tác phẩm từng tạo được chú ý khi là vở diễn tốt nghiệp của đạo diễn Hoàng Tấn với ê kip bao gồm nhiều diễn viên nhí được ra mắt vào cuối năm 2020.

Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Hồng Huệ:
 
“Cuộc hành trình tìm bức chân dung” trong rặt ròng văn hóa Nam Bộ - ảnh 1Các diễn viên nhí tham gia trong bản diễn đầu tiên của Cuộc hành trình tìm bức chân dung.

Vở kịch Cuộc hành trình tìm bức chân dung lần này mang đến nhiều bất ngờ cho khán giả khi các diễn viên thiếu nhi được thay thế bằng dàn diễn viên trẻ, tài năng của Nhà hát.

Lấy bối cảnh Miền Nam trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ ác liệt (1969) khi kẻ địch điên cuồng chia tách lực lượng cách mạng ra khỏi sự bao bọc của nhân dân. Thoát khỏi sự truy lùng, áp chế gắt gao của chúng trong các ấp chiến lược, một số người dân vào rừng gia nhập đội quân du kích hỗ trợ các chiến sỹ cách mạng đánh giặc. Đội du kích thiếu niên trong vở diễn cũng là hình ảnh của các em bé theo bố mẹ vào rừng tham gia chiến đấu trong thời kỳ chiến tranh…
“Cuộc hành trình tìm bức chân dung” trong rặt ròng văn hóa Nam Bộ - ảnh 2Dàn diễn viên "Cuộc hành trình tìm bức chân dung" trong vở diễn dự thi Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc. - Ảnh: Nhà hát kịch TP Hồ Chí Minh

Đạo diễn Hoàng Tấn đã có những chia sẻ về nội dung vở diễn: “Vào năm 1969, khi nghe tin Bác Hồ mất, tại vùng tạm chiến ở rừng đước Cà Mau, có một nhóm thiếu niên qua lời kể của người lớn, của những người thân trong gia đình - các em có một sự cảm mến, kính yêu đối với Bác, muốn có một bức chân dung của Bác để đặt lên ban thờ và các em quyết định đi tìm.”

Việc khắc họa tình cảm ngây thơ, trong sáng của các em nhỏ thông qua việc bất chấp nguy hiểm tìm hiểu về dung mạo của Người lại mang đến cho vở kịch một sắc màu rất riêng. Khán giả nhận ra rằng thể hiện được tình cảm kính yêu xuất phát từ tấm lòng con trẻ, sự vô tư, hồn hậu, dễ thương của các em thông qua lời nói, cử chỉ diễn xuất lại có sức lay động đặc biệt.

Nghệ sĩ Khánh Vân đảm nhận vai bé Ba cũng đã chia sẻ: “Vai bé Ba thực sự là một thử thách lớn cho mình. Bởi vì bé Ba là một cô bé chỉ mới 8 tuổi thôi, một độ tuổi cách rất xa so với độ tuổi hiện tại của mình. Theo như mình cảm nhận thì bé Ba là một cô bé rất thông minh và lém lỉnh. Chính vì vậy mà cô bé quyết định là sẽ âm thầm đi theo những người anh lớn của mình để tham gia một cuộc hành trình đi tìm bức chân dung của Bác mà không biết đang có rất nhiều hiểm nguy ở phía trước rình rập. Để đảm nhiệm được vai diễn mình phải tìm kiếm hết sự ngây thơ, trong sáng lém lỉnh còn sót lại của mình cộng với kỹ thuật biểu diễn để có sự thể hiện vừa đủ, bởi vì mình sợ nhất là mình diễn bị lố và kệch cỡm.”

“Cuộc hành trình tìm bức chân dung” trong rặt ròng văn hóa Nam Bộ - ảnh 3Một cảnh trong vở diễn Cuộc hành trình tìm bức chân dung - Ảnh: Nhà hát kịch TP Hồ Chi Minh.

Tái hiện không gian và cuộc sống của những người dân của vùng rừng ngập mặn Nam bộ cách đây 50 năm là một thách thức lớn đối với bất kỳ vở diễn nào, và Cuộc hành trình tìm bức chân dung cũng không phải là một ngoại lệ.

Diễn viên Thái Kim Tùng tâm sự về sự nỗ lực của anh cũng như cả ê kip nhằm xóa đi cách biệt lớn về thời gian và độ tuổi của các diễn viên tham gia: “Thời gian của vở kịch vào năm 1969 cùng với hoàn cảnh sống của nhân vật là ở trong rừng - những nơi nhân dân ta trốn tránh sự truy lùng của giặc. Tôi thì chỉ được biết đến chiến tranh qua các bộ phim tài liệu nên để có thể tưởng tượng được hoàn cảnh sống của nhân dân, tôi được sự hỗ trợ rất nhiều của đạo diễn của các bạn diễn. Đây sẽ là một kỷ niệm khó quên trong cuộc đời nghệ thuật của tôi.”

“Cuộc hành trình tìm bức chân dung” trong rặt ròng văn hóa Nam Bộ - ảnh 4Nghệ sĩ Thanh Tuấn đảm nhận vai ông Ba

Cùng có chung quan điểm với Thái Kim Tùng, nghệ sĩ Thanh Tuấn bày tỏ cảm nhận về vai ông Ba du kích cũng như không khí chung của cả vở kịch: “Cảm nhận đầu tiên của tôi khi đóng vai này là sự bồi hồi, xúc động, muốn mình thể hiện trọn vẹn nhất vai một ông già đậm chất Nam bộ, để mang đến cho khán giả hình ảnh của một người Nam bộ chân chất.

Tất cả anh em diễn viên đều mong muốn thể hiện được, để cho mọi người biết được là trong lòng của tất cả người dân miền Nam khi hay tin Bác Hồ mất đau đớn như thế nào và thương quý Bác Hồ như thế nào.

Hành động của các em nhỏ, của ông Ba làm mọi người thấy được tình cảm của người dân miền Nam đối với Bác Hồ.”

Sau tất cả những nỗ lực ấy thành quả mà vở diễn nhận được đã không phụ lòng mong mỏi của khán giả, đạo diễn và toàn bộ ê-kíp. Nhân vật nào cũng tròn đầy, duyên dáng và toát lên sự dung dị, thanh khiết của tâm hồn trẻ thơ. Cũng như nhiều khán giả, bạn bè thân quen, những người làm nghề đã dành nhiều lời khen ngợi cho các nghệ sĩ khi xem vở diễn.

Bên cạnh việc đầu tư, chăm chút cho mảng diễn xuất, vở diễn Cuộc hành trình tìm bức chân dung là tác phẩm được ứng dụng nhiều kỹ thuật về việc sử dụng màn hình, cách chiếu sáng hiện đại tạo hiệu quả thẩm mĩ, tính chân thực và biểu cảm cho các cảnh diễn. Đây cũng là xu thế chung khi sân khấu muốn tiếp cận gần hơn, hấp dẫn người xem theo những cách thức mới mẻ hơn.

Đạo diễn Hoàng Tấn thông tin về các thủ pháp xử lý sân khấu trong vở diễn: “Thí dụ như cảnh máy bay phun chất độc, ví dụ như cảnh bơi rồi tàu sắt tấn công bằng thì sân khấu khó thực hiện được những phân cảnh như thế. Tôi mới nghĩ ra rằng mình phải có sự kết hợp giữa trình chiếu màn hình Led là thông qua kỹ thuật chiếu cho diễn viên hòa vào cái bối cảnh không gian và khán giả sẽ cảm nhận được sự khốc liệt của cuộc hành trình vào thời điểm đó như thế nào. Và những file video kỹ thuật số trình chiếu nó tạo được hiệu ứng về thị giác để khán giả cảm nhận câu chuyện một cách rõ ràng hơn.”

Được chọn diễn mở màn trong Liên hoan kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc lần này vở diễn Cuộc hành trình tìm bức chân dung đã đáp ứng được kỳ vọng của đông đảo bạn nghề và các khán giả của đêm thi.

Một tác phẩm hội tụ được nhiều tiêu chí, chuyển tải trọn vẹn được thông điệp mà tác giả đã đưa ra, như ý kiến nhận xét của nhà báo Kim Thoa – Báo Tuổi trẻ: “Tổng thể của vở kịch khiến cho người ta có một cảm xúc rất đặc biệt. Hình ảnh Bác được thể hiện một cách rất sâu sắc trong cách mà các nhân vật nói về Bác nói về những tình cảm đối với hành trình tìm chân dung của Người, cũng giống như hành trình tìm đến chân lý đến độc lập tự do của quân và dân chiến sĩ miền Nam cũng như của toàn thể nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tác giả kịch bản cũng như đạo diễn đã truyền vào đó cả lời ăn tiếng nói và trong đời sống trong ứng xử của những người dân miền Nam, tức là văn hóa Nam bộ làm cho vở kịch khác với những vở kịch tại các vùng miền khác khi nói về Bác Hồ.”

Hy vọng từ những vở diễn thành công như thế này, tác giả, đạo diễn và cả ê-kip vở diễn sẽ tiếp tục sáng tạo thêm nhiều tác phẩm ý nghĩa hơn nữa. Vở diễn khi đó không chỉ là những câu chuyện phản ánh đời sống, vấn đề thời cuộc mà còn khắc họa được những dung dáng, tình cảm riêng về vùng đất, con người Việt Nam trong mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác