Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2019 – Người trong cuộc nói gì?

(VOV5) - Khép lại một mùa văn chương, mở ra một năm mới, và người sáng tác luôn phải là người đi trên đường chứ không thể là người ngồi lại.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Từ gần 200 tác phẩm ở các thể loại tham dự giải thưởng thường niên của Hội nhà văn Việt Nam năm 2019, kết quả chung cuộc có 8 tác phẩm được trao giải ở các hạng mục: văn xuôi, lý luận phê bình, thơ và văn học dịch. Có thể coi đây là mùa giải bội thu của Hội nhà văn Việt Nam sau nhiều năm khiêm tốn ở các hạng mục giải thưởng.

Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2019 – Người trong cuộc nói gì? - ảnh 1Các tác giả được Giải thưởng thường niên của Hội nhà văn năm 2019. 

Trong số 8 tác phẩm được giải thưởng thường niên năm 2019 của Hội nhà văn Việt Nam, có tới 3 tác phẩm lý luận phê bình. Đó là: “Những sinh thể văn chương Việt” của PGS - tiến sỹ Lý Hoài Thu, “Nhận diện và lý giải các hiện tượng văn học” của PGS – tiến sỹ Phan Trọng Thưởng, “Tư tưởng và phong cách nhà văn, những vấn đề lý luận và thực tiễn” của GS- TS Trần Đăng Suyền. Có lẽ đây là lần đầu tiên Hội nhà văn Việt nam trao nhiều giải thưởng lý luận phê bình mang tính hàn lâm đến thế.

Rời sân khấu với bó hoa và tấm bằng khen trên tay, PGS TS Lý Hoài Thu cảm thấy vô cùng hạnh phúc: “Đây là một niềm vui rất lớn đối với tôi và tôi nghĩ rằng người cầm bút nào cũng đều mong muốn được nhận giải thưởng danh giá này của Hội nhà văn Việt Nam. Sự cố gắng miệt mài của cá nhân tôi đã được đền đáp bằng phần thưởng rất xứng đáng. Về tư tưởng của cuốn sách này, trước hết là tôi muốn khẳng định sức sống của nền văn chương Việt. Chữ “sinh thể” tôi dùng với nghĩa là mỗi tác phẩm đều có đời sống riêng. Trong các bài viết của tôi luôn có sự phối kết khá nhịp nhàng, phê bình kết hợp với văn hóa học, ký hiệu học, cả sinh thái nữa. Tôi mở ra những góc tiếp cận mới để tác phẩm được soi chiếu từ nhiều chiều”

Ở hạng mục văn xuôi và thơ, nếu như hai năm trước, Hội nhà văn Việt Nam không gọi tên tác phẩm nào để trao giải thì năm 2019, số lượng tác phẩm còn được nhân đôi. Đó là hai tập thơ :“Bay trong mơ” của nhà thơ Trần Quang Đạo, “Nguồn” của nhà thơ Trần Quang Quý.

Theo nhận xét của hội đồng thơ, thì ở tập “bay trong mơ”, nhà thơ Trần Quang Đạo đã có sự vượt lên chính mình và thăng hoa. Còn tập “Nguồn” của Trần Quang Quý như một tuyên ngôn của sự trở về và gắn bó với đất đai, tổ tiên, cội nguồn.

Đây là lần thứ 3 nhà thơ Trần Quang Quý nhận giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam. Với ông, mỗi tập thơ là một trải nghiệm nghệ thuật đáng nhớ, và “Nguồn” đã động viên khích lệ ông rất nhiều: “Tập thơ “Nguồn” có một vị trí rất quan trọng đối với tôi. Đó chính là sự trở về, về nguồn và dòng chảy văn hóa của một vùng đất quê hương cũng như cố hương của tôi. Nó có ý nghĩa là con người không thể tách rời nguồn cội được. Nguồn cội chính là nơi nuôi dưỡng, cũng là động lực để cho chúng ta phát triển, đi ra không gian rộng lớn hơn của đất nước, của thế giới. Anh không có điểm tựa ấy, anh không là gì cả. Cũng như trong gia đình, anh phải có điểm tựa của gia đình. Bao giờ trong những tập thơ của tôi cũng gắn với một chủ đề mang tính chủ đạo”.

Trong số 8 giải thưởng, thì 2 giải thưởng dành cho văn xuôi có lẽ được chú ý hơn cả về tác giả cũng như tác phẩm. Tập ký sự “Trụ lại” với gần 600 trang in là thành quả lao động miệt mài của nhà văn Hồ Duy Lệ sau nhiều năm tìm kiếm tư liệu và tái hiện những câu chuyện người thật việc thật của vùng đất Quảng Đà trong kháng chiến chống Mỹ.

Nhà thơ Hữu Thỉnh – chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam đã dành khá nhiều thời gian chia sẻ về cuốn sách. Ông nhấn mạnh “Nếu ai muốn hiểu miền nam sau 1954 khốc liệt thế nào, đau đớn thế nào, vật vã thế nào, sống còn như thế nào, khổ đau như thế nào… xin hãy đọc “Trụ lại”. Về phía tác giả Hồ Duy Lệ, ông khiêm tốn và kiệm lời khi nói về giải thưởng của mình: “Cuốn sách của tôi được giải, có lẽ vì đây là vùng đất chiến tranh ác liệt, kéo dài hơn hai mươi năm, nhưng chưa có tác phẩm nào viết cụ thể, sinh động về vùng đất này. Tôi viết về những người thật việc thật, và tôi lại là người trong cuộc, do đó cố gắng phản ánh trung thực tất cả những gì đã diễn ra trong thời gian đó, những gương mặt phải trụ lại trên vùng đất ác liệt này để chiến đấu với kẻ thù. Đây là những tư liệu hết sức sinh động và chi tiết. Mỗi câu chuyện là một bút ký độc lập gắn kết với nhau thành một câu chuyện dài hai mươi năm”.

Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2019 – Người trong cuộc nói gì? - ảnh 2

Tập truyện ngắn Quán thủy thần của tác giả Nguyễn Hải Yến được trao giải thưởng thường niên của Hội nhà văn Việt Nam ở hạng mục Văn xuôi.

Nếu nhà văn xứ Quảng Hồ Duy Lệ đã có một hành trình dài cùng văn chương, thì nhà văn Nguyễn Hải Yến lại là một gương mặt mới nhưng gặt hái thành công ngay từ tập truyện ngắn đầu tay “Quán Thủy Thần”.

Trên Facebook cá nhân, chị tâm sự rằng hành trình của “Quán thủy thần” đến các nhà xuất bản khá chật vật. Nhưng cuốn sách hai trăm trang in với 10 truyện ngắn được viết với văn phong đẹp và lôi cuốn này đã đem về vinh quang cho chị: “ Tôi là người mê đọc từ thuở nhỏ. Tôi đọc tất cả những gì có thể rơi vào tay tôi. Tôi cũng đã từng viết. Nhưng rồi cuộc sống cuốn đi. Cách đây vài năm tôi viết trở lại, thì tự nhiên ở trong đầu tôi, tất cả những gì tôi đã đọc, tôi quan sát, tôi nghe, tôi sống ở miền quê nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, bên cạnh những bà cụ già, bên cạnh những người hàng xóm thuần nông như thế, trong tôi có cái gì tôi đưa vào tác phẩm như thế. Tôi nghĩ rằng cái đặc sắc trong văn của tôi chính là không gian đồng bằng Bắc Bộ, một không gian thuần nông, không pha tạp.”

Giải thưởng thường niên năm 2019 của Hội nhà văn Việt Nam đã được trao cho các tác giả, cả phía người trao và người nhận đều vui vẻ hào hứng. Trong sự sum suê của mùa giải, không có những câu chuyện những ứng xử ngược chiều, những thắc mắc hơn thua. Song điều ấy cũng phản ánh một tâm lý là một phần trong giới nhà văn và bạn đọc không mấy mặn mà quan tâm. Giải thưởng là sự tôn vinh. Điều ấy rất tốt, rất đáng khích lệ. Nhưng cũng không ảnh hưởng quá lớn tới người viết, vì sáng tác là tự thân. Giải thưởng có tính đại diện cho một nhóm tác phẩm chứ không hẳn đã quán xuyến được tất cả các tác phẩm ra đời trong năm đó ở cả ba miền đất nước.

Nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng,  nhiều giải không có nghĩa là văn chương năm này hơn văn chương năm trước: “Nhiều giải thưởng thì cũng không nói được rằng văn chương năm đó phát triển, mà ít giải thưởng thì không hẳn là văn chương mất mùa. Ban giám khảo đã chọn tất nhiên cũng có sự cân nhắc. Nói chung Ban lãnh đạo Hội nhà văn có trách nhiệm hơn trong việc lựa chọn giải thưởng, có kinh nghiệm hơn, nhưng đã tập hợp được những người có kinh nghiệm đánh giá văn chương vào ban giám khảo chưa? Hiện nay tôi cảm thấy Hội đưa vào ban giám khảo như là góp người vào mặt trận vậy, cho có đủ thành phần, có Bắc có Nam, có già có trẻ, có nam có nữ, thậm chí có người chưa sành về văn chương đâu, nhưng cũng là một phiếu để bỏ cho văn chương. Tôi sợ cái điều đó vừa khó cho họ, vừa khó cho cả người được giải.”

Thành phần ban giám khảo của Hội nhà văn Việt Nam chưa tương xứng – đó là một bày tỏ kín đáo và sâu sắc của nhà thơ Vũ Quần Phương. Với nhà thơ Đăng Huy Giang, giải thưởng chưa thuyết phục được anh, cả chi tiết tế nhị là người được giải cũng không nên là thành viên của một hội đồng nào: “Việc trao giải thưởng Hội nhà văn cho tác giả là thành viên trong Hội đồng chuyên môn, tất nhiên đây không phải lần đầu tiên. Người ta nghĩ ra cái cớ là: khi mà tôi ở trong hội đồng chuyên môn, nến chấm tác phẩm của tôi thì tôi đi ra ngoài. Nhưng thực ra thì có mặt hay không có mặt, người Việt mình hay nể nhau lắm, chả lẽ lại không bỏ phiếu. Việc này Hội nhà văn cần phải làm chặt chẽ hơn, phải có một quy chế rõ hơn. Còn về thơ năm nay rất bình bình, không có gì đột biến, cũng không có đóng góp gì”

“Có hoa mừng hoa, có nụ mừng nụ”, “không hạn chế số lượng giải thưởng” là tiêu chí mà các thành viên Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam thống nhất với nhau, trên tinh thần cởi mở, tôn vinh lao động văn chương và kiếm tìm những giá trị mới, những gương mặt mới.

Tác phẩm văn học phải đa dạng hóa và kết tinh hóa, tác phẩm văn học phải trở thành văn hóa – như nhà thơ Hữu Thỉnh – chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam nói với người cầm bút hôm nay: “Đa dạng hóa và kết tinh hóa là hai quá trình đi song song với nhau. Đa dạng hóa tức là mở rộng đề tài chủ đề, tìm kiếm nhân vật, tìm kiếm vấn đề, chấp nhận mọi giọng điệu mọi phương pháp. Nhưng bên cạnh đó, với tư cách hội viên Hội nhà văn Việt Nam thì yêu cầu kết tinh hóa là một yêu cầu hết sức quan trọng. Không phải bất cứ tác phẩm văn học nào cũng trở thành văn hóa, mà nó chỉ kết tinh thành các giá trị khi nó trở thành văn hóa. Có nghĩa là nó có sức sống lâu dài, mở rộng không gian của văn học, chấp nhận mọi giọng điệu mọi phương pháp, nhưng không quên một yếu tố có tính sống còn là văn học phải trở thành văn hóa. Nhiệm vụ này khó khăn biết chừng nào. Kết tinh văn học khó khăn biết chừng nào!”

Khép lại một mùa văn chương, mở ra một năm mới, và người sáng tác luôn phải là người đi trên đường chứ không thể là người ngồi lại. Vật vã lắm, vất vả lắm, để tạo ra những sinh thể văn chương, cho mình và cho cuộc đời.   

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác