Hè về trong tiếng sáo diều dật dờ

(VOV5) - Hè về của Hùng Lân xuất bản vào năm 1949 dường như là bài hát mùa hè nổi bật nhất của trào lưu tân nhạc lãng mạn.

Nghe âm thanh tại đây qua giọng đọc PTV Hải Yến:

Trời hồng hồng, sáng trong trong

Ngàn phượng rung nắng ngoài song

Cành mềm mềm, gió ru êm

Lọc mầu mây bích ngọc qua mầu duyên

Ðàn nhịp nhàng hát vang vang

Nhạc hòa thơ đón hè sang

Hè về trong khóm trúc mềm đầu bờ

Hè về trong tiếng sáo diều dật dờ

Hè về gieo ánh tơ...

Tân nhạc cho đến đầu thập niên 1950 vẫn không nhiều bài hát về mùa hè. So với ba mùa còn lại, mùa hè có vẻ không phải là thời tiết ưa thích của các nhạc sĩ. Mùa hè trong các bài hát thường có màu sắc gắn liền các hoạt động hướng đạo, học sinh, thanh niên, những ngày nghỉ hè, mùa gặt hay các bài hát cổ vũ đời sống tập thể. Những bài hát lấy hẳn đề tài mùa hè cũng để lại một số dấu ấn, như Hè về (nhạc sĩ Hùng Lân), Khúc ca mùa hè (nhạc sĩ Canh Thân), Vui cảnh mùa hè (nhạc sĩ Hoàng Trọng, lời Hoàng Dương), hoặc gắn với mùa gặt như Bức họa đồng quê (nhạc sĩ Văn Phụng), Khúc nhạc đồng quê (nhạc sĩ Thúc Đăng), Vui cảnh đồng quê (Nguyễn Văn Khánh, lời Dương Thiệu Tước)...

Hè về trong tiếng sáo diều dật dờ - ảnh 1Hình ảnh bìa bản nhạc Hè về của nhjac sĩ Hùng Lân trên trang Một thời Hà Nội hát

Hè về của Hùng Lân xuất bản vào năm 1949 dường như là bài hát mùa hè nổi bật nhất của trào lưu tân nhạc lãng mạn. Hùng Lân (sinh 1922- mất 1986) vốn tên thật là Hoàng Văn Cường, khai sinh là Hường, sau đổi là Hương, có ông nội chuyển từ Sa Đéc ra Hà Nội, gia đình theo đạo Thiên chúa. Hùng Lân bắt đầu viết nhạc từ khoảng 1940, năm 1945 ông sáng lập ca đoàn Lê Bảo Tịnh, quy tụ nhiều tu sĩ, trong đó có các tác giả như Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên, Tâm Bảo...

Năm 1944, trong trào lưu viết ca khúc đề tài thanh niên - lịch sử, Hùng Lân sáng tác bài "Việt Nam minh châu trời đông", bài hát này từng được giải nhì cuộc thi âm nhạc toàn quốc của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (sau bài Tiến quân ca). Ông còn có một số bài hành khúc khác nổi tiếng như Khỏe vì nước, Rạng đông... Những bài hát lãng mạn của Hùng Lân được xuất bản khá nhiều, song chúng không có kiểu cách huê tình mà có xu hướng tả cảnh, bày tỏ một ý niệm, vì thế cũng không phổ biến bằng các bài hành khúc sôi nổi hay các bài hát cho thiếu nhi. Hùng Lân cũng là người đặt lời Việt cho một số bản thánh ca như Đêm thánh vô cùng cho bản Silent Night của Gruber. Phong cách của Hùng Lân cung cấp cho tân nhạc một cảm thức cộng đồng thánh thiện, có màu sắc thiêng liêng huyền ảo của tôn giáo, khác với cảm thức cộng đồng cách mạng của những bài hát kháng chiến.

Khoảng cuối thập niên 1940, đầu 1950, tài tử Ngọc Bảo khi này đã về thành và là một giọng ca nổi bật của đài phát thanh Hà Nội cùng ban Việt Nhạc tại đài này. Ông đã thu khá nhiều đĩa hát 78 vòng, là một trong số các ca sĩ Hà Nội hiếm hoi để lại được các bản thu thời kỳ đầu. Đĩa Viễn Đông 78 vòng ký hiệu 2067-1 và 2068-2 với hai mặt do Ngọc Bảo hát cùng ban nhạc Trần Văn Lý, đi cùng ca khúc "Hè về" của Hùng Lân là "Nương chiều" của Phạm Duy. Có thể thấy trong ca khúc "Nương chiều" (năm 1947), Ngọc Bảo hát theo lời ca kháng chiến của Phạm Duy (lúc này chưa về thành) như những câu:

Thu về Việt Bắc căm hờn

Đâu dân cày ca theo làn gió.

Hè về trong tiếng sáo diều dật dờ - ảnh 2Nhạc sĩ Phạm Duy thời trẻ - Nguồn ảnh: Báo Thanh niên

Sau này, khi bản nhạc được tái bản, Phạm Duy (về Hà Nội tháng 5-1951) đã sửa lại lời của đôi câu đầu điệp khúc thành: "Thu về đồng lúa nương chiều. Tay dân cày ngừng giữa làn gió" và viết thêm lời hai - mang màu sắc lãng mạn rõ rệt so với lời 1 nguyên thủy thuần túy là một bài hát kêu gọi sản xuất cho kháng chiến:

Chiều ơi! Lúc chiều về mọc ánh trăng tơ

Cho ngày mùa bài hát nên thơ, ơi chiều

Chiều ơi! Mái nhà sàn thở khói âm u

Cô nàng về để suối tương tư, ới chiều

Chiều ơi! Biết chiều nào còn đứng trên nương

Phố phường nhiều chiều vắng quê hương, ới chiều

Chiều ới! Chiều ơi! Chiều ơi!

Thời kỳ hoạt động của đài phát thanh Hà Nội trong vùng tạm chiếm từ 1949 đến 1952 cho thấy sự kiểm duyệt tương đối lỏng lẻo, nhiều bài hát kháng chiến được biểu diễn với lời ca gốc. Đây là cơ hội để các bài hát kháng chiến trở nên quen thuộc với thị dân Hà Nội. Những năm tháng ấy cũng cho thấy ý thức hệ chưa phân ly rõ rệt, tình tự của người Việt trong âm nhạc cả hai phía đều là một khu vực lựa chọn những gì mộc mạc, hiền hậu để lưu trong ký ức.

Non một thế kỷ đã qua, những ký ức về mùa hè, về đồng ruộng... vẫn còn lưu luyến người nghe, trước hết là một cách thể hiện tình cảm tự nhiên và phóng khoáng. Ta nghe lại để hồi tưởng một âm sắc xưa cũ của Hà Nội, của một thời hát...

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác