Họa sĩ Minh Mỹ người phụ nữ quả cảm của nền hội họa Việt Nam

(VOV5) - Họa sĩ Nguyễn Minh Mỹ là một trong số ít nữ họa sĩ thành danh từ những năm 70 của thế kỉ trước.
Họa sĩ Minh Mỹ người phụ nữ quả cảm của nền hội họa Việt Nam - ảnh 1Họa sĩ Nguyễn Minh Mỹ - Ảnh: Gia đình họa sĩ.

Năm nay họa sĩ Nguyễn Minh Mỹ vừa tròn 100 tuổi. Cụ thân sinh ra bà quê gốc ở Hưng Yên nhưng công việc đòi hỏi phải di chuyển nên các con cũng được theo gia đình đi nhiều nơi, đến nhiều vùng đất.

Sinh ra trong một gia đình viên chức khá giả nên từ nhỏ, bà đã được học tiếng Pháp, được giao thiệp với nhiều người.

Có lẽ vì thế nên dù đến với hội họa khá muộn- khi đã lập gia đình và có 5 người con, họa sĩ Nguyễn Minh Mỹ vẫn luôn giữ được tinh thần hăng say, ham học hỏi và sáng tạo. Vừa qua, họa sĩ Nguyễn Minh Mỹ vừa được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.

Đã đi qua một thế kỷ, sức đã yếu, trí nhớ không còn minh mẫn như xưa nhưng bà vẫn chính là bà khi thích gặp gỡ người trẻ, thích nói chuyện, thích xem ảnh ngày xưa. Bà vẫn nhớ mình là ai khi được hỏi.

Nghe âm thanh bài tại đây qua giọng đọc PTV Kim Phượng:
Đạo diễn, NSND Phạm Minh Trí là con trai cả của họa sĩ Nguyễn Minh Mỹ, cũng là người đang chăm sóc, phụng dưỡng me. Ông kể: Những năm trước, khi đã ngoài 90, họa sĩ Minh Mỹ vẫn mang đồ len đan và giao thiệp với mọi người, kể cả bà bán sổ số lẫn các bạn thanh niên, khách du lịch và giao tiếp với họ một cách thành thạo bằng tiếng Pháp. Bởi lẽ bà là người sống tích cực, không chịu cuộc sống nhàm chán, buồn tẻ.
Họa sĩ Minh Mỹ người phụ nữ quả cảm của nền hội họa Việt Nam - ảnh 2Khi tuổi đã cao, họa sĩ Nguyễn Minh Mỹ vẫn miệt mài với cây cọ.

Theo đạo diễn Phạm Minh Trí: ngày trước, khi đã 32 tuổi, có 5 mặt con, bà vẫn thi vào trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam với mong ước được trở thành họa sĩ: "Hòa bình lập lại, đời sống mới rồi thì cụ muốn mình cũng phải có một nghề nào đấy. Tất nhiên cụ cũng có hoa tay từ thời trẻ, vẫn thường vẽ lại ảnh diễn viên, các minh tinh màn bạc bằng bút chì rất đẹp, nét chuẩn. Cụ học có 2 năm ở trường Mỹ thuật thôi, vì con ốm, việc gia đình… nên để theo đủ chương trình của nhà trường thì rất khó. Nhưng nhà trường cũng chiếu cố, cho thi và đa đã đạt điểm cao nhất. Bài tốt nghiệp với tác phẩm tranh cổ đọng của bà được giải Ba của giải thưởng Mỹ thuật toàn quốc năm ấy."

Với một họa sĩ vừa chân ướt chân ráo vào nghề, giải Ba của Giải thưởng Mỹ thuật toàn quốc năm 1958 là một điều rất vinh dự và cũng khích lệ họa sĩ Minh Mỹ rất nhiều trên bước đường đầu với nghệ thuật. Về sau, tác phẩm “Cải tiến canh tác đẩy mạnh sản xuất” của bà cũng được mang đi triển lãm ở các nước xã hội chủ nghĩa. Sau khi tốt nghiệp, bà được phân công về Bộ Ngoại thương, chuyên về xuất khẩu hàng mỹ nghệ. Những năm tháng công tác ở đó, bà được phân công vẽ trang trí đồ bạc như dao ăn, dĩa, chén, phin pha cà phê… để xuất khẩu. Bà có nhiều thời gian để vẽ tranh lúc về nghỉ mất sức vào những năm 70 của thế kỉ trước.

Và niềm đam mê ấy bà đã thỏa sức với tranh lụa qua hồi ức của đạo diễn Phạm Minh Trí: "Khi hòa bình lập lại,tình yêu với hội họa trở lại, muốn bày tỏ niềm đam mê của mình với hội họa. Tranh của cụ ngoài được bảo tàng mua thì cũng bán cho nước ngoài kha khá. Lúc ấy cụ là một trong số ít họa sĩ nữ bán được tranh. Vào thời điểm ấy, cuối những năm 70 đầu 80, để người ta biết đến là một điều rất khó khăn, nhưng cụ bán được tranh, bằng mọi cách tự quảng cáo mình một cách rất tự tin."

Họa sĩ Minh Mỹ người phụ nữ quả cảm của nền hội họa Việt Nam - ảnh 3Cô gái dệt vải- Tranh Nguyễn Minh Mỹ

Họa sĩ Minh Mỹ dành nhiều tâm huyết của mình vẽ tranh lụa về đề tài phụ nữ và trẻ em.

Những tác phẩm để đời của bà đều có màu sắc giản dị, ấm áp, đặc tả đôi mắt. Không ít trong số đó là kết quả của những chuyến đi dài, đạp xe lên tận Sơn La hay đi vào các tỉnh miền Trung thăm thú, tìm hiểu thực tế.

Bên cạnh đó, khi ngắm những tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Minh Mỹ, người xem đều thấy toát lên sự âu yếm, dịu dàng. Tình cảm ấy rất đỗi thiết tha, chân thành cũng bởi phần nhiều bà là mẹ của 5 người con, đã trải qua những khó khăn trong những năm tháng đất nước chiến tranh.

"Bà đã đi qua 100 tuổi với tài năng của mình và lòng quả cảm. Khi sơ tán, 5 đứa con phải chia ra 4 nơi theo trường. Người mẹ phải lo cho 5 đứa con, cho nó có sự ấm êm có thể, đủ chăn, đủ gối không, đặc biệt còn gửi cả lương thực, thực phẩm, thậm chí hồi bà sơ tán ở cây đa Mai Lĩnh, đi theo công ty xuất nhập khẩu mỹ nghệ, bà đã ra bãi dâu bắt con cóc về làm ruốc cho con. Hồi ấy thực phẩm khó khăn lắm và bà là người mẹ thương con, không nề hà." - Đạo diễn Phạm Minh Trí kể lại.

Họa sĩ Nguyễn Minh Mỹ là một trong số ít nữ họa sĩ thành danh từ những năm 70 của thế kỉ trước. Những tác phẩm của bà: Tuổi thơ, Em bé và chim bồ câu, Cô gái dệt vải, tranh áp phích “Cải tiến và đẩy mạnh sản xuất” được đồng nghiệp và những người yêu thích hội họa đánh giá cao.

Họa sĩ Minh Mỹ người phụ nữ quả cảm của nền hội họa Việt Nam - ảnh 4Em bé và chim bồ câu - Họa sĩ Nguyễn Minh Mỹ.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho rằng: Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật dành tặng cho họa sĩ Nguyễn Minh Mỹ là phần thưởng cao quý với những nỗ lực, cống hiến không mệt mỏi của bà: "Tôi cho rằng với một người tận tụy, dâng hiến cho nghệ thuật như bà Minh Mỹ, không có gì khiến bà thực sự tủi thân, thản nhiên sống và vẽ. Những tranh lụa của bà là dấu ấn thành công, lúc nào cũng mềm mại, lúc nào cũng dành tình cảm  âu yếm với nhân vật trong tranh của mình. Đó là phẩm chất của người đàn bà Việt thể hiện ở người phụ nữ này. Tôi cho rằng đây là món quà trước khi bà rời cõi tạm, cũng là lời tạ lỗi âm thầm với những cống hiến của bà."

Đúng như nhận định của Đạo diễn, NSND Phạm Minh Trí: bà đã đi qua cuộc đời với tài năng và lòng quả cảm. Không cam chịu sống đời bình thường vốn mặc định cho phụ nữ trong xã hội cũ, họa sĩ Nguyễn Minh Mỹ đã dám thực hiện khát vọng tự do của một người phụ nữ trong xã hội mới. Những sáng tác của bà cũng là thành quả sau nhiều năm miệt mài, lao động nghệ thuật, để giờ đây khi đã ở tuổi xế chiều, bà vẫn luôn tự hào vì mình đã dám sống như thế.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác