Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn: cái lõi của công nghiệp văn hóa phải là người làm văn hóa

(VOV5) - Để thực hiện được công nghiệp văn hóa, thì nó phải nuôi sống được những người tham gia vào hệ thống này... 
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn: cái lõi của công nghiệp văn hóa phải là người làm văn hóa - ảnh 1Họa sỹ / Nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Thế Sơn - Ảnh: hanoigrapevine.com

Bên cạnh công việc của một Giảng viên nghệ thuật Đại học Quốc gia Hà Nội, họa sỹ Nguyễn Thế Sơn còn dành nhiều thời gian và tâm sức cho việc xây dựng, kết nối những không gian nghệ thuật cho Hà Nội, đặc biệt ở vùng lõi phố cổ, nhằm góp phần phát triển công nghiệp văn hóa trong thành phố sáng tạo.

Song tất nhiên, để đưa nghệ thuật, đưa văn hóa trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn thì đó là cả một câu chuyện dài. Họa sỹ Nguyễn Thế Sơn trả lời phỏng vấn phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam về vấn đề này.

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Thưa họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, anh có thể nói đôi điều về những dự án nghệ thuật gần đây nhất, anh đang thực hiện cho Hà Nội?

Họa sỹ Nguyễn Thế Sơn: Dự án gần đây nhất là dự án ở chỗ vườn hoa Cửa Nam: Tôi cũng có ý tưởng muốn tương tác với bức tường có bức tranh áp phích vẽ pa nô quảng cáo từ thời trước năm 1954, vẽ quảng cáo lốp ô tô của hãng Goodyear và quảng cáo nước đóng chai Evian-Cachat.

Trong quá trình cải tạo vườn hoa đó, khi mà dỡ bốt điện ra, quận Hoàn Kiếm thấy bức tranh quảng cáo rất thú vị, hoàn toàn bằng tiếng Pháp. Và có ý tưởng tôn vinh câu chuyện về áo dài Việt Nam thực hiện bởi họa sĩ Le Mur Cát Tường. Cát  Tường là một họa sĩ gần như thế hệ đầu của Mỹ thuật Đông Dương, Năm nay cũng chính là 100 năm kỷ niệm thành lập trường Mỹ thuật Đông Dương - năm 1924.

Tôi nhìn thấy ngôi nhà của họa sĩ Lương Xuân Nhị ở đối diện đó cũng đang bị phá dỡ mất một nửa - mà họa sĩ Lương Xuân Nhị cũng là một người rất cổ súy cho họa sĩ Cát Tường trong giai đoạn đầu tiên khi ông sáng tạo nên những mẫu áo dài cho phụ nữ Việt Nam. Chính vì thế nên ở 3 bức tường còn lại, thứ nhất trên bức tường đối diện với ngôi nhà trước đây họa sĩ Lương Xuân Nhị đã từng sinh sống và sáng tác bức tranh này, tôi vẽ lại bức tranh Chợ hoa xuân với các thiếu nữ mặc áo dài cầm hoa đào, từ bức tranh lụa rất đẹp của họa sĩ Lương Xuân Nhị. Còn lại các bức tường khác, tôi đã sử dụng những bức quảng cáo giới thiệu về những hình ảnh áo dài của Le Mur Cát Tường.

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn: cái lõi của công nghiệp văn hóa phải là người làm văn hóa - ảnh 2Bức tranh của họa sĩ Lương Xuân Nhị được vẽ trên bức tường - trạm biến áp mà phía đối diện bên kia đường chính là ngôi nhà của danh họa - Ảnh:FB Trương Vị/ Nguồn:anninhthudo.vn

Nghe Nguyễn Thế Sơn khi nói về các dự án về di sản và nghệ thuật cộng đồng ở Hà Nội, cụ thể hơn nữa ở khu vực Hoàn Kiếm mà anh đã thực hiện rất nhiều, thì bao giờ anh cũng đầy say sưa. Trong câu chuyện của anh luôn luôn đầy ắp thông tin và nó hấp dẫn tôi bởi đằng sau bề mặt của những không gian mà chúng ta có thể quan sát bằng mắt bình thường, là một dòng chảy của di sản, của câu chuyện văn hóa từ rất nhiều đời, lại liên kết với chúng ta trong cuộc sống hôm nay, trong dòng chảy đương đại hôm nay.

Họa sỹ Nguyễn Thế Sơn: Có một dự án mà chúng tôi thấy rất tâm huyết, đó là dự án nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật, là dự án nối thông trường tiểu học Trần Nhật Duật và để cho các em học sinh trường tiểu học Trần Nhật Duật có một con đường đi học, đến trường trở nên hấp dẫn, vui tươi. Đồng thời có một vị trí rất chiến lược khi kết nối khu phố cổ với khu vực ngoài bãi Phúc Tân ngoài đê, thông qua cây cầu đó. Rõ ràng chúng ta nhìn thấy khu vực phố cổ và khu vực ngoài đê bị chia cắt bởi con đường Trần Nhật Duật (là con đường chính xe cộ qua lại rất đông đúc-  p/v). Chính vì thế cây cầu có một ý nghĩa giống như một gạch nối. Chúng tôi đã có một ý tưởng làm một dự án lấy tên là Nước - nước gần như để kết nối lại, dần dần hình thành nên một bản đồ văn hóa, khi mà gần đây tôi có một chuỗi các dự án liên quan đến những ngôi đình.

Anh muốn nói đến dự án Đình trong phố?

Họa sỹ Nguyễn Thế Sơn: Đình trong phố chính là dự án rất tâm huyết thầy trò chúng tôi đã cố gắng thực hiện trong vòng 3 năm nay, với thử nghiệm từ Đình Nam Hương 75 Hàng Trống, khi đối thoại với dòng tranh dân gian Hàng Trống. Chúng tôi tiếp tục triển khai những dự án những ngôi đình như đình Hà Vỹ - đình thờ ông tổ nghề sơn, đình Tú Thị - ông tổ nghề thêu. Sắp tới đây là đình Phả Trúc Lâm thờ ông tổ nghề làm giày. Rất nhiều những ngôi đình thú vị mà có lẽ đang bị lãng quên trong đời sống đương đại.

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn: cái lõi của công nghiệp văn hóa phải là người làm văn hóa - ảnh 3Sau khi được đầu tư tu bổ, tôn tạo, đình Nam Hương với nét kiến trúc cổ truyền và là nơi sinh hoạt chung của cộng đồng, đã trở thành điểm sáng tạo để các nghệ sỹ trẻ được tiếp cận với tranh dân gian Hàng Trống - Ảnh: Bảo Thoa/laodongthudo.vn

Ý tưởng của tôi cũng như học trò và của một số nghệ sĩ nữa, cũng cố gắng tích hợp thêm yếu tố về những ngôi đình trong phố trở thành những không gian sáng tạo, dần dần hình thành một bản đồ nghệ thuật phố cổ, trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa mà tôi nghĩ sẽ rất có hiệu quả khi có thể níu chân du khách, đặc biệt là du khách quốc tế, những người rất yêu thích văn hóa nghệ thuật.

Như những trải nghiệm của tôi trước đây khi đi du lịch nhiều thành phố của châu Âu, có những cái gọi là Walking art tour, tour nghệ thuật đi bộ. Tôi thấy với cự ly, phạm vi như phố cổ rất hiệu quả khi tiến hành có những tour nghệ thuật mà đi bộ được như vậy. Bản thân tôi cũng đang dẫn một số những tour nghệ thuật đi bộ đặc biệt như vậy cho du khách.

Vâng thưa anh Nguyễn Thế Sơn, khi thực hiện những sự kết nối về mặt không gian sáng tạo nghệ thuật như thế này cũng là một cách để tạo tiền đề, tạo hạ tầng bước đầu về mặt công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng đến bây giờ cụm từ công nghiệp văn hóa vẫn là một cụm từ rất lớn lao. Tiềm năng và các ý tưởng của anh khi thực hiện các dự án nghệ thuật cộng đồng cho Hà Nội, hiển nhiên cũng phải đặt trong tâm thế đó?

Họa sỹ Nguyễn Thế Sơn:  Chia sẻ về mặt góc nhìn cá nhân, thì bản thân khi thực hiện dự án công cộng đó, trước mắt tôi phải có những dự án mà tôi sống được đã. Minh phải đủ khỏe thì mình mới có thể giúp người khác. Tôi nghĩ công nghiệp văn hóa cũng vậy thôi. Nếu để thực hiện được nó, nó phải nuôi sống được những người tham gia vào hệ thống đấy. Tức là đúng nghĩa phải tham gia bài bản vào một hệ thống, chứ không phải theo kiểu ngẫu hứng. Hiện tại, cũng từ bài học cá nhân của tôi, ví dụ để bán được một tác phẩm, mình cũng phải tham gia vào hệ thống có tính kết nối và có một tiêu chuẩn quốc tế.

Công nghiệp văn hóa của mình để phát triển được, phải có tiêu chuẩn quốc tế, phải gắn kết được với quốc tế, phải chia sẻ được điều đó với cả cộng đồng khác. Hiện tại bây giờ ở mình tôi nghĩ nó ở bề nổi hoặc là ở nhiều trên những khẩu hiệu. Những chính sách chưa thực sự đi vào đồng hành với những người sáng tạo, cũng như có những khung pháp lý, những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho những người làm sáng tạo. Vì cái lõi của làm công nghiệp văn hóa phải là người làm văn hóa. Người làm văn hóa chính là những người tạo ra những giá trị gia tăng từ những sản phẩm sáng tạo nghệ thuật. Đi cùng với nó là cả một hệ thống những người đi theo phục vụ hệ thống đó, tạo ra công ăn việc làm. Tôi nghĩ đến khi nào vận hành được hệ thống này, phải hiểu được điều đó, rồi sẽ phải có sự đầu tư giống như cho những ngành khác. Mình nghĩ không phải học đâu quá xa, học ngay nước hàng xóm mình,  rất gần gũi và giống mình rất nhiều điểm.

Cảm ơn họa sĩ Nguyễn Thế Sơn đã đến với chương trình của chúng tôi

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác