(VOV5) - Cách phối màu độc đáo ấn tượng chính là điểm đặc biệt trong tranh của Phạm Viết Hồng Lam.
Vừa qua, công chúng thủ đô có dịp được chiêm ngưỡng những tác phẩm của hoạ sĩ Phạm Viết Hồng Lam trong triển lãm “Hội họa điêu khắc giấy về phụ nữ và tĩnh vật”. Cách phối màu độc đáo ấn tượng chính là điểm đặc biệt trong tranh của ông.
Hoạ sĩ Phạm Viết Hồng Lam tại buổi triển lãm tại Nhà đấu giá Chọn |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam sinh năm 1946, là con trai của họa sĩ Phạm Viết Song, người từng học ở trường Mỹ thuật Đông dương. Cuộc đời ông gắn bó với nhiều miền quê của đất nước từ chiến tranh đến thời bình, từ lúc ông là người lính đến khi trở thành người thầy. Ảnh hưởng từ người cha tài năng và trải nghiệm đời sống phong phú cùng với khả năng cảm thụ màu sắc trời cho đã tạo nên một họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam độc đáo trong làng hội họa. Điểm đặc biệt trong tranh của ông chính là màu sắc. Nét rực rỡ tươi tắn trong tranh ông dường như khiến người ta cảm thấy hân hoan và yêu đời khi xem tranh ông.
Họa sĩ Tạ Trọng Trí, một người gắn bó với ông từ thời trẻ nhận xét: “Màu sắc là điểm mạnh của Phạm Viết Hồng Lam, giai đoạn trước chừng khoảng 15 năm đã có một triển lãm tranh xé giấy của anh ở Ngô Quyền rồi. Nhưng ở giai đoạn này, anh tìm tòi nhiều hơn, cắt những tranh khổ lớn hơn mà làm khổ lớn này là không hề đơn giản. Đây là 1 dấu mốc đánh dấu sự tìm tòi của anh trong khám phá một đề tài mới, theo tôi là khá thành công”.
Tranh cắt giấy luôn mang màu sắc rực rỡ |
Họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam chia cuộc đời sáng tác thành 3 giai đoạn. Cuộc triển lãm đầu tiên, ông dành cho các sáng tác những năm 80 thế kỷ trước, tranh bột màu, của thời kỳ khó khăn, nguyên liệu khó nên phải tự tạo lấy và bột màu là giải pháp lý tưởng cho ông. Triển lãm tranh bột màu lần đầu tiên với 99 bức, và đã được mua ngay trong ngày đầu tiên 45 bức. Sau đó nhiều khách quốc tế đã tiếp tục đến mua tranh của Phạm Viết Hồng Lam, tạo thành một hiện tượng trong làng mỹ thuật bấy giờ của những năm 1985-86.
Đằng sau những thành công của ông là hình bóng của người bạn đời đã gắn bó với ông hơn 50 năm, họa sĩ Tạ Thị Thảo. Bà Thảo kể lại: “Cô phát hiện ra chú có những mảng màu đẹp phong phú lắm, khác với người khác cho nên cô đã động viên chú đi theo con đường đó. Đầu tiên tự ái lắm vì thanh niên lúc ấy đang thích vẽ sơn dầu chứ không ai theo bột màu cả. Thế nhưng sau này ngẫm nghĩ thế nào thấy vẽ bột màu ngày càng phát triển hơn. Từng giai đoạn nên phát triển theo hướng này, còn những gì đã trùng lặp thì nên dừng lại để thay đổi những cái khác đi. Do hai vợ chồng ở cùng nhau nên cũng nhận ra được điểm mạnh điểm yếu để phát huy”.
|
Còn họa sĩ Trinh Sinh Nha, học trò của thầy Phạm Viết Song và cũng là giám tuyển của triển lãm “Hội họa điêu khắc giấy về phụ nữ và tĩnh vật” lại bày tỏ: “Đây là một họa sĩ yêu thiên nhiên, vẽ về đồng quê rất đẹp. Đồng quê mang hồn cốt của người Việt nam, cây tre, bến nước trên đồng cỏ xanh, buổi chiều tím bên những cổng làng rêu phong, những cô bé cõng em đi chơi, những em bé mục đồng trên những cánh đồng xa. Những đề tài này đã đem lại hưng phấn cho khách nước ngoài cảm thấy muốn tìm hiểu Việt nam. Xem tranh ông có thể tìm hiểu được hết”.
Hoạ sĩ Phạm Việt Hồng Lam và vợ, hoạ sĩ Tạ Thị Thảo |
Gắn bó với những mảng màu tươi sáng nhưng cuộc sống của hoạ sĩ Phạm Viết Hồng Lam không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Năm 1987, căn bệnh vòm họng khiến ông không thể tiếp xúc được với hóa chất. Thèm vẽ quá, họa sĩ chợt nghĩ đến trò chơi thủ công của trẻ con, đó là nghệ thuật xé giấy. Gần giống với họa sĩ người Pháp Henri Matisse, bậc thầy về màu sắc, người mà về cuối đời, do bệnh tật đã sử dụng hình thức cắt giấy trong sáng tác tranh. Phạm Viết Hồng Lam đã học hỏi, tiếp thu nhưng không bị ảnh hưởng, tranh của ông mang đậm chất dân gian và không gian Việt, con người Việt cũng như màu sắc tâm hồn người Việt trong cuộc chơi hình họa với điêu khắc giấy. Những năm này đánh dấu giai đoạn thứ hai trong những sáng tác của ông.
Họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam tâm sự: “Sau khi sức khỏe giảm sút, chỉ mỗi cắt giấy là món có thể làm từ từ, không phải vội vã. Gần như ý tưởng lúc nào cũng đong đầy. Màu là tiếng nói của tranh cắt giấy, nó nói lên những điều mà tôi ấp ủ, những điều mà tôi tâm huyết”.
Trong những năm gần đây, công chúng yêu nghệ thuật lại ngỡ ngàng trước lao động nghệ thuật bền bỉ của người họa sĩ già. Kết hợp giữa kĩ thuật cắt giấy và phối màu của hội hoạ, dưới bàn tay tài hoa của Phạm Viết Hồng Lam, những bức tranh độc đáo, mang màu sắc ấn tượng thu hút đông đảo công chúng. Hoạ sĩ Phạm Viết Hồng Lam bày tỏ: “Tranh bột màu của tôi vốn màu đã rực rỡ nhưng ở cắt giấy màu rất hạn chế, bởi chỉ có một số màu cơ bản thôi. Tôi không sử dụng giấy chế sẵn ngoài thị trường mà tôi sử dụng giấy dó, một thứ giấy dân gian. Rồi tìm những bảng màu, màu sắc mà theo cảm thụ của tôi là được. Tôi chế những màu đó rồi dùng nó để cắt hoặc xé theo những hình có sẵn trong đầu và phối trên tranh. Vì đây là một cuộc chơi phối màu của hội hoạ và cắt xé nên tôi gọi nó là nghệ thuật điêu khắc giấy”
Khám phá và tìm tòi bản thân trong hội họa điêu khắc giấy, họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam tâm sự đây giống như người bạn tri kỷ của mình, giúp ông phô diễn những cảm thụ về màu sắc một cách phóng khoáng, nhuần nhuyễn. Dù cuộc đời trải qua khó khăn và bệnh tật, nhưng người ta luôn bắt gặp nét tươi sáng, lạc quan, yêu đời vẫn luôn đong đầy trong tranh của vị hoạ sĩ này.