Huyền thoại làng

(VOV5) Cũng như nhiều làng quê đất Kinh Bắc xưa, trải hàng nghìn đời người, làng tôi đã tạo dựng được một bề dày truyền thống văn hoá cổ lấp lánh hư ảo huyền thoại.

 Huyền thoại làng - ảnh 1
 Cổng làng Dục Tú

Ngôi đình làng tôi thờ “Nam Giao Học Tổ” Sĩ Nhiếp, người được các triều đình phong kiến Việt Nam phong vương gọi là Sĩ Vương nhờ công tích truyền dạy Hán tự và Hán văn mà người xưa gọi là “chữ thánh hiền”, “sách thành hiền”. Sử đời sau còn ghi: bẩy đời dòng Sĩ Nhiếp đã sinh sống ở đất Giao Châu thời Bắc thuộc. Tương truyền từ thành Luy Lâu nay thuộc huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh, “một ngày đẹp trời” Sĩ Nhiếp cùng đoàn tuỳ tùng đi kinh lý qua làng tôi thấy một vùng phong thuỷ lạ, dưới sông đàn cá lớn nổi đầu cùng chầu về một hướng có khu đất cao um tùm cổ thụ. Sĩ Nhiếp xuống ngựa quan sát và thăm hỏi dân làng. Sau khi ông quy tiên, dân làng tôi dựng đền thờ ông tại khu đất gọi là “địa linh” này. Bài văn tế ông bằng hán tự có câu đại ý: nhớ mãi chương sách đẹp kể chuyện người xưa xuống ngựa ngắm đàn cá lạ. Đình làng tôi còn đôi câu đối nhắc tới “điển tích làng”: lược giảng: người bình tâm suy xét về đại cuộc tam quốc phân tranh diễn ra nơi cố quốc; ngồi nhìn đàn cá bơi giữa cảnh trời đất thanh bình và lòng người thanh thản.


Lại nói về ngôi đền thời Sĩ Vương, một thắng cảnh “ngàn năm có lẻ” của làng. Các cụ ông, cụ bà làng tôi cho đến nay vẫn nhớ như in cảnh ngôi đền cổ hiện ra trước mắt. Cụ Nho tuổi ngoại bát tuần kể: “sau lưng ngôi đền có cây ngô đồng thân thẳng cao lắm. Thời tôi còn tuổi chăn trâu cắt cỏ, thấy các cụ ông tay giữ khăn, ngửa mặt đứng ngắm tán cây. Tán cây che đền thờ như cái lọng xanh giữa trời. Các cụ truyền rằng chim phượng hoàng chỉ đậu cây ngô đồng. Năm bão to cây đổ, thân cây nằm sõng soài sáu bẩy thửa ruộng…”.


Tôi chợt nhớ câu ca dao về cây ngô đồng: “hỡi cô gánh nước quang mây-cho anh một gánh tưới cây ngô đồng - cây ngô đồng cành cao cành thấp - ngọn ngô đồng lá dọc lá ngang”. Tôi cũng chợt nhớ câu cổ ngữ “ngô đồng nhất diệp lạc - thiên hạ cộng tri thu”, một chiếc lá ngô đồng rụng, thiên hạ cộng cảm với mùa thu đã sang, mùa sen đã tàn và hoa cúc đã khoe sắc nắng. Khi đọc nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cùng nhiều văn phẩm có tính hồi ức của ông, tôi không thấy bóng dáng cây ngô đồng vừa thực lại vừa như hư huyền này. Tôi bâng quơ tự hỏi, thủa thiếu thời hàn vi cũng như những năm đi học xa nhà, có bao giờ người cầm bút danh tiếng của quê tôi vào một đêm trăng thanh gió mát nào đó đứng ngửa mặt nhìn tán cây ngô đồng như cái lọng xanh giữa trời mà trầm tư mặc tưởng về lịch sử dân tộc, về thân phận hiền tài để sau này ông có được “Vũ Như Tô”, “An Tư công chúa”, “Sống mãi với thủ đô”, góp phần làm giàu văn học Việt Nam hiện đại?


“Ăn cơm mới nói chuyện cũ”, chuyện kể của các cụ cao tuổi làng tôi đưa đẩy trí tưởng kẻ hậu sinh ước mơ về một thời xa xưa lắm như trong cổ tích an bình thịnh trị, chim phượng hoàng bay về làm tổ trên ngọn cây ngô đồng. Và chỉ có “sống trong mơ” như thế, lũ trẻ làng thời vi tính… tinh vi này mới có cơ may tưởng thưởng cho mình cảnh hội làng thời xưa quy tụ quy tâm người tứ xứ và bao giờ cũng có nghi lễ rước tượng Sĩ Vương từ hậu cung trên đền về đình , hội tan giã đám lại rước “người” lên. Đường lát gạch nghiêng quanh co chạy giữa cánh đồng cũng được dân làng tôi thời cổ “huyền thoại hoá” thành cái ngó sen và đền thờ Sĩ Vương thành cái đài sen, tôn vinh thế đất làng sang quý. Con đường ấy được đặt tên là đường cái Ngu - có lẽ biến âm của Nghiêu, tên một triều đại vua sáng tôi hiền khuôn mẫu trong cổ sử phong kiến  phương Bắc.


Người làng tôi thời cổ xưa quy hoạch làng còn để nguyên dải sống đất bề ngang chừng hai thước, chạy dọc dải đất làng như cái cột sống, không ai dám xâm phạm. Từ cái sống đất thiêng ấy, hai phần ba hộ dân trong làng quay mặt làm nhà hướng Nam, trông ra ba cánh ruộng trũng thuộc diện đẳng điền thường chuyên cấy lúa nếp hoa vàng; một phần ba số hộ làm nhà quay mặt hướng Bắc trông xuống bến sông Hoàng giang khởi từ chân thành Ốc xuôi về vùng Kinh Bắc. Đấy là luật bất thành văn, bất kể giầu nghèo sang hèn không ai dám trại lệ. Người làng tôi thời nay phàn nàn: nền đất miếu cổ thời hợp tác hoá - bao cấp hoá dựng nhà hộ sinh xã để chị em “có chỗ sinh nở” hàng chục năm trời, còn sống đất làng bị chiếm dụng hết, có gia đình cơi nới sân, có hộ làm công trình phụ nên đất làng mất thiêng!. Đó là chưa tính đến “sự thật buồn”: hai dãy ao làng chạy xuôi theo thế đất, chạy dài hàng cây số có “luỹ tre muôn thủa vẫn  xanh rì” như lá phổi xanh của làng bao nhiêu thế kỷ, qua thời mạnh ai nấy lấp bỗng chốc chỉ còn vài ba rãnh nước dơ uế và chân đê sông Ngũ Huyện thời kinh tế thị trường mọc lên vài ba chục lò luyện thép thủ công như lò bát quái, đêm ngày xả khói bụi độc hại.


Có phải cảnh quan tự nhiên của làng quê bị phá vỡ, môi sinh ô nhiễm nặng nề là mặt trái của tấm huân chương thời kinh tế mở cửa bung ra, thời đến quá nửa người làng tôi hàng ngàn hộ dân, hàng vạn nhân khẩu được sống trong cảnh áo ấm cơm no, nhà cao cửa rộng, tiện nghi sinh hoạt hiện đại đắt tiền nhưng nơm nớp lo âu bệnh tật. Không ai đo đếm được lượng độc tố xâm hại cơ thể con người trong cuộc mưu sinh còn nhiều vất vả lam lũ trong các lò luyện thép thủ công “tiền tư bản” và trên cánh đồng dầu dãi mưa nắng mà dưới nước vắng cá trên trời vắng chim. Có phải thế chăng mà bao nhiều năm qua long mạch, văn mạch làng tôi như bị tắc nghẽn, không thấy xuất hiện người hiền tài có danh có phận với dân với nước. Có cụ già trầm tư: thời xưa họ nào cũng có người đỗ đạt, nhiều người được vời vào Kinh, danh giá lắm. Sinh thời cụ Đản thân phụ anh bạn đồng môn của tôi, tiến sĩ ngữ văn Đỗ Huy Quang, kể: thân sinh cụ Đồ Vân nổi tiếng hay chữ làng mình không đỗ đạt gì nhưng viết chữ Hán vào hàng nhất nhì thiên hạ, được vua vời vào Kinh đô Huế chép sách sử, dân làng trọng vọng gọi là cụ Kinh. Cụ đặt thờ kinh đô làm con hạc thờ đứng trên bệ rùa mang về cung tiến đình làng. Sinh thời Giáo sư sử học-văn hoá học tài danh Trần Quốc Vượng “rất có ấn tượng” với con hạc thờ mang dấu ấn nghệ thuật triều Nguyễn khi ông về thăm làng tôi. Bao giờ làng tôi trở lại… ngày xưa, người hiền tài đời nào cũng có…


Miên man nghĩ chuyện vận mệnh làng mình, tôi hay mơ về thời xa xưa, danh lam thắng cảnh làng còn nguyên vẹn, tôi lon xon chạy theo bà nội tóc trắng như mây lên chùa chợ Vòng, hàng cây đa, cây si cổ thụ rợp cả bến sông quê. Cho đến thời kỳ đầu tiêu thổ kháng chiến chống Pháp, dân tiêu thổ chống giặc, giặc xây bốt phá làng chống dân, hàng loạt di tích xưa mất tăm mất tích giữa một thời bom đạn giặc dã tơi bời. Cảnh đẹp như mơ không còn nhưng huyền thoại làng không mất trong tâm  thức người già, trong tâm hồn con trẻ. Tôi nhớ lắm thủa lên chín lên mười, đêm khuya nghe tiếng đại bác của giặc bắn từ bốt Phù Lỗ, đạn lao rú rít xé nát không gian. Bà nội tôi lôi tôi xuống gầm phản những mong tránh được “hòn tên mũi đạn” như lời bà khẩn cầu. Bà tôi vừa quạt muỗi vừa vỗ về thắng cháu đích tôn nửa tỉnh nửa mơ bằng câu chuyện cô gái họ Đào. Truyện kể rằng thời đóng đô ở Cổ Loa, Ngô Vương Quyền một sớm tuần du trông thấy cô gái cắt cỏ cất tiếng hát bên ven thành, một vùng trời đất thoảng hương hoa thanh tân tinh khiết. Dân làng tôi truyền tụng rằng hương thanh tân tinh khiết lan toả đất trời ấy là “mùi mồ hôi của người thôn nữ Dục Tú” cắt cỏ ven thành, gió nồm đưa tới chỗ Ngô vương dừng ngựa. Vua cho vời cô gái họ Đào vào cung, “đặc cách” làm thứ phi, sủng ái cho tới khi người băng hà. Ông Luân con cô con cậu với tôi, đại tá về hưu, nguyên trưởng ban di tích văn hoá làng, người ham mê cổ sử cổ văn cho tôi biết thêm: tục danh bà thứ phi họ Đào là Đào Thị Xa, thủa nhỏ làm con nuôi ông tổ họ Đỗ đời thứ tư, sớm được truyền nghề quay xa dệt cửi. Bà được Ngô vương giao cho việc hậu cần nơi cung cấm, bà lập ra chợ ven thành để thu hút “thời trân tứ quý”; đời sau lấy tên bà đặt tên chợ Xa cho tới đời nay.


Sáu mươi năm có lẻ đã trôi qua kể từ ngày tôi lon xon chạy theo bà nội lên chùa chợ Vòng, biết bao nhiêu là biến thiên dời đổi “thế gian biến cải vũng lên đồi”, cảnh sắc làng tôi khác xưa nhiều lắm. Như phố mọc trong làng nhấp nhô nhà tầng nhà gác, mỏi mắt đi tìm không thấy khóm tre xanh muôn thủa của làng quê Việt. Dù vậy, cứ mỗi lần có dịp về quê, có dịp ghé thăm ngôi đình làng cổ kính, dấu tích đời xưa còn tạm nguyên vẹn duy nhất của làng, ngồi trò chuyện với các cụ trên dưới tám mươi xuân am hiểu cổ  văn, tôi vẫn thấy huyền thoại làng như “bức tranh quê” trong tâm tưởng phảng phất nơi đây. Tôi lưu ý bức hoành phi trích bốn chữ trong sắc phong triều Nguyễn “khuê tinh thuỵ thái”, mặt gỗ phai bạc nước sơn son thiếp vàng song nét chữ Hán cổ chung đúc tâm ý và tài hoa của người xưa vẫn đẹp một vẻ cổ kính và huyền bí. Lời sắc phong đại ý: ánh sao Khuê như điềm lành quy chiếu một vùng đất văn vật. Vâng làng tôi xưa là “văn vật chi hương”, là “địa mỹ Nam Giao” tôn sùng văn hiến “thiên thu phong vận tại Nho lâm”. Cổng làng tôi đắp nổi bốn chữ “đạo chi sở tại”, lưu giữ dấu tích thời Cổ Loa còn là kinh đô nước Việt cổ, quan võ “đóng” trong thành, còn quan văn “hành đạo” ở làng tôi nên mọi đạo lý trị bình kinh bang tế thế của triều chính xuất xứ từ đất này. Văn mạch làng có từ đó chăng?


Ngôi đình - biểu tượng điển hình nhất của làng tôi còn giữ được phong vị cổ kính như ngày nay, công lao thuộc về các thế hệ người làng truyền kỳ hàng nghìn năm lịch sử, trước hết là những danh nhân giầu tài năng và tâm huyết góp phần “chuyển lửa nhiệt tình” cho đời sau. Cụ Chuyên-người chép tay truyện Kiều bằng chữ Nôm thuộc hàng túc nho cuối cùng của làng tôi cho tôi biết thêm: cụ cử Túc hồi đầu thế kỷ 20 cùng các cụ làng tôi xuống tận di tích thành Luy Lâu, nơi Sĩ Nhiếp đóng bản doanh thời Bắc thuộc để tìm hiểu thêm về danh nhân thờ ở đình làng. Theo dấu chân người xưa, các cụ làng tôi cũng đã lặn lội về tận Tam Á-Thuận Thành, nơi đặt mộ phần “nam giao học tổ” để có thêm chứng liệu. Trên cơ sở đó các cụ làng tôi căn cứ vào hành trạng Sĩ Vương còn được ghi chép tương đối đầy đủ ở nơi xưa kia “Sĩ Nhiếp trị nhậm” để biên soạn cổ sử làng, thuyết minh thần phả, thuyết giải hoành phi câu dối tập trung ý tưởng tiền nhân trong đình làng,để  lớp lớp hậu sinh thế kỷ 21 nhận biết và tự hào.


Giữ gìn truyền thống thi thư, văn mạch làng Việt cổ, hướng về cội nguồn, người già làng tôi là những tấm gương mẫu mực. Nhờ vậy mà huyền thoại làng vẫn còn trong hành trang tinh thần của con cháu đời sau./.

                                                                                                                           Đào Dục Tú
Các tin/bài khác