Làng tôi, show diễn đậm chất văn hóa Việt

(VOV5)- Sử dụng tre là chất liệu chính để biểu diễn chính trong vở kịch xiếc “Làng tôi”, các nghệ sỹ trẻ đã vẽ lên một bức tranh quê trữ tình, ấm áp. Kịch xiếc Làng tôi là sự kết hợp của nhiều thể loại nghệ thuật sân khấu như xiếc nhào lộn, xiếc đu dây, xiếc tung hứng, kịch câm, hát... Đây là loại hình nghệ thuật còn khá mới ở Việt Nam nên chỉ trong một thời gian ngắn, kịch xiếc Làng tôi tạo ấn tượng mới lạ đối với cả người Việt và du khách quốc tế.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Kịch xiếc Làng tôi mở màn bằng một hoạt cảnh tĩnh, đưa người xem đến với một buổi sáng tinh mơ ở làng quê Việt. Hình ảnh những người nông dân sửa soạn thúng mủng dần sàng, tay cày tay cuốc chuẩn bị cho một ngày lao động trong tiếng gà gáy sớm. Kết thúc là khi màn đêm buông xuống, sau một ngày lao động mệt nhọc, người mẹ nằm bên cánh võng ru con, cô gái thêu thùa, chàng trai nghêu ngao câu hát về công cha nghĩa mẹ. Chạy suốt hai hoạt cảnh là toàn bộ cuộc sống sinh hoạt trong thiết chế làng xã của người Việt bao đời: từ mò cua bắt ốc, đi cấy sáng trăng, buôn thúng bán bưng, chợ phiên, tụng kinh gõ mõ, những đêm ả đào, gái trai hẹn hò tình tứ hát hò, cho đến dựng nhà, lấy vợ, những buổi nông nhàn. Trong đó, 20 diễn viên xiếc không ngừng nhào lộn, với đạo cụ chính là những cây tre dài, ngắn, tái hiện cuộc sống không ngừng chảy trôi nhưng yên bình của làng quê Việt.

Làng tôi, show diễn đậm chất văn hóa Việt - ảnh 1
Sử dụng tre là chất liệu chính để biểu diễn trong vở kịch xiếc “Làng tôi”

Không gian kiến trúc bằng tre không ngừng biến hóa trên sân khấu. Tre là chất liệu chính làm nên vở diễn. Tre tham gia vào câu chuyện như một nhân vật trong đời sống của người Việt . Hàng chục cây tre đủ mọi kích cỡ được đạo diễn và diễn viên tạo hình trên sân khấu khi thành cầu tre lắt lẻo, khi lại hóa thành sông nước, nhà cửa… Diễn viên tung hứng, đu mình trên những thân tre. Vở kịch xiếc đưa khán giả hòa mình vào hành trình vừa êm đềm, vừa sôi động nhưng đậm chất thi ca. Làng tôi thấm đẫm màu sắc, âm thanh để người Việt ở xa quê nhớ về cội nguồn còn người khách phương xa hiểu hơn về văn hóa làng quê của người Việt qua từng hoạt cảnh khác nhau từ bình minh đến đêm trăng, từ cầu tre đến chợ quê… Người xem thấy được mối liên hệ mật thiết giữa  cây tre với đời sống con người. Tre chính là người bạn, là công cụ kiếm sống nâng đỡ cuộc sống của người dân quê. Bà Aster, giáo viên người Scotland, sống ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Nhiều bạn đồng nghiệp của tôi nói rằng chương trình này tuyệt vời lắm. Hầu hết những người mà tôi quen đều đã đi xem chương trình này và giờ đến lượt tôi đi xem. Qua chương trình này, tôi được hiểu nhiều hơn về đời sống của người dân Việt Nam ở vùng làng quê. Điều tôi thấy ấn tượng đó là sự sáng tạo khi họ sử dụng những vật liệu như là tre. Tôi còn được thấy tài năng và sự khỏe khoắn của các diễn viên. Âm thanh, ánh sáng, tất cả cùng kết hợp với nhau tạo nên một tổng thể tuyệt vời.

Sân khấu không màu sắc rực rỡ, không có những dàn đèn led nhấp nháy mà ở đó là sự dung dị, mộc mạc như đúng tên gọi “Làng tôi”. Làng tôi đưa khán giả trở về với tuổi thơ trong tiếng gà gáy sớm, tiếng trâu bò lục tục chuẩn bị ra đồng, tiếng sáo trong vắt. Khán giả bước vào ngôi làng bằng tre thông qua nghệ thuật sắp đặt, xiếc thăng bằng, uốn dẻo, đu quay, tung hứng, qua những câu hò điệu lý giàu phong vị quê hương 3 miền Bắc-Trung-Nam cùng những sinh hoạt mang tính đặc trưng nhất của đời sống làng quê được tái hiện. Bà Manuela, du khách người Đức cho biết: Thật thú vị, đặc biệt là khi họ dùng tre để xây nhà. Đó là những gì mà tôi được tận mắt thấy. Đây là lần đầu tiên tôi được xem chương trình này. Tôi tình cờ đi ngang qua nhà hát và thấy tờ giới thiệu. Sau đó tôi quyết định vào đây xem. Tôi chưa bao giờ thấy họ dùng tre để làm nhà thế này. Rất sáng tạo. Tôi mới chỉ thấy họ dùng thùng giấy để làm nhà.   

Lần đầu tiên ra mắt tại Việt Nam vào năm 2005 nhưng đến năm 2009, vở xiếc tre với tên gọi “Làng tôi”  mới được xây dựng hoàn thiện và được đi công diễn ở các nước trên thế giới. Đạo diễn Tuấn Lê chia sẻ, khi diễn ở nước ngoài, đoàn xiếc gặp không ít khó khăn do bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa. Khán giả xem xong có người nói chưa hiểu hết, nhưng họ khóc vì những hình ảnh đã chạm được vào cảm xúc cá nhân:  Đây là chương trình đặc biệt so với Việt Nam và cả trên thế giới. đặc biệt ở đây là về nội dung chương trình nó khác, là chương trình nghệ thuật sáng tạo. Nó không chỉ là xiếc, là múa, là âm nhạc mà là sự nối kết tổng hợp, sự sáng tạo mới trên sân khấu dựa trên những vật dụng dân dã bình thường có lien quan đến văn hóa, con người VN. Show Làng tôi có ý tưởng có từ năm 2003, phiên bản đầu tiên làm năm 2005. 2009 ra mắt chính thức ra mắt phiên bản đi lưu diễn quốc tế. đến nay gần 5 năm rồi Làng tôi biểu diễn gần 300 buổi biểu diễn các nơi trên thế giới.

Chìm đắm vào không gian làng quê thuần Việt hay trầm trồ, xuýt xoa vì những màn tung hứng, nhào lộn điêu luyện trên nền tre trúc là những cảm xúc của khán giả khi đến với đêm xiếc “Làng tôi”./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác