Mối duyên đối với thi ca Ucraina đương đại

(VOV5) - Tập thơ "mang đến cho bạn đọc hương thơm của cuộc đời và lòng yêu đời, yêu cuộc sống"

Như chúng tôi đã đưa tin, vừa qua tại  Ukraina đã ra mắt, giới thiệu tập thơ "Có khi nào chuyện chúng tôi bạn lại thêu dệt khác" của hai nhà thơ Xergay Dziuba và Tachiana Dziuba do nhà thơ  Đỗ Thị Hoa Lý (người Việt ở Ucraina) và nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng (người Việt ở Nga) dịch ra tiếng Việt. Tập thơ được coi là một tác phẩm xuất sắc của thi ca văn học Ukraina đương đại.

“Mối duyên đó bắt nguồn từ mùa hè năm 2016,, khi tôi bất ngờ nhận lời mời tham dự Festival văn học nghệ thuật quốc tế mang tên Lytavry lần thứ nhất, tổ chức tại 2 tỉnh Chernhigov và Nhizil (Ukraina. Với tôi đó là một niềm hạnh phúc, nhưng cũng rất băn khoăn liệu mình có làm nổi không? Tuy nhiên tôi vẫn mạnh dạn tham dự Tuyển tập Lytavry theo lời mời của trưởng ban.” - Nhà thơ Đỗ Thị Hoa Lý kể lại câu chuyện lần đầu chị gặp nhà thơ Xergay Dziuba tại festival Lytavry.

Đây là Festival Quốc tế đầu tiên về Văn học nghệ thuật (Hội nhập Quốc tế về ngôn ngữ và không gian nghệ thuật) được tổ chức tại 2 tỉnh Chernhigov và Nhizil (Ukraina) từ 22-24/9/2016.  Festival "Lytavry" quy tụ hơn 100 nhà thơ, nhà văn, nhà báo, họa sĩ, các nghệ sĩ, đạo diễn điện ảnh từ 15 quốc gia. Ba bài thơ của Đỗ Thị Hoa Lý đã được dịch và đăng trên tuyển tập dày 543 trang với 85 tác giả.  

Mối duyên đối với thi ca Ucraina đương đại - ảnh 1Nhà thơ Đỗ Thị Hoa Ký trò chuyện với tác giả Sergey Dziuba 

Qua nhiều buổi trò chuyện, bất ngờ Sergey Dziuba đề nghị Hoa Lý dịch tuyển thơ của hai vợ chồng ông bà (vốn đã được dịch ra 65 thứ tiếng trên thế giới). Khi ông gửi cho chị bản dịch tập thơ ra tiếng Nga và Cadacxtan, sự tin tưởng của nhà thơ Ucraina đã tiếp thêm cho chị động lực: “Như có một điều gì đó thúc đẩy tôi. Tôi đã mở phần thơ của Sergey Dziuba  đọc trước, dù thơ của vợ ông là Tachiana mở đầu tập thơ. Những dòng thơ của Sergey cuốn hút tôi. Sức hút của những tư tưởng tự do, phóng khoáng và rất nhân văn. Có thể nói những suy nghĩ của nhà thơ Sergey Dziuba rất khác lạ. cảm xúc trong sáng và đầy trí tuệ.”

Trong lời giới thiệu tập thơ, PGS.TS Nguyễn Xuân Hòa đã viết: “Tachiana Anatolievna Dziuba (Murzenko) là nhà thơ tên tuổi ở Ukraina. Bà là nhà văn, nhà nghiên cứu văn học, dịch giả, nhà báo, tiến sĩ khoa học về giao tiếp xã hội,…Thơ Tachiana Dziuba là sự hội tụ của trí tuệ mẫn tiệp và tình cảm tinh tế của người phụ nữ, chứa đựng nhiều cái mới mẻ, không lặp lại chính mình, đậm đà bản sắc dân tộc của đất nước Ukraina. Nhưng cái chính trong sáng tạo thơ ca của Tachiana Dziuba là sự lắng sâu của triết lý tư tưởng. Bằng những hình tượng lạ thường của sự vật và hiện tượng xung quanh Tachiana Dziuba nói lên ý nghĩ và tình cảm thầm kín của mình. Thơ Tachiana Dziuba là thơ có sức lôi cuốn. Đó chính là thơ về tình yêu và thơ về cuộc đời.

Sergey Viktorovich Dziuba là nhà văn tài năng, đồng thời là nhà hoạt động xã hội quốc tế. Ông là nhà văn, dịch giả, nhà phê bình văn học, nhà báo, tác giả của 75 cuốn sách. Tất cả các cuốn sách của mình, ông đều dành tặng riêng cho người bạn đời - nhà thơ, nhà khoa học Tachiana Dziuba (Мurzenko). Sergey Dziuba là nhà thơ rất độc đáo. Thơ ông là thơ trữ tình nhưng lại triết lý sâu xa khi chiêm nghiệm thế giới. Thơ ông nói đến Chúa cũng đồng thời nói về cuộc sống của Ukraina, nói về tự do, tình yêu và lý tưởng.”

Mối duyên đối với thi ca Ucraina đương đại - ảnh 2Giới thiệu thơ Sergey Dziuba trong buổi giao lưu kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam tại Kiev 19/11/2018. 

Nhà thơ Đỗ Thị Hoa Lý tâm sự, khi chuyển ngữ tác phẩm, lúc đầu chị chỉ nghĩ đến việc mở rộng thêm kiến thức của mình, nhưng khi hoàn thành, chị thấy hiểu biết thêm nhiều hơn, cảm nhận sâu sắc hơn tinh thần, phong cách của người Ucraina: “ Ông viết:   

Tôi hiểu thơ ca rất cần tĩnh lặng

không phải là chuyện ngẫu nhiên đâu

Chỉ một thoáng qua rồi yên lặng

Khi tôi đuổi theo những ý tưởng gào thét bên tai

Một cánh tay chiếc dương cầm sẵn sàng lướt phím.

Có thể nói tôi đã cảm nhận được những điều Sergay muốn gửi gắm. Tôi cho rằng đó là điều hết sức quan trọng bởi sự đồng cảm đã giúp tôi thêm động lực để tiếp tục công việc rất nhọc nhằn này. Có những lần tôi dịch mấy đêm liền quên ngủ. Có những đoạn vô cùng khó, tôi phải nhờ đến từ điển hoặc nhờ những người ở Ucraina giải nghĩa những vấn đề liên quan đến tín ngưỡng, điển tích chẳng hạn. Phần thơ của vợ ông, Tachiana, thì gặp rất nhiều khó khăn bởi tính sâu sắc và triết lý cao hơn của tác phẩm.”

Hoa Lý cho rằng đó là sự đồng cảm, khi chị đã thấm nhuần văn hóa của Ucraina sau khi sống gần 30 năm trên đất nước này: “Có những đoạn thơ vô cùng thú vị mà tôi cảm thấy rất gần gũi với người Việt. Và tôi thấy vô cùng xúc động. Ví dụ, đó là tình yêu xuyên suốt tác phẩm của ông với người bạn đời của mình: “Em hãy nhìn quả thực/ Em bên cạnh đấy thôi/ cánh tay làm gió ấm/ Ru em giấc mặt trời/ Như trẻ thơ bé bỏng/ Trong lòng bàn tay em/  bé gái ơi”

Xong bản dịch thô, chị đề nghị nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng hiệu đính. Và tiếp đó, khi Sergey Dziuba đề nghị chị dịch truyện ngắn, chị đã tiếp tục công việc này với một niềm vui lớn.

Mối duyên đối với thi ca Ucraina đương đại - ảnh 3Trao tặng tác phẩm dịch Có khi nào chuyện chúng tôi bạn lại thêu dệt khác cho Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraina, ở Kiev vào 19/11/2018.

Cùng với những đóng góp này, Đỗ Thị Hoa Lý và Nguyễn Huy Hoàng đã được nhận giải thưởng mang tên Gogol.

Mối duyên đối với thi ca Ucraina đương đại - ảnh 4Nhà thơ Đỗ Thị Hoa Lý nhận giải Nikolai Gogol tại Chernhigov Ukraina 26/11/2018 

Nhà thơ Đỗ Thị Hoa Lý chia sẻ: “ Tập thơ chọn lọc “Có khi nào chuyện chúng tôi bạn lại thêu dệt khác” của hai vợ chồng nhà thơ Tachiana và Sergey Dziuba nhất định sẽ mang đến cho bạn đọc hương thơm của cuộc đời và lòng yêu đời, yêu cuộc sống. Không phải ngẫu nhiên mà tác phẩm thơ сa của Tachiana Dziuba và Sergey Dziuba cho đến thời điểm hiện nay đã được dịch ra 65 ngôn ngữ trên thế giới. Người ta tìm thấy trong đó những câu trả lời cho cuộc sống của chúng ta hôm nay.

Có thể nói với 30 năm đất khách, dù vất vả nhưng quê hương thứ hai Ucraina đã nuôi dưỡng ước mơ, tình yêu văn học nghệ thuật của tôi, dẫn tôi đến với nhịp cầu văn hóa hữu nghị của hai dân tộc Việt nam Ucraina: Đó chính là mối duyên đối với thi ca Ucraina hiện đại.”

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác