(VOV5) - Qua những câu chuyện cổ Andersen ly kỳ nhưng gần gũi, các tiết mục rối nước Việt Nam tại Bảo tàng Quai Branly, Pháp, từ ngày 26 – 30/12/2013, ghi dấu đậm nét trong lòng công chúng Pháp. 3 tiết mục được dàn dựng trong 60 phút gồm « Chú lính chì dũng cảm», «Vịt con xấu xí» và «Nàng tiên cá» nhận được sự chào đón nồng nhiệt của khán giả Pháp. Các tiết mục này dựa trên ý tưởng đưa truyện cổ Andersen vào múa rối nước, do đạo diễn Ngô Quỳnh Giao và các nghệ sỹ Nhà hát Múa rối Việt nam triển khai từ năm 2005.
|
Tiết mục "Chú lính chì dũng cảm" |
Theo Phó Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng đoàn nghệ sỹ sang lưu diễn tại Pháp lần này, điều quan trọng là phải để lại ấn tượng tốt trong lòng khán giả Pháp về múa rối nước Việt Nam. Phó Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam Nguyễn Tiến Dũng cho biết: “Chúng tôi mỗi lần đưa múa rối nước truyền thống đi biểu diễn ở nước ngoài rất thành công. Lần này, hiệu ứng khán giả rất tốt. Khán giả ở Pháp rất quan tâm đến văn hóa của một quốc gia khác, nếu đi xem, thì như thói quen, họ có tìm hiểu về quốc gia, nghệ thuật đó trước và ở Pháp, họ thưởng thức theo cách của họ, sâu sắc và bình tĩnh. Sau mỗi buổi chiếu, chúng tôi tổ chức phần giao lưu khán giả. Số người ở lại tham gia giao lưu rất đông, họ quan tâm về múa rối nước Việt Nam. Các cháu thiếu nhi hỏi như vì sao con này phun được nước, sao mồm nó có lửa, sao nó quay được vòng tròn…. Còn người lớn thì quan tâm về nguồn gốc của múa rối nước”.
|
Tiết mục "Vịt con xấu xí" |
Không phủ nhận giá trị của các tiết mục múa rối nước truyền thống, nhưng cũng rất cần mở ra những hướng đi sáng tạo, giúp múa rối nước Việt nam có thể truyền đi thông điệp về những giá trị chung giữa các nền văn hóa Á-Âu nói chung, Việt- Pháp nói riêng. Đó là ý kiến của ông Jean-Luc Larguier, Giám đốc tổ chức Interarts, một trong những người đầu tiên hợp tác và có công đưa múa rối nước Việt Nam ra nước ngoài. Ông Larguier nhấn mạnh: “Chúng tôi chọn những câu chuyện Andersen này, dù kết thúc buồn, nhưng đọng lại cuối cùng trong lòng khán giả là giá trị về tình yêu. Và cả giá trị về những điều khác biệt trong cuộc sống. Chú lính chì dũng cảm, hay nàng tiên cá, vì tình yêu mà sẵn sàng hy sinh bản thân mình. Hay chú vịt con xấu xí đã cố gắng vượt qua khiếm khuyết, khác biệt của cơ thể mình để vươn lên và được yêu quý. Tôi nhớ mãi sau ngày biểu diễn đầu tiên, có một cô bé đã nói với chúng tôi rằng « chú vịt con màu đen bị gọi là « xấu xí » nhưng cháu vẫn yêu nó ». Câu nói hồn nhiên ấy, với chúng tôi, là thước đo thành công. Múa rối nước kết hợp với truyện cổ Andersen, rõ ràng có thể thúc đẩy đối thoại giữa các nền văn hóa, giữa các điểm khác biệt, để hòa hợp thế giới”.