Nghệ sĩ ba lê Nguyễn Đức Hiếu- người chinh phục những vở múa khó

(VOV5) -  Trong mắt NSUT Trần Ly Ly thì Nguyễn Đức Hiếu là một diễn viên nặng kí, “có một không hai".

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Nguyễn Đức Hiếu là một trong những nghệ sĩ bale trẻ đầy tiềm năng trong làng múa Việt Nam hiện nay. Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, tình yêu, niềm đam mê khiêu vũ thể thao của chàng trai trẻ Nguyễn Đức Hiếu được nhen nhóm từ thơ ấu. Sau khi học chuyên nghiệp tại Học viện Múa Việt Nam và ra nước ngoài tu nghiệp, hiện anh là gương mặt đầy triển vọng của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam.
Nghệ sĩ ba lê Nguyễn Đức Hiếu- người chinh phục những vở múa khó - ảnh 1Nguyễn Đức Hiếu và bạn diễn trong buổi thi học kì khoá huấn luyện múa tại Trường Đại học Sân khấu - điện ảnh

Biến tấu, trích trong vở vũ kịch Đôn-Ki-hô-tê là một phần biểu diễn ngắn nhưng rất khó, đòi hỏi diễn viên phải có kĩ thuật cao và làm chủ sân khấu. Nguyễn Đức Hiếu- diễn viên trẻ của Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam đã chọn biến tấu này tham gia cuộc thi Múa Quốc tế Châu Á (Asian Grand Prix)  tại HongKong (Trung Quốc) vào năm 2018, dưới sự hướng dẫn của NSUT Cao Chí Thành.

NSUT Cao Chí Thành cho rằng: đây là một thử thách quá sức với một diễn viên trẻ, nhưng với tinh thần cố gắng, sự đam mê với nghệ thuật múa, Nguyễn Đức Hiếu đã thể hiện trọn vẹn các yêu cầu kĩ thuật của cuộc thi này. Đó là khi anh 18 tuổi: 

"Quả thật đối với cả thầy và trò thì đó là một biến tấu khó. Mặc dù biến tấu ấy chỉ dài một phút thôi nhưng nó hội đủ mọi yêu cầu rất cao của một người diễn viên solit khi đứng trên sân khấu thể hiện tác phẩm. Hai thầy trò đã mất khá nhiều thời gian . Trước đó Hiếu có thời gian du học ở Mỹ, cũng đã tập trước và khi quay lại Việt Nam thì hai thầy trò cùng làm việc." - NSUT Cao Chí Thành kể lại.

Nghệ sĩ ba lê Nguyễn Đức Hiếu- người chinh phục những vở múa khó - ảnh 2Một bước nhảy của nghệ sĩ múa Nguyễn Đức Hiếu trong vở diễn Hồ Thiên Nga năm 2019.
"Toán học là một cộng một bằng, còn ba lê thế một là thế một, không thể thế một là thế hai. Đặc biệt múa ba lê, mọi thứ phải như một cỗ máy có tâm hồn, chỉ với bấy nhiêu bước thôi nhưng làm sao khi chuyển đổi, kết nối lại ra được một bài múa." - Nghệ sĩ múa Nguyễn Đức Hiếu chia sẻ về những quy tắc nghiêm ngặt của ngành nghệ thuật đầy khổ luyện của mình. 

Biến tấu Đôn Ki- hô- tê chỉ vẻn vẹn 1 phút nhưng cả hai thầy trò Cao Chí Thành và Nguyễn Đức Hiếu đã mất 5 tháng ròng để luyện tập. Với nghệ thuật múa, các biến tấu nói chung đều hội tụ những tinh túy, là mảnh đất màu mỡ để mỗi diễn viên có thể khai phá và thử thách mình.

Theo NSUT Cao Chí Thành, riêng với biến tấu Đôn-Ki-hô-tê, Nguyễn Đức Hiếu đã đẩy khả năng của mình vượt ngưỡng để chinh phục nhiều hơn những kĩ thuật khó của ba lê cổ điển: "Tôi thấy đấy cũng là một cơ hội, trải nghiệm cho Hiếu. Có lẽ nếu như vậy Hiếu sẽ được giải cao hơn. Có thể tìm những biến tấu phù hợp hơn với khả năng thì cậu ấy sẽ đạt giải cao hơn.Bản thân tôi cũng thấy tập luyện mãi mà mình vẫn chưa thực hiện được kĩ thuật mà mình muốn thể hiện trong tác phẩm ấy nên nhiều lúc cảm thấy nản, cũng muốn buông. Con người mà, đôi lúc cũng nên thả lòng, khởi động lại để khi quay lại tập sẽ đạt kết quả cao hơn."

Tác phẩm múa “Cướp biển”  đã mang lại cho nghệ sĩ trẻ Nguyễn Đức Hiếu giải Nhất cuộc thi Tài năng biểu diễn múa 2020 tại Hà Nội. Vốn là nghệ sĩ chuyên về múa đơn, trong bài thi này, anh phải kết hợp múa đôi với NSUT Như Quỳnh. Với hai phong cách múa khác nhau, có những chênh lệch về tuổi tác cũng như kinh nghiệm, cả hai phải dành nhiều thời gian luyện tập để sao cho khớp.
Nghệ sĩ ba lê Nguyễn Đức Hiếu- người chinh phục những vở múa khó - ảnh 3Múa biến tấu vở “Le Corsaire”( Cướp biển) năm 2016

NSUT Trần Ly Ly - Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam dành cho Nguyễn Đức Hiếu sự ưu ái, bởi trong mắt chị Hiếu là một diễn viên nặng kí, “có một không hai”: "Bảng A Clasic là khó nhất. Clasic là ba lê, hoàn toàn khác với các thể loại múa khác. Đạt đến đỉnh thì Nguyễn Đức Hiếu làm được điều đó, gần như điểm tuyệt đối. Múa như thở, múa như nước, tức là phải đạt đến độ tinh tế, long lanh, mềm mại, ngọt ngào. Sự chuyển động phải như gió, như nước thì đạt đến trình. Nghệ thuật của cơ thể, nghệ thuật của chuyển động, nghệ thuật của múa tinh tế và phải chạm đến cảm xúc nhất định. Khi anh đạt đến tất cả các chỉ số vàng, cộng thêm sự thăng hoa thì tài năng trời cho, sự cảm nhận ấy, sáng long lanh ấy hiếm lắm."

Nguyễn Đức Hiếu sinh năm 2000. Anh bắt đầu con đường nghệ thuật với bộ môn khiêu vũ thể thao từ năm 7 tuổi và giành được hơn 60 huy chương vàng, bạc, đồng cấp quốc tế và quốc gia. Năm 2020, anh được giải vàng cuộc thi “Tài năng biểu diễn Múa toàn quốc”.
Nghệ sĩ ba lê Nguyễn Đức Hiếu- người chinh phục những vở múa khó - ảnh 4Trong vở diễn “Le Corsaire”( Cướp biển) năm 2016

Nhưng đối với anh, con đường nghệ thuật với múa ba lê cổ điển cũng như một đỉnh núi cao, một con đường dài mà người nghệ sĩ cứ đi mãi, đi mãi mới cảm nhận được cái đẹp, cái khó của nó: "Ba lê sẽ không bao giờ có đỉnh, mặc dù nó là cổ điển. Nhưng nó cũng là đương đại. Tại vì thế giới ngày nay là sự chuyển mình, không phải là văn hóa mà là phong cách múa. Có thể 30 năm trước múa như thế này là đẹp nhưng đến thời điểm hiện tại lại không đẹp nữa. Định nghĩa thế nào là đẹp trong ba lê rất khó xác định. Mình luôn luôn phải cập nhật xu hướng của thế giới. Cũng như kinh tế, hội nhập kinh tế, văn hóa, và múa cũng vậy, cũng có hội nhập “văn hóa múa”. Nếu mình dừng lại, mình sẽ thua kém."

Có người cho rằng: nếu Nguyễn Đức Hiếu “lựa sức mình”, chiến thắng sẽ dễ dàng và đơn giản hơn. Nhưng, dù biết lựa chọn của mình có thể vượt quá khả năng, anh vẫn luôn đặt ra những mục tiêu cao hơn, giống như một người leo núi, mong muốn được chinh phục đỉnh núi cao nhất.
"Để làm một vũ công chuyên nghiệp, ngoài đêm diễn thăng hoa thì hàng ngày phải là sự chuyên nghiệp, luôn luôn phải có sự cân bằng  ngày nào cũng phải điểm 7, điểm 8 chứ không thể hôm điểm 10, hôm điểm 2. Đến khi nào mình làm một cách dễ dàng như một cuộc dạo chơi nghiêm túc trong nghệ thuật, khi ấy mới là chuyên nghiệp " - Nghệ sĩ Nguyễn Đức Hiếu.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác