Nghệ sĩ Vùng mỏ gìn giữ điệu Then quê hương

(VOV5) - Mt cách thực hành văn hóa dân gian sống động của nghệ nhân dân gian nôi dưỡng điệu Then Tày Bình Liêu ở vùng đất mỏ Quảng Ninh.

Nghệ thuật âm nhạc – sân khấu dân tộc được nuôi dưỡng và phát triển trong mạch nguồn tâm thức dân gian, với sự chung tay gìn giữ của nhiều nghệ sĩ chuyên nghiệp cũng như không chuyên.

Nghe âm thanh bài tại đây:
Công việc thường ngày của anh Đặng Văn Sàu, là cán bộ Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh.  Nhưng cộng đồng người Tày biết đến tên tuổi Đặng Văn Sàu với những bài then được đặt lời mới và dịch sang tiếng Tày. Nhiều tác phẩm do anh Sáu đặt lời được biểu diễn tại các sự kiện văn hóa lớn của địa phương và các hội diễn, hội thi toàn quốc.
Nghệ sĩ Vùng mỏ gìn giữ điệu Then quê hương - ảnh 1Anh Đặng Văn Sàu (bên phải) tham gia Liên hoan tiếng hát khu dân cư cấp tỉnh - Ảnh: Hoàng Cường/VOV-Đông Bắc

Ngoài đặt lời cho những bài then Đặng Văn Sàu còn say mê các loại nhạc cụ như sáo, đàn, nhị. Khi học tại Trường Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc, Sàu đã làm quen cây sáo nên với kiến thức về nhạc lý sẵn có, anh mày mò học thêm về đàn tính, đàn ghi ta, đàn bầu...  và tích cực tham gia những sự kiện văn hóa, các liên hoan hát then và trình diễn nhạc cụ để có thêm kiến thức, kinh nghiệm.

"Tôi tham gia khá nhiều liên hoan hát then, đàn tính cả quy mô cấp tỉnh và toàn quốc cũng được 3-4 huy chương bạc nhưng tôi vẫn chưa hài lòng. Tôi nhận thấy rằng ở Bình Liêu chưa có nhiều người tấu nhạc từ cây đàn tính nên tôi đã ấp ủ ý tưởng này và tham gia tiết mục tấu đàn tính tại Liên hoan hát then Tày-Nùng-Thái toàn quốc được tổ chức tại tỉnh Hà Giang vào năm 2018 và đoạt giải A." - Anh Đặng Văn Sàu kể.

Với người Tày, then chính là thơ, là cách ví von sâu sắc. Hát then là hình thức sử dụng âm điệu để trình bày cuộc hành trình của các then mang lễ vật lên mường trời nhằm đại diện cho con người cầu xin những điều tốt đẹp dưới trần gian. Nhạc cụ không thể thiếu khi diễn xướng làn điệu then là cây tính tẩu. Làn điệu then là một phần máu thịt trong đời sống tinh thần của người Tày. Ngày nay những bài then mới được các nghệ nhân, trong đó có Đặng Văn Sàu đặt lời, đưa cuộc sống chân thực, gần gũi vào từng tác phẩm khiến công chúng đón nhận dễ dàng hơn.

Nghệ sĩ Vùng mỏ gìn giữ điệu Then quê hương - ảnh 2Anh Đặng Văn Sàu tại lớp dạy hát then - Ảnh: Hoàng Cường/VOV-Đông Bắc

Tốt nghiệp trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc năm 1989, Đặng Văn Sàu nhận công tác tại Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bình Liêu, Quảng Ninh (nay là Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện). Hơn 30 năm công tác, là người cần mẫn trong công việc, anh có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn văn hóa dân tộc của địa phương. Nhưng niềm say mê đặc biệt của người nghệ sĩ bán chuyên này, vẫn là những điệu then Tày của BìnhLiêu. Anh tận dụng thời gian rảnh rỗi đến thăm các "thầy Then" để học hỏi từng câu hát, điệu đàn...

Then Tày Bình Liêu có những khác biệt so với những vùng miền khác, dù vẫn theo thể thơ 7 chữ, nhưng khác về âm vực, âm điệu. Cách hát then Bình Liêu thường giản đơn, thủ thỉ tâm tình với người nghe, không giàu nhạc điệu như ở những địa phương khác. Đặng Văn Sàu chia sẻ: Điệu then Bình Liêu như khúc tâm tình của người vùng cao, càng nghe lâu càng hiểu hơn về tâm tư, tình cảm, về cuộc sống thường nhật của đồng bào Tày nơi đây. Yêu những điệu Then, anh Sàu luôn tâm niệm những bài then mình đặt lời phải sát thực với cuộc sống, phản ánh hơi thở đời sống thường nhật của người dân. Ban đầu sáng tác chưa hay nhưng anh không bỏ cuộc mà kiên trì với niềm đam mê. Anh xin tham gia vào những lớp sáng tác Văn học nghệ thuật do huyện tổ chức để học hỏi thêm.

"Muốn đặt lời được bài then hay thì mình phải biết đánh đàn tính và biết hát then. Ngày xưa tôi tự học với các thế hệ anh chị và các cụ trong làng, chịu khó học thì dần dà cũng biết đánh đàn tính. Từ đó tôi mới bắt đầu tập đặt lời cho bài then. Lúc đầu thì chưa hay nhưng nhờ các nghệ nhân dân gian gạo cội sửa giúp rồi sau này cũng có nhiều bài then được nhiều người đón nhận. Bây giờ tôi có thể truyền dạy lại cho các cháu nhỏ muốn học hát then. Đặt lời cho bài then thì phải vần và phải có ý nghĩa." - Đặng Văn Sàu chia sẻ.

Nghệ sĩ Vùng mỏ gìn giữ điệu Then quê hương - ảnh 3Anh Đặng Văn Sàu (bên trái) tại Lễ bế giảng lớp hát then. - Ảnh: Hoàng Cường/VOV- Đông Bắc

Mong muốn gìn giữ và truyền dạy những làn điệu dân ca của người Tày quê mình, Đặng Văn Sàu đã tham mưu cho cấp trên về kế hoạch tổ chức các lớp dạy hát then, đàn tính. Anh cũng dày công biên soạn giáo trình về làn điệu hát then Bình Liêu với mong muốn lớp trẻ có thêm nguồn tư liệu để học. Một số bài then do anh sáng tác được xuất bản thành Tuyển tập Then Tày Bình Liêu với song ngữ Việt-Tày như: "Công ơn cha mẹ", "Mời anh về thăm Sông Moóc", "Về thăm Lăng Bác", "Ngày hội Núi Hoa", "Trẩy hội ngày xuân", "Thương nhớ Quảng Ninh"...

Đặng Văn Sàu còn được mời tham gia diễn xuất trong bộ phim “Bình minh đang lên”, với vai diễn ông Liên - Một nghệ nhân hát then tự nguyện mở lớp dạy hát then, đàn tính cho con em người Tày huyện Bình Liêu. Anh vui, vì vai diễn cũng giúp anh truyền tải được nét đẹp của những làn điệu then.

Nghệ sĩ Vùng mỏ gìn giữ điệu Then quê hương - ảnh 4Một cảnh trong phim Bình minh đang lên.

Anh Tô Đình Hiệu, Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Cá nhân anh Sàu đã tự tìm tòi, tham mưu nhiều sáng kiến, kế hoạch để làm tốt nhất công việc bảo tồ văn hóa dân tộc. Trong đó anh đã sáng tác, đặt lời rất nhiều bài then mang đậm hơi thở cuộc sống hiện đại, đưa những nghị quyết, đường lối của Đảng vào trong lời then để bà con dễ tiếp cận và hiệu quả tuyên truyền cao hơn."

Năm 2021, nghệ sĩ dân gian  Đặng Văn Sàu  là một trong 58 cá nhân được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Vùng mỏ”. Vinh dự này càng thôi thúc anh cố gắng tìm tòi, sáng tác và nghiên cứu sâu thêm về văn hóa dân tộc Tày quê mình, góp phần để làn điệu hát then - đàn tính ngày càng vang xa, góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá người Tày Quảng Ninh.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác