Ngôn ngữ thời @ - một thực thể sống động

(VOV5)- Trong buổi tọa đàm kết hợp với triển lãm “Ngôn ngữ giới trẻ thời @ qua tranh của họa sĩ Thành Phong” diễn ra tại Trung tâm văn hóa Pháp -L’espace cuối tháng 3 vừa qua, các nhà phê bình văn học và nhà ngôn ngữ học đã giao lưu, trao đổi với các bạn trẻ về vấn đề ngôn ngữ cuả giới trẻ hiện nay, để cùng nhìn nhận, đánh giá về sự giữ gìn, phát triển và làm phong phú tiếng Việt của các bạn trẻ.
Nhấn vào đây để nghe âm thanh bài viết:




Ngôn ngữ thời @ - một thực thể sống động - ảnh 1
Câu chuyện ngôn ngữ thời nay qua tranh Thành Phong thu hút rất đông đảo bạn trẻ


Ngôn ngữ ra đời dựa trên nhu cầu của xã hội và tồn tại theo dòng chảy của thời gian. Theo PGS.TS ngôn ngữ học Phạm Văn Tình, ở Việt Nam, hai mươi năm trước, công nghệ thông tin chưa phát triển mạnh mẽ như hiện nay, do đó, những cách nói mới mang đặc trưng của “thời đại @” chưa xuất hiện. Nhưng đến thời điểm này, thời đại đã thay đổi, chúng ta cần đón nhận và xem xét chí tình, chí lý những ngôn ngữ mới phù hợp với dòng chảy của thời đại mới này. Ông khẳng định: "Ngôn ngữ có khả năng sản sinh, người ta có thể sáng tạo ra những đơn vị mới và có thể sử dụng ngay những đơn vị cũ để tạo ra những cách nói mới. Chúng ta hãy xem xét nó một cách ôn hòa xem hạt nhân chân lý những hiện tượng đó để tìm ra một giải pháp. Giải pháp đó là chấp nhận tiếng Việt mở rộng ra một biên độ nhất định và tạo ra tiếng Việt một sự phong phú.”

Theo nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, ngôn ngữ giới trẻ thời @ bắt nguồn sâu xa từ đặc điểm cố hữu của tiếng Việt, đó là cách nói nối, hiệp vần. Từ ngày xa xưa, dân gian đã sử dụng ngôn ngữ có vần, có điệu, thậm chí không có ý nghĩa rõ ràng để hiệp vần ngộ nghĩnh mang tính tượng trưng như: “Chim ri là dì sáo sậu/ Sáo sậu là cậu sáo đen/ Sáo đen là em tu hú…” Ngày nay, các bạn trẻ cũng có những thành ngữ riêng, tạo sự vui tai, thích thú cho người nghe nhưng rất thuần Việt như: “Đau khổ như con hổ”, “Phê như con tê tê”, “Chảnh như con cá cảnh”… Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên ví dụ về sự sáng tạo ngôn ngữ thời @: “ Thật ra lớp trẻ @ hay thời nào cũng thế thôi. Thứ nhất, chúng ta dựa trên tiếng Việt –tiếng mẹ đẻ của chúng ta. Thứ hai, trong các bộ phận ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng thì từ vựng luôn luôn biến đổi. Và từ vựng luôn luôn đi sát với đời sống. Có sự vật thì sẽ có tên gọi đi kèm sự vật. Khi chưa có máy tính, cách đây khoảng 10-15 năm chúng ta không hề có thuật ngữ máy tính nhưng bây giờ có máy tính rồi. Nhưng năm ngoái, Tân Mão có một câu đối mà thầy Cương cũng là một tay ra đối và bẻ đối rất giỏi mà đến khi tôi nhận được câu đối và gửi cho thầy Cương cũng không đối được: “Năm mèo bấm chuột gửi mail cho cho mèo” mời đối không đối được. Câu đối đó sẽ nằm trong kho tàng câu đối Việt Nam không đối được. Ví dụ “Bò lang chạy vào làng Bo”, “Gái tơ chỉ kén ngài quân tử” nhưng toàn dùng chữ của nghề tằm tang: tơ, ngài, kén. Rồi những năm chống Mỹ, biệt kích Mỹ ngụy thường là người nhái. Có câu đối là: “Người nhái bơi ếch vào bắt cóc, cóc bắt được ai bị trói ngồi trơ mắt ếch”… không đối được. Mọi thời đại, lớp trẻ luôn nhanh lắm bắt cái mới, luôn muốn chứng tỏ mình trong đầu tóc, ăn mặc, đặc biệt trong ngôn ngữ.”

PGS.TS Phạm Văn Tình khẳng định ngôn ngữ ấy đang tồn tại hiển nhiên trong cuộc sống bởi không chỉ giới trẻ mà người lớn vẫn thường xuyên sử dụng những câu như: “Hôm nay chúng ta Campuchia nhé” hay “Thôi đừng có Hồng lâu mộng nữa”, “Thôi đừng có Thủ lệ nữa”… Không phải ngẫu nhiên mà tiếng lóng và ngôn ngữ chat được xem xét đưa vào bộ từ điển lớn như Oxford. Đó là sự ghi nhận chính thức ngôn ngữ mới đã dung nhập vào đời sống sau một quá trình chọn lọc đủ lâu dài. Những từ ngữ không phù hợp sẽ được thời gian “gạn đục khơi trong”. PGS.TS Phạm Văn Tình nhấn mạnh: “Hiện tượng nói năng của giới trẻ hiện nay chúng ta chớ vội vàng phủ nhận nó. Nếu khai thác đó như một ngữ liệu mà các nhà ngôn ngữ cần phải xem xét thì chúng tôi phải cảm ơn nhiều người đã thu thập được điều đó.

Ngôn ngữ thời @ - một thực thể sống động - ảnh 2
Các diễn giả

Những người mang nỗi lo ngôn ngữ hiện đại mà giới trẻ đang dùng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự giàu đẹp của tiếng Việt có lẽ sẽ thấy nhẹ lòng hơn rất nhiều nếu biết có một lượng không nhỏ các bạn trẻ đã thẳng thắn bàn luận, đặt câu hỏi xung quanh việc nên “đối xử” với ngôn ngữ mới này như thế nào để không mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. PGS.TS Văn Như Cương cho rằng: “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt không có nghĩa là khư khư với cái hiện có”, cũng không phải kiên quyết loại bỏ cái mới, cái ngoại lai".

PGS.TS Phạm Văn Tình cũng đồng tình với ý kiến này. Vốn trong tiếng Việt đã có nhiều từ gốc tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Hán. Việc mượn các yếu tố nước ngoài có thể làm giàu thêm cho tiếng Việt. Cũng như vậy, việc tiếp thu hợp lý ngôn ngữ hiện đại của giới trẻ cũng có thể khiến tiếng Việt thêm phong phú. Điều cần chú trọng ở đây là: Khi sử dụng ngôn ngữ mới của mình, giới trẻ vẫn cần có ý thức tránh cách dùng tiếng Việt không trong sáng, mà “không trong sáng” ở đây theo PGS.TS Văn Như Cương là dùng các từ nước ngoài trong khi tiếng Việt vẫn có từ thay thế, là sử dụng tiếng Việt theo văn phong phương Tây./.

 

Phản hồi

Các tin/bài khác