Người Việt mình cần mẫn, lạc quan

(VOV5)- Một bài ca dao thú vị nói về các thức ăn, chơi bốn mùa của người Việt xưa.

Khởi hứng bắt đầu là bài thơ đăng trong sách Quốc văn giáo khoa thư mấy mươi năm đầu thế kỷ trước. Không ít người cao tuổi trải qua hai chế độ phong kiến già cỗi ngàn tuổi  rồi dân chủ cộng hòa non trẻ, trải qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc “chống hai đế quốc to” thực dân cũ, thực dân mới vô cùng khốc liệt kéo dài, nay vẫn còn nhớ.

Bài thơ kể về cuộc mưu sinh buôn bán chợ búa cùng thời gian thư giãn của người Việt ở thời kỳ lịch sử phong kiến cộng tiểu nông cá thể hết sức nghèo khó lạc hậu ngày xưa. Ấy thế mà các cụ nhà ta vẫn quyết thực hiện: “Tháng giêng là tháng ăn chơi - Tháng hai cờ bạc tháng ba hội hè”.

Người Việt mình cần mẫn, lạc quan - ảnh 1
Ông đồ đầu thế kỷ 20 - Ảnh Jean Manikus và phụ tá Nguyen Huu Tho/Nguồn: Viện Viễn Đông Bác Cổ


Lịch nhà nông, tháng giêng khởi đầu là Tết nguyên đán, là cung đoạn thời gian nhàn hạ nhất, cùng với Tết nguyên tiêu dân Việt xem như ngày “lễ trọng”  cúng bái quanh năm không bằng rằm tháng giêng.

Người Việt mình cần mẫn, lạc quan - ảnh 2
Gian hàng tranh ngày Tết đầu thế kỷ 20. Ảnh Jean Manikus và phụ tá Nguyen Huu Tho/ Nguồn: Viện Viễn Đông Bác Cổ

Còn tháng hai, các cụ ngày xưa nói là tháng cờ bạc; nhưng cờ bạc chủ yếu như là một trò giải trí dân gian phổ biến làng trên xóm dưới nam phụ lão ấu chứ không phải là trò đỏ đen tệ nạn xã hội. Chợt nhớ bài thơ nói chuyện đánh tam cúc của thi sĩ Kinh Bắc Hoàng Cầm “em đừng lớn nữa chị đừng đi” để mãi mãi có cái “ổ rơm thơm đọng thủa đương thì”.

Hết tháng hai cờ bạc tiếp đến tháng ba hội hè. Chưa có mùa nào như mùa xuân xứ bắc, hầu như làng nào cũng mở hội đình đám, phần lễ tôn vinh thành hoàng, phần hội đủ các trò vui , trò chơi để đông đảo người áo ngắn quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời có dịp nghỉ xả hơi, thi thố tài đánh đu, chọi gà ,cờ tướng, kéo co hay bắt vịt, đập nồi..

Sau tháng ba là lần lượt các tháng mùa hè mà tháng nào cũng có một thứ thời trân tứ quý. Này nhé : “Tháng tư đong đậu nấu chè-Ăn Tết đoan ngọ trở về tháng năm-Tháng sáu buôn nhãn bán trăm”. Dân Việt thoạt kỳ thủy lấy nông gia cơ bản, vất vả, lam lũ, thiếu khó đủ đường, thì những món ăn như chè đậu đen, đậu xanh, như nhãn lồng Hưng Yên, hồng ngâm Lạng Sơn cũng là đặc sản chứ sao.

Sang mùa thu: “Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân-Tháng tám chơi đèn kéo quân-Trở về tháng chin chung chân buôn hồng”. Vào cữ tháng bảy âm lịch, tháng ngày xưa mưa ngâu sùi sụt  có một ngày được người Việt hết sức coi trọng theo mỹ tục xưa là nhớ tổ tiên ông bà cha mẹ đã khuất núi; lo nghĩ cho tới cả những cô hồn không nơi nương thân, không ai nhang khói. Ấy là ngày xá tội vong nhân, ngày rằm tháng bảy. Nhà nhà cũng giỗ, người người cúng cháo lá đa ngoài ngõ ngoài đường.

Hết tháng bảy mưa dầm sùi sụt là tháng tám trăng thanh gió mát đẹp nhất mùa thu, có tết trung thu giành cho con trẻ chơi đèn kéo quân trông trăng phá cỗ. Để rồi sang tháng chín, mấy bà mấy chị chung tiền rủ nhau lên Lạng Sơn, lên miền ngược buôn hồng cho ngày thu Hà Nội, ngày thu miền xuôi người mình có hồng chín đỏ ăn với cốm làng Vòng, ăn với chuối trứng cuốc.

“Sầu dài ngày ngắn” mùa đông tới ngày xưa là hai tháng rét nhất trong năm: “Tháng mười tháng một buôn bông”. Buôn bông để cho người có chăn êm nệm ấm, cho những lứa đôi ngày tân hôn quấn quýt  bên nhau. Thế là hết công đoạn làm ăn buôn bán, ăn chơi trong suốt mười một tháng. Còn cái tháng chạp cuối cùng bản lề năm cũ năm mới, tác giả bài thơ khuyết danh hạ một câu  ẩn chứa niềm vui hể hả: “Trở về tháng chạp nên công hoàn toàn”! Cái sự nên công ấy như là điềm lành để cung chúc tân xuân.

Người Việt mình cần mẫn, lạc quan - ảnh 3
Lễ tế Nam Giao tại Huế - Ảnh Jean Manikus và phụ tá Nguyen Huu Tho/Nguồn: Viện Viễn Đông Bác Cổ

Thơ lục bát quen thuộc giản dị,giản dị đến mức hầu như không có một “gia công nghệ thuật” ngôn từ nào; không có một biện pháp tư từ nghệ thuật nào, chỉ thuần là tính xác thực của sự thực! Mà sao không ít người cao tuổi ngày xưa đã đi học trường làng trường huyện  cắp cuốn sách  Quốc văn giáo khoa thư vẫn cứ nhớ thuộc lòng. Lạ quá! Hình như tinh thần lạc quan vui sống  hàm chứa trong bài thơ kể lể việc đời này của người Việt thủa nào vẫn đủ sức đeo bám  trí nhớ , đeo đẳng trong ký ức họ. Suy ngẫm lịch sử dân tộc mình, tôi tin đấy chính là một nét diện mạo tinh thần Việt, một hằng số, cho dù sông có thể cạn núi có thể mòn, tính cách ấy cũng không dời đổi.

Bởi một lẽ giản dị: người Việt không cần mẫn lạc quan, không thể trụ được ở vùng đất địa chính trị cổ kim quá nhiều áp lực ngoại xâm cường bạo, ở vùng đất địa tự nhiên quá lắm thiên tai dữ dằn. Cần mẫn lạc quan để tồn tại và phát triển. Để từ thủa khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa cách đây 70 năm, đất nước này có tên trên bản đồ thế giới!

Phản hồi

Các tin/bài khác