Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Tròn 5 năm nhà thơ Trương Hữu Lợi đi xa nhưng trong kí ức những người thân quen vẫn nhớ dáng người gầy mảnh, lưng hơi còng, bước đi nhẹ mà nhanh với chiếc túi vải đeo một bên vai, đôi mắt như luôn thiếu ngủ của ông. Ông có chất giọng ấm áp, rất thích hát và hát khá hay. Một trong những bài ông hay hát là “Tháng tư về” của nhạc sĩ Dương Thụ. “Tháng tư về/ gió hát mùa hè/có những chân trời xa lắm…”. Giọng ông vang ngân, da diết, một tay ông đặt vào ngực trái, như thể trút hết niềm cảm xúc, những đam mê say đắm vào lời ca.
Nhà thơ Trương Hữu Lợi trong một buổi giao lưu với độc giả - Ảnh: Báo Tiền Phong |
Trương Hữu Lợi là người nồng nhiệt. Sự nồng nhiệt ấy thể hiện qua cách ông dấn thân với nghề báo trong những năm tháng bao cấp khó khăn, trong cách ông tự chọn một lối đi riêng cho thơ mình, dù không được nhiều người ủng hộ và thấu hiểu. Sự nồng nhiệt thể hiện qua cách ông chăm chút cho các chương trình văn nghệ thiếu nhi mà ông phụ trách trên làn sóng Đài TNVN, qua cách ông chơi với những người trẻ, vừa có cái bình đẳng của bạn bè, vừa có sự bao dung của bậc cha chú. Hiếm khi ông cáu giận. Thường là nhũn nhặn, giấu mình, ngay cả khi bị kẻ tiểu nhân xúc phạm.
“Đêm gày đếm bước vấn vương/ Bóng ai lê lết bên đường heo may/ Nửa mảnh hồn trót ngoắt ngoay/ Phù du giăng mắc đặt bày trêu ngươi”. Những câu thơ trong bài “Ru hồn” này thường được nhà thơ Trương Hữu Lợi nhắc đến, như một tâm niệm sống, như một cách tự an ủi, tự giữ cho lòng thanh khiết nguôi ngoai trước những bức xúc từ cuộc sống dội lại. Và không chỉ có làm thơ, tìm thơ như tìm chốn dung thân tri kỷ của tâm hồn mà trong đời sống thực, từ khi bước vào tuổi trung niên, ông thực sự hài lòng với lối sống an nhiên, đứng bên ngoài mọi sự cầu danh cầu lợi.
Ông từng tâm sự: “Tôi đã tìm đến thơ như một sự giải thoát, coi thơ như một mái chèo, dùng nó để vượt qua cái gọi là “dòng sông đời sống” rất nhiều thăng trầm, rất nhiều ghềnh thác sóng gió của cuộc đời”.
“À ơi… gió mát trăng thanh/ Ai đi hái lộc trên cành chiêm bao/ Chạm vào chốn ấy nghẹn ngào/ Đá khem khép đá nhớ sao lối về…Thương mình lầm lũi bến mê/ Bàn tay có sạch mà che con mình…”. “Lời ru của người cha” là bài lục bát mà nhà thơ Trương Hữu Lợi yêu thích nhất. “Ru” cũng là một từ khóa trong thơ ông: ru mình, ru hồn, hát ru người đi đường, hát ru hoa quỳnh, hát ru cánh cò…
Trong bài thơ “Ru mình” ông viết: “Gặp người hiền ngấn lệ rưng - Gặp kẻ ác vẫn ung dung mỉm cười - Bao điều run rủi duyên trời - Giữa dòng trong đục ta ngồi ru ta”. Có lần ông bộc bạch: “Nhiều bài thơ của tôi là lời thủ thỉ của chính tôi, có khi là thủ thỉ với cỏ cây hoa lá, có khi thủ thỉ với vợ con, thủ thỉ với người yêu, thủ thỉ với bạn bè, thậm chí là thủ thỉ với một con vật hay một dòng sông… tất cả những lời thủ thỉ đó đúng là những khúc tự ru mình. Tự ru mình và tự răn mình, rằng mình cần ý thức được sự sinh tồn của bản thân, mình chỉ như một hạt cát, chỉ như một lá cỏ, như một giọt nước, giọt sương trong biển đời sống mênh mông của nhân loại. Khi đã ý thức được sự giản dị nhỏ bé của bản thân mình thì ta có bình yên. Có sự bình yên trong tâm hồn thì đấy là lúc ta rất mạnh”.
Nhà thơ Trương Hữu Lợi có nhiều đóng góp trong lĩnh vực văn học thiếu nhi, bồi dưỡng các cây bút trẻ.
“Bình yên trong tâm hồn” chính là lẽ sống của nhà thơ Trương Hữu Lợi. Vì thế, suốt cả một đời viên chức, ngoài hai người con thành đạt, thì tài sản lớn nhất của vợ chồng ông vẫn là nửa căn hộ chung cư trong khu tập thể Giảng Võ, Ba Đình, xung quanh có khuôn viên, trường học, hồ nước và nhiều cây xanh, để mỗi lần đi dạo ông lại cảm thấy rất hài lòng nhẹ nhõm. Bữa ăn của vợ chồng ông, bao giờ cũng nhiều món, nhưng mỗi món lại rất ít: một chút rau, một chút đậu, một chút nem, một chút cá rô ron rán giòn. Vợ ông có khi phàn nàn, rằng ngay cả những việc đơn giản mà nam giới trong nhà hay làm, như thay cái bóng đèn bị cháy, lau cái quạt điện ám bụi thì ông đều không biết, bà phải tự lo hết, riết rồi quen. Tôi cũng từng thấy ông loay hoay mãi không vặn được nắp chai thuốc bổ phế Nam Hà, và phải cười xòa nhờ anh thanh niên hàng xóm đi qua trước cửa. Vậy nhưng, trong đời sống nội tâm, ông là một dòng sông mạnh mẽ, đầy khao khát hướng về cái rộng rãi phóng khoáng của biển cả mà không sợ ghềnh thác, đá ngầm hay xoáy lũ. Ba tập thơ của ông: “Cõi hoang”, “Hoa lạnh”, “Nhịp ngựa hoang” đều thể hiện mong ước kiến tạo một thế giới đẹp đẽ, thanh khiết và tin yêu như thuở ban đầu, vốn có, trước khi bị con người làm tha hóa, hủy diệt.
“Cho tôi về bên suối/Đêm rừng xanh lửa cháy bập bùng/ Cõi hoang xa trong trẻo thiên đường/Chúng tôi quây quần hát múa dưới trăng…
Cho tôi về bên suối/ Ngả lòng tay trìu mến bạn bè/Tôi đã đi thanh thản kiếp người… Cho tôi về nơi ấy… Nguồn trong".
Ông đã đi thanh thản kiếp người. Về hưu không lâu thì ông mắc trọng bệnh, thường xuyên đi và về giữa nhà riêng và bệnh viện. Những hôm không phải điều trị, ông lại đi chơi, đi thăm thú bạn bè. Ông yêu cuộc sống này, yêu đến tận hơi thở cuối cùng, nhưng ông không cố chạy theo chiều dài, mà khao khát được sống những phút giây thật sự thoải mái, thăng hoa, dù rằng, có thể phải trả giá bằng chính chuỗi ngày phía trước đang bị rút ngắn lại.
“Chùng chình bước… nhịp ngựa hoang/ Con đường thiên lý vội vàng làm chi/ Đường qua rối cỏ xanh rì/ Đường qua đền miếu, thành trì ngổn ngang/Đời người trăm mối tơ giăng/Ngỡ như duyên phận đa mang buộc vào/Lòng ai sóng vỗ nao nao/Chuông ngân thả giọt ngọt ngào yêu thương”. (Nhịp ngựa hoang)
Ngựa hoang đã về miền lộng gió, tung bờm sải bước phi nhanh, rồi lại nhởn nhơ gặm cỏ ngắm hoàng hôn buông trên đồng nội. “Xứ quên”, “Đêm thiêng”, “Cõi hoang”, “Rừng xanh nguyên sơ” đón ông, đưa ông vào cuộc hành trình không giới hạn: “Tìm gì cho mình/ Một đời lặng lẽ /Bóng ai sấp ngửa/Cát bụi mùi trời/ Cuộc đời khép mở/Nẻo về xứ quên”.
Nhà thơ Trương Hữu Lợi sinh năm 1948, học Đại học Tổng hợp Loddi Ba Lan. Thời làm phóng viên nông nghiệp ở Đài TNVN, ông có nhiều bài viết góp phần vào chủ trương khoán 10. Một thời gian sau đó, ông chuyển về Ban Văn nghệ, nhiều năm làm trưởng phòng văn nghệ thiếu nhi, có nhiều đóng góp trong lĩnh vực văn học thiếu nhi, bồi dưỡng các cây bút trẻ.