Viết bút ký văn học: Câu chuyện của sự trải nghiệm

(VOV5) - Quá trình chuyển đổi gấp gáp của cuộc sống ngày hôm nay tác động phần nào tới màu sắc nhiều thể loại văn học, không loại trừ bút ký. 

Tất nhiên cũng như thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết hay phê bình, để thành danh và có một tầm vóc, kết quả cuối cùng của việc theo đuổi một thể loại đòi hỏi sự chuyên tâm và tài năng của cá nhân tác giả. Trước tiên, viết về những điều bản thân mình hiểu nhất, trân trọng và thực sự mong muốn được phơi trải bằng ngôn từ.

Viết bút ký văn học: Câu chuyện của sự trải nghiệm - ảnh 1 Bút ký của nhà văn Tô Hoài được tái bản.

Chẳng cần kiếm tìm ở những đâu xa xôi, nhà văn Nguyễn Ngọc Yến, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Yên Bái, người từng có nhiều bút ký văn học giành giải thưởng tìm chất liệu sáng tác từ những hành trình trải nghiệm trên mảnh đất quê hương mình: “Tôi là Hội viên chuyên ngành văn xuôi của Hội Văn học nghệ thuật Yên Bái, vừa viết ký, vừa viết truyện. Ký của tôi là những bước chân đã đi qua trên mảnh đất Yên Bái, con người, vùng đất đậm đặc văn hóa vùng cao Tây Bắc”

Có gắn bó và gạn lọc những nét độc đáo từ bộn bề đời sống và những tầng vỉa văn hóa, bút ký mới vượt qua được “cái bóng” của thông tin, ghi chép phản ánh. Từ bình diện so sánh những trang viết của tác giả bản địa với tác giả đến với địa phương với tư cách thăm thú để lấy tư liệu sáng tác, nhà văn Nguyễn Ngọc Yến chỉ ra những thế mạnh của người viết bút ký văn học ở địa phương: “Đội ngũ sáng tác văn học địa phương, đặc biệt thể loại bút ký, ghi chép, phóng sự có thể so với các nhà văn trung ương thì vẫn còn thiếu kỹ thuật nhưng có một điểm ưu thế là người dân địa phương có những cảm nhận chân thật, trực tiếp sống gắn bó với văn hóa vùng miền, thấu hiểu đằm mình trong vùng văn hóa đó viết nên những tác phẩm sinh động, thuyết phục khiến người khác cảm nhận được tình yêu của tác giả với vùng đất ấy để yêu thêm mong muốn đặt chân tới nơi đó”.

Thực tế cho thấy có những bút ký văn học chỉ có thể ra đời sau rất nhiều năm, nhiều lần tác giả lặn lội đến với cùng một vùng đất ấy, tiếp xúc cùng những con người ấy. Cũng như tứ thơ, tứ truyện, có những tứ ký xuất hiện, hình thành rất nhanh và ấn tượng nhưng cũng có những bút ký là kết quả của sự tinh kết của những trải nghiệm lâu dài.

Nhà văn Phạm Thị Duyên, Hội Văn học nghệ thuật Ninh Bình và nhà văn Phạm Thị Thanh Vĩnh, Hội Văn học nghệ thuật Vĩnh Phúc đánh giá cao quá trình đi thực tế để gom nhặt tư liệu và hơi thở cuộc sống trong bút ký văn học. Phạm Thị Duyên cho biết: “Những người viết bút ký văn học cũng cần đi sâu vào thực tế đời sống xã hội để mà có những đánh giá, nhìn nhận sắc sảo. Phải đi thực tế, nắm bắt sau đó mới viết”.

“Bút ký văn học có đặc điểm riêng, đặc biệt so với truyện ngắn. Truyện ngắn là sáng tác hư cấu. Bút ký văn học không đơn giản là hư cấu mà là nhịp thở cuộc sống thực sự đập hôi hổi ở đấy. Tôi bị cuốn hút bởi điều ấy. Hôm nay vẫn có những bút ký có tính văn học, thông tin, giải trí, thẩm mỹ nhưng hình như cũng bị phai nhạt ít nhiều” – Nguyễn Thị Thanh Vĩnh chia sẻ.

Viết bút ký văn học: Câu chuyện của sự trải nghiệm - ảnh 2Các tác giả nhận giải thưởng trong cuộc thi bút ký văn học đồng bằng Sông Cửu Long lần thứ 6, năm 2018  - Ảnh: Báo Tài nguyên và môi trường

Quá trình chuyển đổi gấp gáp của cuộc sống ngày hôm nay tác động phần nào tới màu sắc nhiều thể loại văn học, không loại trừ bút ký. Sự giao thoa tính chất là điều không thể tránh khỏi nhưng đằng sau những chia sẻ của nhà văn Nguyễn Trần Bé – Hội Văn học nghệ thuật Hà Giang và nhà văn Nguyễn Thị Thanh Vĩnh, Hội Văn học nghệ thuật Vĩnh Phúc, chúng ta đọc được nỗi niềm có thật của những người vẫn còn thiết tha với bút ký văn học: “Hiện nay có nhiều người đề thể loại bút ký bên cạnh tác phẩm nhưng đọc thì thực ra không phải bút ký. Tiêu chí bút ký giờ đây hay bị lẫn lộn giữa bút ký báo chí với bút ký văn học. Bút ký văn học phải trên nền bút ký nói chung, dựa vào hiện thực, nhân vật thật nhưng được chuyển tải bằng ngôn ngữ, cách thức, hình tượng văn học. Những người đi đâu kể đấy, ghi chép lại rồi bảo là bút ký văn học. Ngày xưa tôi làm ở Tạp chí, không đúng bút ký thì tôi gạch thể loại đi, chỉ để mỗi tên tác giả hoặc chuyển về một dạng thể loại khác. Thế nhưng nhiều tác giả lại không đồng ý việc ấy. Tôi thấy nhiều bút ký bây giờ chỉ dừng lại là bút ký báo chí chứ chưa phải văn học đúng nghĩa. Ngày xưa có những người viết bút ký đọc rất thích, thí dụ như Lê Đình Cánh”. – Nhà văn Nguyễn Trần Bé nói.

“Ký văn học những điều cần có ngày nay cũng đã phai nhạt. Tính báo chí lấn át, có lẽ do người cầm bút cũng bị tác động bởi chuyển đổi của cơ chế, thị hiếu của bạn đọc. Nếu viết văn nghệ một chút thì không thích ứng được vì người ta cần thông tin nhanh gọn hơn. Người viết bị ảnh hưởng. Tính nghệ thuật bị xếp thứ hai. Tôi cũng là một người viết bị ảnh hưởng bởi độc giả, bởi kính tế thị trường, tính văn chương bị ảnh hưởng. Trình độ người viết để viết ký văn học cần thông tin, kiến thức, tài năng. Tôi cũng viết ký đây nhưng tính báo chí nhiều hơn tính văn học vì tài năng có hạn. Có dồn cảm xúc về cuộc sống mới thăng hoa trên trang viết. Người viết phải nâng mình lên” – Nhà văn Nguyễn Thị Thanh Vĩnh chia sẻ.

Phải tự nâng mình lên để không hòa lẫn vào số đông, để dù sáng tác bất kỳ một thể loại nào vẫn gìn giữ và hội tụ được đặc trưng, bản chất làm nên diện mạo của tác phẩm. Đó cũng là điều mà không riêng gì những cây bút ở địa phương tự nhắc nhở bản thân khi đã có trong tay những tư liệu, trải nghiệm để sẵn sàng thảo nên những trang bút ký văn học.

Chia sẻ của nhà văn Minh Chuyên, một người viết bút ký hậu chiến tranh có tên tuổi là một gợi ý chí tình mà các cây viết ngày hôm nay nên tham khảo:  “Nhà thơ Trần Đăng Khoa có một bài viết “Người học trò của những ông lớn văn chương” có đề cập tới thế hệ viết bút ký của chúng tôi. Ông cho rằng làm nên nền văn học lớn chủ yếu là thơ và tiểu thuyết nhưng không ngờ bút ký tạo nên hiệu ứng xã hội tốt không kém gì sức mạnh đến với độc giả như tiểu thuyết. Các chi tiết cuộc đời hiện thực phong phú, sâu sắc nhưng khả năng hư cấu nghệ thuật còn hạn chế. Bút ký có thế mạnh có hiện thực, biết khai thác, sắp xếp tình tiết sẽ tạo thành tác phẩm hay. Tác phẩm chiến tranh, hậu chiến tranh có điều kiện để viết hay. Ngay cuộc sống hòa bình cũng chọn được chi tiết miễn người viết am hiểu và huy động khả năng của bản thân”

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác