(VOV5) - Nhà hát Kịch nói Quân đội dàn dựng vở “Nỗi u sầu” của tác giả PGS Tất Thắng; đạo diễn NSND Lê Hùng để tham gia liên hoan Quốc tế sân khấu thể nghiệm lần thứ tư.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Câu chuyện kịch kể về cô thôn nữ xinh đẹp bên hồ- Phương Thảo. Cô yêu Thanh Minh, một thanh niên cùng làng thật thà chất phác, thủy chung. Nhưng bất ngờ, Phương Thảo gặp nhà vua đang đóng giả nhà buôn đi vi hành. Cuộc gặp gỡ định mệnh đã khiến nhân vật chính choáng ngợp, mở ra một cái nhìn mới về đời sống phú quý, giàu sang, và cũng bẻ ngoặt đời nàng sang con đường khác…
Một cách trong vở Nỗi u sầu - Ảnh: Xuân Kỳ/ Báo Nhân Dân |
Vẻ đẹp thuần hậu, chất phác và những lời văn thơ của Phương Thảo, vốn là con vị Tiến sĩ nổi tiếng, đã thuyết phục được nhà vua ban thánh chỉ để nàng vào cung. Nghe tin sét đánh, mẹ Phương Thảo cùng chàng Thanh Minh hết lời khuyên nhủ nàng mau trốn đi, nhưng vốn mơ ước xa xôi, mong muốn được đổi đời, Phương Thảo vẫn quyết nhập cung… Nhưng, vào cung với cảnh tranh đoạt của cả ngàn người chỉ nhăm nhăm được ân sủng, nàng mau chóng nhận ra sai lầm, cuối cùng quá hối hận, đành mượn cửa Thiền để sống nốt quãng đời còn lại.
PGS Tất Thắng lý giải về cái tên lạ của tác phẩm: “Đầu đề là Nỗi u sầu hay Khát vọng đổi đời. Nỗi u sầu là nỗi buồn. Bởi vì, câu Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều ám ảnh suốt: Đêm năm canh lần nương vách quế/ Cái buồn này ai để giết nhau/ Giết nhau chẳng cái lưu cầu (lưu cầu là con dao đó)/ Giết nhau bằng cái u sầu độc chưa” Giết người bằng nỗi u sầu nó mới độc, chứ chưa chắc đâm chém bắn nhau mới là giết người đâu, làm cho nỗi đau kéo dài cả cuộc đời người ta rồi mới dẫn đến cái chết.”
Một cảnh trong vở diễn - Ảnh:sankhau.com.vn |
Tiếp nhận kịch bản, NSND Lê Hùng rất tâm đắc: “Anh Tất Thắng viết rất chắt chiu. Anh ra mấy tác phẩm, nhưng khi tôi đọc kịch bản vở Nỗi u sầu của anh ấy thì tôi tưởng tượng được ra vở diễn ngay. Và nhìn thấy những điều thú vị trong ấy. Chuyện thì rất xưa nhưng lại ngồn ngộn những cái của cuộc sống ngày hôm nay. Các nhân vật nếu chỉ thay phục trang đi thôi, không phải mặc lối trang phục cổ nữa, thì khán giả chấp nhận ngay là câu chuyện đang diễn ra ở thời này. Như thế là tích cổ mà mang đầy hơi thở của cuộc sống ngày hôm nay.”
Đảm nhiệm vai nam chính Thanh Minh, diễn viên Dương Khánh giành nhiều tâm huyết và khổ luyện để thể hiện tròn vai: “Thanh Minh là vai diễn hình thể nhiều nhất vở diễn, ban đầu cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là cảnh như diễn viên xiếc ở trên một chiếc thuyền treo trên cao mà cả Thanh Minh và Phương Thảo ở trên đó. Có cảnh một mình Thanh Minh chống lại cơn lốc xoáy dữ dội như thế, những vận động hình thể rất khó, mà toàn mình phải tạo ra những vận động đó cho phù hợp với hoàn cảnh, mà vẫn giữ an toàn. Mình không phải diễn viên xiếc nên cũng rất khó. Thời gian luyện tập cũng như sự góp ý của Ban giám đốc, của bạn nghề, phần nào đó cũng đáp ứng được yêu cầu của nhân vật cũng như hoàn cành lúc đấy, tạo được cho người xem cảm giác rấnh chênh vênh, rất sợ.
Một cảnh trong vở diễn Nỗi u sầu. |
Với mục đích tham dự Liên hoan sân khấu thử nghiệm, đạo diễn đã có những xử lý không gian thời gian tạo được ấn tượng với người xem. Với cảnh bão gió ở trên hồ, ông tận dụng phông hậu màu xám xịt, chiếc ván mô tả con thuyền nhỏ chơi vơi trong giông lốc. Hay chiếc lưng trần của người thiếu nữ như biểu tượng cho cái đẹp… Ngôn ngữ giàu tính văn chương đã được tác giả trau chuốt đặc biệt là những đoạn độc thoại đã gây xúc cảm tốt với khán giả.
PGS Tất Thắng tỏ ra hài lòng với những xử lý của đạo diễn và đánh giá cao việc thể hiện bi kịch một cách rất Việt Nam qua những trò diễn kế tiếp: “Nói chung tôi hài lòng, mặc dù dựng một vở bi kịch bằng cấu trúc mảnh trò, tức là kiểu bi kịch Việt Nam: mảnh trò đầu là đồng dao, mảnh trò hai là tình tự bơi thuyền, mảnh trò thứ ba là giả trang của vua làm người lái buôn vv…Toàn là những mảnh trò ghép lại theo cấu trúc của chèo và tuồng Việt Nam.
Những khán giả xem vở rất tán thưởng đêm diễn, như ông Lý Hồng Dũng: “Vở kịch xuất sắc và để lại ấn tượng lớn lao về vẻ đẹp văn hóa”; và ông Trịnh Xuân Thông “Đúng là đạo diễn phải để cho khán giả suy nghĩ về nỗi u sầu của cuộc đời, về nhân tính thế thái. Cũng đáng để cho khán giả xem.”
Vở diễn “Nỗi u sầu là một trong những lựa chọn của sân khấu Việt trong Liên hoan lần này.