(VOV5) - Nhà hát chèo Hà Nội trong những năm vừa qua vẫn luôn nỗ lực để bộ môn nghệ thuật truyền thống này ngày càng đến gần hơn với công chúng.
Tham dự liên hoan chèo toàn quốc 2019 đang diễn ra từ 14-28/9, Nhà hát chèo Hà Nội đem đến hai vở chèo đặc sắc là “Điều còn lại” và “Kiều Loan”. Là một trong đơn vị nghệ thuật truyền thống lâu đời của thủ đô, Nhà hát chèo Hà Nội trong những năm vừa qua vẫn luôn nỗ lực để bộ môn nghệ thuật truyền thống này ngày càng đến gần hơn với khán giả, nhất là trong bối cảnh nghệ thuật sân khấu đang gặp nhiều khó khăn. Phóng viên Đài tiếng nói Việt Nam có phỏng vấn NSƯT Thu Huyền, Phó giám đốc Nhà hát chèo Hà Nội về câu chuyện bên lề hai vở diễn tham dự liên hoan chèo toàn quốc năm nay cũng như tình hình hoạt động của Nhà hát chèo Hà Nội.
NSƯT Thu Huyền - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Thưa NSƯT Thu Huyền, chị có thể chia sẻ thêm thông tin về hai vở diễn lần này Nhà Hát chèo Hà Nội đem tham dự tại Liên hoan chèo toàn quốc 2019?
NSƯT Thu Huyền: Trong Hội diễn toàn quốc năm nay, Nhà hát chèo Hà Nội có tham gia hai vở diễn Kiều Loan, tác giả cố thi sĩ Hoàng Cầm, đạo diễn NSND Lê Hoàng, và vở Điều còn lại, tác giả nghệ sĩ Đăng Chương, đạo diễn NSƯT Tuấn Cường. Sở dĩ Nhà hát chúng tôi chọn hai vở diễn này vì đã được Hội đồng Nghệ thuật đánh giá có chất lượng nghệ thuật tốt để có thể tham gia Hội diễn lần này. Kiều Loan là một vở chèo dã sử và Điều còn lại là vở hiện đại. Chúng tôi muốn đem hai vở với màu sắc khác nhau để giới thiệu được dàn diễn viên của Nhà hát chèo Hà Nội, vừa diễn được những vở mang tính lịch sử, vừa diễn được những vở chèo mang hơi hướng hiện đại. Mặc dù là vở dã sử nhưng trong xã hội bây giờ vẫn nhìn thấy bài học. Vở Kiều Loan vẫn mang hơi thở cuộc sống đương đại bây giờ. Chúng tôi hy vọng rằng hai vở diễn này sẽ góp mặt làm nên thành công của hội diễn sân khấu lần này.
Các đơn vị tham dự Liên hoan chèo toàn quốc 2019. Ảnh: VOV |
PV: Nhà hát chèo Hà Nội đã đầu tư cho hai vở chèo tham dự hội diễn lần này như thế nào?
NSƯT Thu Huyền: Mỗi khi có liên hoan Hội diễn là một dịp các nghệ sĩ có thể gặp gỡ nhau, trao đổi về nghề nghiệp và có thể giới thiệu được những sản phẩm của đơn vị mình. Nó cũng là một ngày hội của các nghệ sĩ. Khi tham gia hội diễn chúng tôi luôn phải đưa đi những sản phẩm tốt nhất mà đơn vị mình có. Những sản phẩm đó chúng tôi cũng phải làm hết sức trau chuốt, cầu kì và đó là nỗ lực rất nhiều của cả một tập thể anh chị em nghệ sĩ. Có thể là vài tháng mới xong một vở diễn. Không những vậy, khi đã tổng duyệt rồi chúng tôi vẫn phải chỉnh sửa bởi vì có những ý kiến của Hội đồng Nghệ thuật hay khán giả chúng tôi thấy hay và chính xác, chúng tôi sẽ chỉnh sửa. Chúng tôi mong muốn xây dựng được vở diễn tốt hơn.
Đại diện lãnh đạo tặng hoa Hội đồng nghệ thuật. - Ảnh: VOV |
PV: Đến hẹn lại lên, 3 năm được tổ chức một lần, theo chị đánh giá Liên hoan chèo toàn quốc đem lại hiệu quả gì cho một các đơn vị nghệ thuật nói riêng và sân khấu chèo nói chung?
NSƯT Thu Huyền: Đây là dịp rất may mắn và vui khi các nghệ sĩ được gặp gỡ nhau và trao đổi về nghề nghiệp. Đơn vị mình có thể còn thiếu cái gì, cần phải bồi đắp cái gì có thể trao đổi với đơn vị bạn. Qua đó chúng ta cũng có thể xem sản phẩm của đơn vị bạn để đúc rút kinh nghiệm, giúp đơn vị mình tốt hơn. Khi tổ chức một liên hoan như thế này, các đơn vị đương nhiên sẽ đầu tư vào các sản phẩm nghệ thuật của mình. Vô hình chung khán giả cũng được thụ hưởng những sản phẩm đó. Đây là chiều hướng tích cực cho bộ môn nghệ thuật chèo. Tôi mong muốn rằng những Hội diễn như thế này thường xuyên tổ chức để chúng tôi được trao đổi nghề nghiệp nhiều hơn.
Vở Kiều Loan tham sự Liên hoan của Nhà hát chèo Hà Nội. - Ảnh: sovhtt.hanoi.gov.vn |
PV: Trong bối cảnh sân khấu nghệ thuật truyền thống gặp nhiều khó khăn, Nhà hát chèo Hà Nội đã có những nỗ lực cụ thể như thế nào để bộ môn chèo vẫn có chỗ đứng trong lòng công chúng?
NSƯT Thu Huyền: Những năm gần đây chúng tôi nỗ lực rất nhiều để đưa nghệ thuật chèo đến với công chúng cả nước. Chúng tôi có lịch đều đặn biểu diễn và may mắn được khán giả yêu mến. Ban lãnh đạo nỗ lực tiếp bước lớp đàn anh đi trước duy trì thương hiệu nhà hát chèo Hà Nội. Vì vậy mà khán giả cũng dành cho chúng tôi những sự ưu ái rất đặc biệt, bởi trong nhà hát chúng tôi cũng có nhiều những nghệ sĩ nổi tiếng.
Mặt khác chúng tôi cũng luôn nỗ lực tìm khán giả đến với nhà hát bởi dù có thuận lợi như vậy nhưng cũng không tránh khỏi khó khăn của nghệ thuật sân khấu truyền thống, vì có quá nhiều hình thức giải trí mang tính cạnh tranh. Chúng tôi phải giới thiệu những tác phẩm đến với khán giả. Ra vở mới chúng tôi có buổi diễn, đợt diễn giới thiệu những vở mới tại hai rạp Đại Nam và Nguyễn Đình Chiểu. Ngoài ra chúng tôi cũng làm việc với các công ty du lịch. Sân khấu Nguyễn Đình Chiểu là một sân khấu nhỏ phù hợp giới thiệu với khách du lịch các loại hình nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam. Chúng tôi cũng có các chương trình giới thiệu với các em học sinh, để đưa nghệ thuật chèo đến với các khán giả trẻ, nỗ lực tiếp bước lớp đi trước đã làm.
Từ trước đến nay, sân khấu nghệ thuật nói chung và sân khấu chèo vẫn đang im lìm và có phần ỉ lại. Tôi nghĩ với cuộc sống bây giờ chúng ta cần phải cố gắng từng bước để có thể hội nhập với đời sống sân khấu hiện đại. Quan trọng nhất nhà hát chúng tôi phải xây dựng được các kịch mục hấp dẫn, chương trình nghệ thuật hấp dẫn để lôi cuốn được khán giả.
PV: Vâng, xin chân thành cảm ơn nghệ sĩ!