(VOV5) - MV Cúc ơi đã chiếm trọn tình cảm của những người đã từng trải qua chiến tranh, cũng như thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên trong hòa bình.
Sau 12 năm ấp ủ, đúng dịp kỉ niệm 50 năm chiến thắng Đồng Lộc, Nghệ sĩ ưu tú Tố Nga đã cùng ê kíp của mình cho ra mắt công chúng một dự án nghệ thuật để đời – MV “Cúc ơi” tri ân 10 nữ thanh niên xung phong anh hùng đã ngã xuống để bảo vệ tuyến đường huyết mạch của chiến trường miền Trung. 10 phút cho một ý tưởng nghệ thuật đau đáu trong suốt 12 năm, MV Cúc ơi đã chiếm trọn tình cảm của những người đã từng trải qua chiến tranh, cũng như thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên trong hòa bình.
NSƯT Tố Nga trong một cảnh quay
|
Nghe âm thanh trực tiếp tại đây:
"Được xem MV, tôi rất xúc động, và rất tự hào, biết ơn những người nghệ sĩ như NSƯT Tố Nga đã không chỉ góp giọng hát của mình mà đã mày mò sáng tạo để trở thành diễn viên trong MV của mình, thành công cả hình ảnh và nội dung. MV đã hay, xúc động mà còn nhiều ý nghĩa khi ra mắt vào đúng những ngày kỉ niệm này".
"Khi được xem bản chính thức của MV, chúng tôi đều thấy xúc động và thật khác so với trong quá trình làm. Trước khi xem, chúng tôi rất hồi hộp. Và khi xem xong, chúng tôi chỉ biết nhìn nhau với rất nhiều cảm xúc".
Đó là những chia sẻ của MC Hoài Anh và Long Trần sau khi xem MV Cúc ơi của nghệ sĩ ưu tú Tố Nga. Hoài Anh lần đầu tiên được xem trọn vẹn MV này, còn Long Trần, tuy là người góp phần thực hiện MV nhưng cũng chưa từng được xem sản phẩm hoàn chỉnh trước đó.
MV Cúc ơi được bắt đầu bằng một hình ảnh đẹp, một phút lặng giữa chiến tranh – cái lán nhỏ nơi những cô thanh niên xung phong ngồi thêu khăn, chải tóc, và chuẩn bị bữa ăn với rau rừng, cá suối…
Phút lặng giữa hai trận bom
|
Cúc ơi là tên một bài thơ nổi tiếng của Yến Thanh, viết về chị Hồ Thị Cúc - một trong 10 nữ Thanh niên xung phong đã hi sinh tại Ngã ba Đồng Lộc. Từ nhỏ, chị Cúc đã buồn chuyện gia đình, bố mất sớm vì nạn đói, mẹ đi lấy chồng để lại chị cho ông và bà dì nuôi. Lớn lên chị Cúc tham gia Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước. Quãng thời gian nhập ngũ, sống trong vòng tay yêu thương của đồng đội, chị Cúc đã vượt qua những nỗi buồn riêng và trở thành một cô gái vui tươi, yêu đời, nhiệt huyết.
Chị Cúc cùng các nữ Thanh niên xung phong ngày đêm san lấp hố bom, bám trụ chiến đấu, đảm bảo thông suốt đường 15A trên trận địa Ngã ba Đồng Lộc. Ngày 24/7/1968, chị Cúc cùng 9 chị em trong tiểu đội hy sinh, nhưng đến khi đồng đội và người dân đào bới tìm các chị thì không thấy chị Cúc. Phải 3 ngày sau, đồng đội, nhân dân mới tìm được chị bị vùi lấp rất sâu.
Ca sĩ Hoa Trần trong hình tượng Liệt sĩ Hồ Thị Cúc
|
Năm nay, đúng tròn 50 năm kỉ niệm sự kiện bi hùng ấy. NSƯT Tố Nga đã làm MV “Cúc ơi!” như một nén tâm nhang thành kính tri ân những nữ thanh niên xung phong anh hùng Ngã Ba Đồng Lộc, những người con ưu tú của quê hương chị. Tố Nga chia sẻ: "Để làm đề tài về chiến tranh cần rất nhiều công sức so với các đề tài khác. Những đề tài về tình yêu, về quê hương đất nước thì chỉ cần tìm cảnh quay đẹp, góc quay phù hợp là được, còn đề tài chiến tranh thì không thể đi lệch quá khứ. Khi dựng trường quay cho MV, chúng tôi đã tính rất kỹ, và đã vất vả gấp 10- 20 lần so với những MV khác. Chúng tôi đầu tư kinh phí rất lớn, rồi những yếu tố về con người, rồi tâm lý khi quay… rất căng thẳng. Được một MV hoàn chỉnh như vậy rồi, tôi thấy rất trọn vẹn".
Toàn bộ MV được quay hình ngay tại gần nhà chị Hồ Thị Cúc ở Hà Tĩnh. Với đạo diễn trẻ Lam Hạ, đây là dự án MV lớn nhất của chị, đồng thời cũng là sản phẩm đầu tiên chị làm về chiến tranh. Lam Hạ cho biết: "Lần đầu tiên tôi làm về đề tài chiến tranh, vì vậy nên tôi đã tìm hiểu kỹ tư liệu lịch sử về Ngã Ba Đồng Lộc. Tôi muốn có sự khác biệt trong tác phẩm của mình, nên đã lựa chọn hướng không đi sâu vào khai thác sự ác liệt dữ dằn của bom đạn mà muốn nói về nội tâm của các cô gái. Khi ấy các cô còn trẻ, ngoài những khi phải đối diện với tiếng bom rơi, với cái chết cận kề thì tâm hồn của các cô vẫn rất trong sáng, hồn nhiên. Chỉ cần một cái xe đạp thôi, các cô đã trở về đúng với tuổi 18 đôi mươi hồn nhiên".
|
MV “Cúc ơi” đã phải huy động đến 200 diễn viên quần chúng. Đạo diễn Lam Hạ đã sử dụng bom mìn thật với cố vấn bên quân đội để có những cảnh chân thực nhất. Tuy nhiên, MV rất giàu chất thơ và đi vào tâm hồn người xem thật sâu lắng. Theo đạo diễn Lam Hạ: "Những câu chuyện lịch sử kể bằng âm nhạc, có chất thơ và chất nhạc. Tôi không áp lực vì đây là bài hát cũ, nhiều ca sĩ đã thể hiện, vì khi nghe chị Tố Nga hát, tôi cảm thấy rất rung cảm. Áp lực đối với tôi là phải thể hiện thế nào để khán giả yêu thích và nhớ về lịch sử, nhớ về những người nữ anh hùng. Tôi đã đưa rất nhiều phương án để chị Tố Nga lựa chọn, và chị đã hoàn toàn ủng hộ ý tưởng của tôi. Tôi được chị động viên nhiều để quyết tâm cùng chị làm MV này".
|
Một yếu tố làm nên thành công của MV Cúc ơi, đó là sự tham gia của nghệ sĩ Hoa Trần trong vai nhân vật chính – liệt sĩ Hồ Thị Cúc. Đây là lần đầu tiên tham dự một MV về đề tài chiến tranh, không tránh khỏi những bỡ ngỡ, nhưng Hoa Trần đã khiến khán giả phải rơi nước mắt trong MV “Cúc ơi!”. "Đối với tôi, Liệt sĩ Hồ Thị Cúc đã là hình tượng của một người phụ nữ anh hùng, và tôi rất cảm động khi đọc về chị. Tuy nhiên tôi cũng cảm thấy lo lắng không biết mình có đủ sức để thể hiện nhân vật chị Cúc, không phụ lòng chị Tố Nga đã tin tưởng hay không vì nhân vật của tôi không có nhiều thoại, chỉ có thể thể hiện bằng ngôn ngữ hình thể. Nhưng sau khi trao đổi với đạo diễn Lam Hạ, chị Lam Hạ động viên tôi rất hợp với vai này, và hy vọng các nữ thanh niên xung phong ấy sẽ phù hộ cho tôi hiểu được chị Cúc hơn, để tôi có thể thể hiện ra bằng ánh mắt và cử chỉ" - Hoa Trần chia sẻ.
MV Cúc ơi được quay trong 4 ngày, với 3 tháng chuẩn bị và trước đó là 12 năm ấp ủ. Trong suốt thời gian quay, NSUT Tố Nga đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ, từ những người quen và cả những người chưa từng quen biết. Tố Nga chia sẻ, chưa bao giờ chị thấy mình được sống trong ân tình nhiều đến thế, mình vất vả đến thế nhưng cũng hạnh phúc đến thế...