Nữ nhà văn Canada gốc Việt Kim Thúy: Có một cách yêu tiếng Việt rất riêng

(VOV5) - Những trang viết đầy sức nặng của những tiểu thuyết tiếng Pháp luôn có ánh sáng lấp ló của tiếng Việt Kim Thúy chưa từng bao giờ thôi thương mến.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Có một gương mặt văn chương gốc Việt được nhắc nhở nhiều trong năm qua, là nữ nhà văn Kim Thúy, người Việt sống ở Canada. Từ thời điểm cách đây gần chục năm, khi chúng tôi được trò chuyện cùng Kim Thúy về tác phẩm đầu tay và gây tiếng vang của cô, tác phẩm Ru, cho tới xuân này, Kim Thúy đã sáng tác 3 tiểu thuyết mới cũng như tác phẩm viết chung cùng tác giả khác, và cả sách dạy nấu ăn.

Năm 2018, Kim Thúy khiến làng văn nghệ có một phen xôn xao khi cô có tên trong danh sách 4 nhà văn vào vòng chung khảo của giải Văn chương mới, được lập ra nhằm thay thế giải Nobel Văn chương bị hoãn.

Nữ nhà văn Canada gốc Việt Kim Thúy: Có một cách yêu tiếng Việt rất riêng - ảnh 1Nhà văn Kim Thúy và bìa tiểu thuyết  Man

Từ tiểu thuyết đầu tay Ru, Kim Thúy đã có thêm hai tiểu thuyết là Mãn và Vi, mà trả lời báo chí, Kim Thúy cho biết mỗi tên tiểu thuyết của cô đều có ẩn ý lấp lánh của nghĩa từ tiếng Việt đằng sau nó. Kim Thúy, có một cách yêu tiếng Việt rất riêng, khi vào những tác phẩm văn học của mình cho bạn đọc tiếng Pháp biết, những từ, những âm đồng âm có một hàm nghĩa thực sự Việt Nam. Đây là một ý thức tinh thần nhất quán của Kim Thúy, từ tác phẩm đầu tiên.

Cô chia sẻ:  "Để mà hiểu được thì phải trở về cơ. Những người Việt Nam sống ở nước ngoài cũng thế, đối với Thúy, không hẳn là người Việt Nam nữa rồi, bị pha rồi, nên thành ra khi mình về cảm tưởng mình mới biết: ồ cái tiếng Việt mình sao mà hay quá, sao mà dồi dào quá, đúng không? Những từ ngữ mà trước đấy mình không biết. Ở đâu thì cứ chung chung có mấy chữ đó xài mãi. Rồi khi về rồi mới thấy, cái tiếng Việt mình hay quá nhỉ, sao mà lại phong phú thế! Cái cách nói, lối nói cũng khác!" 

Kim Thúy  sinh năm 1968 tại Sài Gòn. Kim Thúy và gia đình định cư ở Canada từ khi cô 10 tuổi. Tốt nghiệp khoa luật, khoa ngôn ngữ và dịch thuật tại Đại học Montreal, cô từng làm nhiều nghề, từ thợ may, phiên dịch, luật sư, chủ nhà hàng, đầu bếp…trước khi trở thành nhà văn tên tuổi. Cô đoạt giải của Toàn quyền Canada dành cho tác phẩm văn học xuất sắc nhất bằng tiếng Pháp với tác phẩm Ru, kể về quá trình thích nghi với cuộc sống mới ở Canada của một cô bé di dân người Việt. Tác phẩm này đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới. Hành trình nổi tiếng bắt đầu từ đó, khi Kim Thúy được mời đi giao lưu, gặp gỡ tại rất nhiều nơi trên thế giới.

Nhưng với Kim Thúy, những cuộc đi đó, khiến cô vui thích vì một lần nữa, lại được gặp những nền văn hóa mới, được lắng nghe, chia sẻ với những người bạn mới. Bất cứ cuộc phỏng vấn nào của Kim Thúy, chia sẻ về việc viết văn cũng là tiếng cười vui vẻ. Tưởng như cô viết khi rỗi rảnh, tưởng như cô viết như chơi.

Kim Thúy không quan niệm về gánh nặng tinh thần, hay sứ mệnh văn chương: "Mỗi lần mà Thúy thắng giải, bên kia họ có cái trophy (cúp kỷ niệm), thì ở trong nhà Thúy không có giữ cái trophy nào hết. Tất cả đều gởi sang để ở nhà xuất bản đó. Thí dụ cái nào bên Ý thì Thúy gửi sang Ý, cái nào ở đây thì Thúy để ở đây. Còn thí dụ cái giải của ông Toàn quyền gửi cho thì có hình ảnh đủ các kiểu, tất cả những cái đó Thúy để ở bên nhà ba mẹ Thúy, còn bên nhà không có cái chi cả. Tại vì cái quan trọng Thúy ưu tiên nhất là tụi nhỏ, thứ nhì là những cái đó đối với Thúy nó là sự rất là hên thôi, nó tới thôi, chứ Thúy không nghĩ cái đó nhờ hay do khả năng của Thúy. Mà thiệt sự là hên, không hiểu là thế nào, được cái hên này kéo cái hên kia thôi. Còn nữa là, Thúy rất ngại là Thúy có cái trophy đó ở nhà. Thiệt sự là yah, it's not because of me (điều đó không phải do tôi)...Nếu nói sách hay thì có bao nhiêu triệu ngàn cuốn sách hay cơ, nhưng tại sao một cuốn sách được nổi lên hơn những cuốn khác, thì theo Thúy nghĩ là nhờ may mắn. Thúy không nghĩ do cái chất lượng của cuốn sách đâu. Tất cả những cuốn sách mà được in là vì người ta nghĩ là hay người ta mới in ra đúng không? Tất cả những cuốn sách ấy nói chung đều có giá trị của nó hết. Nhưng tại sao có cuốn được nổi hơn thì cái đó ngoài tầm tay, ngoài sự kiểm soát của Thúy. Thúy nghĩ cái đó, you know it's not because of me"...

Những tác phẩm của Kim Thúy, với những đề tài tưởng nặng, vì sao len lách vào lòng người đọc như những dòng suối nhỏ mát lành như thế? Vì cái nhìn luôn lạc quan về cuộc sống của cô, luôn luôn có một tiếng cười nhẹ, có một sự hài hước thật nhẹ trong mọi chuyện của cuộc đời. Cô nhìn cuộc sống qua cái nhìn sâu sắc, thương yêu của một người hiểu lẽ sống ở đời, nhưng vẫn giữ được sự trong trẻo của một tâm hồn trẻ mãi, biết nhìn thấy niềm vui, sự rung động trong từng khoảnh khắc sống, trong cảm giác yêu thích sự sống động, cựa quậy của ngôn từ.

Và bởi thế, khi viết cả sách dạy nấu ăn, về những món ăn mà Kim Thúy đã học được từ mẹ và các cô của mình, cũng nhẹ nhàng như cô đã sống, cuốn Việt Nam huyền bí, Thúy cũng vui như cô viết những trang viết đầy sức nặng của những tiểu thuyết tiếng Pháp luôn có ánh sáng lấp ló của tiếng Việt cô chưa từng bao giờ thôi thương mến.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác