Sân khấu truyền thống hướng tới du khách nước ngoài

(VOV5) - Về lâu dài, Việt Nam cũng cần có sự đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt trong công tác quảng bá để các sản phẩm là vở diễn sân khấu truyền thống đến với đông khản giả nước ngoài hơn nữa.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Chiến lược thu hút khách du lịch bằng những sản phẩm sân khấu truyền thống vốn là hướng đi đã được nhiều đơn vị sân khấu Việt Nam tính đến từ lâu. Nhưng làm thế nào để triển khai và tạo ra sự gắn kết thật sự hiệu quả lại không phải điều đơn giản.

Việc kết nối giữa du lịch và sân khấu mang đến mối quan hệ có lợi cho cả đôi bên. Tuy nhiên, khi vở diễn là sản phẩm cụ thể phục vụ khách du lịch là người nước ngoài thì sản phẩm phục vụ đối tượng ấy cũng phải có sự cân nhắc, lựa chọn từ kịch bản đến hình thức trình diễn sao cho phù hợp.

Sân khấu truyền thống hướng tới du khách nước ngoài - ảnh 1Một cảnh diễn trên sân khấu của Nhà hát múa Rối Việt Nam - Ảnh: nhahatmuaroivietnam.vn

Về cách làm và lựa chọn dàn dựng vở diễn cho các đối tượng khán giả trong đó có khán giả là người nước ngoài, Đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng – Giám đốc Nhà hát múa Rối Việt Nam cho biết: "Có hai đối tượng chính đối với chúng tôi: thứ nhất là sân khấu thiếu nhi, tiếp theo là khách quốc tế để giới thiệu nghệ thuật dân gian, những nét truyền thống. Nhưng có một cái khó khăn là bất đồng ngôn ngữ: giọng điệu làm sao, thổn thức thế nào, cười nói làm sao để cho dù người ta không hiểu được tiếng, mà vẫn hiểu được mình đang diễn về cái gì, đang nói về vấn đề gì. Thậm chí chỉ chọn lọc một số ngôn từ mà rõ ràng là tiếng Việt Nam, nhưng khi cất lên làm sao cho họ cũng phải hiểu mình đang nói về cái gì. Tôi cho rằng điều đấy chúng tôi cũng nạp thêm được trong quá trình làm nghề. Nghệ thuật múa rối có chinh phục được họ hay không, đấy là việc chúng tôi phải làm. Không dám nói chắc nhưng chúng tôi sẽ cố gắng làm để chinh phục họ."

Nhà hát múa Rối Việt Nam là đơn vị có nhiều kinh nghiệm dàn dựng vở diễn phục vụ du khách nước ngoài tại Hà Nội. Từ kinh nghiệm của Nhà hát, để phù hợp với du khách, một số vở diễn khi dàn dựng xong đơn vị vẫn phải điều chỉnh để phù hợp hơn với khán giả nước ngoài, thu hút đối tượng khán giả của mình.

Nghệ sỹ Lan Hương – diễn viên Nhà hát múa Rối Việt Nam tâm sự về những điều chỉnh này ở một số vở diễn gần đây của nhà hát: "Để có được chương trình biểu diễn này, thì khi đối tác sang làm việc với Nhà hát múa rối Việt Nam, chúng tôi đã chuẩn bị chia ra rất nhiều đợt tập. Chúng tôi đã phải có đợt tập khoảng gần 1 tháng để tập lại chương trình cũ, sau đó để phù hợp với thị hiếu, với cách thưởng thức của người Pháp, lại phải đặt lại nhạc. Sau đó, chúng tôi phải mất thời gian tập không nhạc mất khoảng một tháng nữa để tập với nhạc mới."

Sân khấu truyền thống hướng tới du khách nước ngoài - ảnh 2Chương trình phục vụ khách du lịch của Nhà hát tuồng Việt Nam - Ảnh: Báo Kinh tế đô thị
Việc phải bỏ tiền đầu tư dàn dựng vở diễn trước thực trạng kinh tế khó khăn hiện nay đang gặp khó, nhưng khi có sản phẩm rồi mà không biết đẩy mạnh truyền thông, quảng bá tới du khách nước ngoài thì hiệu quả đem lại cho sản phẩm và đơn vị nhà hát chắc chắn sẽ không được như kỳ vọng.
Hiểu được điều này, nhiều năm qua Nhà hát Tuồng Việt Nam – một đơn vị kịch hát truyền thống dân tộc đã đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệc tới đông đổng du khách, đặc biệt là khách nước ngoài để thu hút hơn nữa đối tượng khán giả là người nước ngoài đến với Tuồng.
Về cách triển khai của Nhà hát Tuồng Việt Nam cho công tác này, ông Phạm Ngọc Tuấn – Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam chia sẻ: "Đối với nghệ thuật nói chung, nghệ thuật truyền thống nói riêng, từ sau khi đất nước đổi mới, đặc biệt là hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có hội nhập về văn hóa thì công tác truyền thông quảng bá đã đẩy lên một bước rất cao. Ý thức này, tư duy này đối với các đơn vị nghệ thuật nói chung, trong đó có Nhà hát Tuồng Việt Nam nói riêng cũng đã có sự quan tâm nhất định - như bản thân tôi cũng như tất cả các nhà quản lý nghệ thuật nói chung đều xác định rõ là muốn đưa nghệ thuật đến với công chúng thì đầu tư cho công tác truyền thông quảng bá là việc làm cần thiết, mới mang lại hiệu quả và tạo ra được sự thay đổi trong hoạt động nghệ thuật của mình.
Bản thân nghệ thuật coi như là sản phẩm văn hóa, bởi vì sản phẩm đó là của thị trường. Cơ chế thị trường mà không tạo ra trở thành sản phẩm thì không thể nào có được công chúng đến cũng như người tiêu dùng, người khách đến với sản phẩm đấy. Chính là ý thức điều này chúng tôi muốn tạo ra một cách làm đầu tư cho công tác quảng bá rất cao. Và chúng tôi tập trung rất cao độ, nhân lực và đội ngũ marketing phải hiểu được giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam, trong đó có nghệ thuật tuồng. Có hiểu được văn hóa của Việt Nam, hiếu được tuồng thì mới chuyển tải được những kiến thức, những cái hay cái đẹp của nghệ thuật tuồng đến với du khách trong nước cũng như khán giả quốc tế."
Từ thực tế các chuyến tham quan du lịch kết hợp thưởng thức nghệ thuật ở các nước đã áp dụng thành công mô hình sân khấu du lịch, đại diện các nhà hát đều nhận thấy nghệ thuật truyền thống ở đó đã được đầu tư mạnh để xây dựng thành sản phẩm chủ lực trong trung tâm biểu diễn với nhiều tiện ích giải trí đi kèm.
Vì vậy, theo ông Phạm Ngọc Tuấn, về lâu dài, Việt Nam cũng cần có sự đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt trong công tác quảng bá để các sản phẩm là vở diễn sân khấu truyền thống đến với đông khản giả nước ngoài hơn nữa. Một vở diễn hay, thu hút khán giả đồng thời cũng đem lại nguồn thu hiệu quả về kinh tế để từ đó các đơn vị sân khấu tiếp tục tái đầu tư cho các tác phẩm mới.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác