Sân khấu và những nỗ lực vượt qua khủng hoảng khán giả…

(VOV5) - Năm 2019, đối với những người làm nghề thực sự là năm bản lề của những thay đổi và cần thêm những lực tác động để sân khấu có động lực vượt qua khủng hoảng khán giả...

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Sân khấu và những nỗ lực vượt qua khủng hoảng khán giả…  - ảnh 1 NSND Hồng Vân ra mắt sân khấu kịch Hồng Vân - Chợ Lớn. - Ảnh: vnexpress

Có thể nhận thấy những sự kiện như biến động của sân khấu xã hội hóa đã có tác động lớn tới người làm nghề. Tin sân khấu kịch Hồng Vân phải chia tay điểm diễn từng gắn bó hơn chục năm qua khiến nhiều người lo lắng cho sự phát triển của hình thức sân khấu xã hội hóa.

Tuy nhiên, ngay sau đó, NSND Hồng Vân đã khai trương một sân khấu kịch nói có tên Hồng Vân – Chợ Lớn với mong muốn đây sẽ là điểm diễn quen thuộc cho khán giả, và cũng là nơi giúp các diễn viên trẻ nâng cao nghề nghiệp.

NSND Hồng Vân chia sẻ: “Nếu mà vì thua lỗ mà đóng cửa thì chúng tôi đã đóng cách đây 2 năm rồi, tuy nhiên chúng tôi vẫn còn có thể cầm cự và duy trì được. Thực sự chúng tôi không muốn mất đi một điểm văn hóa của thành phố, chính vì vậy cả thầy trò đều phải cố gắng. Ngay cả những diễn viên trẻ, những viên trưởng thành và bầu show vẫn luôn cố gắng, nỗ lực hết mình để giữ lại điểm diễn”.

Nhà hát công lập dù sao cũng có được địa điểm biểu diễn, được hỗ trợ kinh phí vận hành. Những người nghệ sĩ trong các đơn vị công lập được đảm bảo một mức lương ổn định, và hiện nay, họ được tạo điều kiện để có thể tham gia các show diễn bên ngoài. Các chương trình nhân dịp lễ tết mang tính thời vụ như chương trình cho thiếu nhi nhân tết 1/6, Trung thu… dù vẫn phải tính lỗ lãi, nhưng phần chắc thắng là khá lớn…  

Trong khi đó, các đơn vị ngoài công lập phải thuê mướn địa điểm để tập vở, để biểu diễn nên gặp rất nhiều khó khăn. Đây cũng là lý do khiến nhiều đơn vị sớm lập ra nhưng cũng sớm rã đám. Trước thực trạng đó, điều đầu tiên những người làm nghề luôn mong mỏi là có được chính sách đầu tư thích đáng của Nhà nước.

NSƯT Kim Tử Long bày tỏ: "Tôi hy vọng rằng Nhà nước có được một sự quan tâm và hỗ trợ cho các đơn vị xã hội hóa để làm sao các chương trình sẽ luôn có những tiết mục hay. Tiết mục hay cần được hỗ trợ, còn những tiết mục không hay thì không. Tôi có thể lấy ví dụ có nhiều tác phẩm đạt nhiều huy chương vàng từ các hội diễn, nhưng cuối cùng đến với công chúng thì không ai xem. Chúng ta phải xem lại tiêu chí đó đã đúng chưa”.

Ngoài những yếu tố ngoại cảnh gây khó khăn cho sân khấu, về chủ quan nhiều đơn vị sân khấu ngoài công lập hiện nay lại đang thể hiện đúng tính chất: vui thì chơi, không vui thì bỏ. Hiện nay chỉ cần người bỏ vốn đầu tư cho một đơn vị xã hội hóa sau 1, 2 vở không thành công là bỏ. Do chưa có luật, nên việc thành lập một sân khấu quá dễ dàng, thiếu hẳn những điều kiện pháp lý ràng buộc và lại càng thiếu những diễn viên gắn bó chặt chẽ với một đơn vị.

Tuy nhiên, vẫn có những đơn vị gắng gỏi hoạt động, tìm hướng đi riêng cho mình trong bức tranh chung đó như sân khấu Hoàng Thái Thanh, IDECAF, 5b Võ Văn Tần, Thế giới trẻ... Hà Nội cũng có sân khấu Lucteam, Sân khấu Lệ Ngọc hoạt động khá hiệu quả... Họ luôn có những nỗ lực tìm tòi và sáng tạo để  đem nghệ thuật gần hơn với công chúng.

Sân khấu và những nỗ lực vượt qua khủng hoảng khán giả…  - ảnh 2Vở hài kịch "Cơn ghen của Lọ Lem" của sân khấu Lucteam. Ảnh: Zing News 

Nhận xét về những sân khấu xã hội hóa hoạt động hiệu quả,  NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam chia sẻ: “Những đơn vị xã hội hóa, họ có sự tiếp cận ngôn ngữ mới đối với lớp trẻ. Nội dung vở diễn bắt người ta phải suy nghĩ. Sân khấu theo kiểu phương Tây gây ấn tượng cho người xem, để rồi xem xong cứ theo mãi trong đầu, họ phải tìm câu trả lời. Sân khấu phải hướng tới sự cách tân để phục vụ khán giả, khán giả yêu cầu sân khấu phải đổi mới, sân khấu phải nói được những điều mà khán giả đang yêu cầu”.

Một năm qua đi, sân khấu Việt vẫn phải miệt mài và nỗ lực đi tìm người xem. Những cố gắng đó là động lực, là niềm tin để người làm nghề đổ mồ hôi, chất xám cho cuộc tìm kiếm này. Khán giả không chối bỏ sân khấu nếu vở diễn thực sự hấp dẫn, chạm tới những điều họ đang quan tâm thì ắt sẽ “hữu xạ tự nhiên hương” - người xem sẽ trở lại với nghệ thuật đã có bề dày thời gian này… Các nghệ sĩ tin vào điều đó để phấn đấu cho nền kịch nghệ Việt… 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác