"Sớm (như) mai chiều (như) cúc”

(VOV5)- Câu thơ chữ Hán của danh sĩ Nguyễn Thượng Hiền: “Tảo dục vi mai vãn vi cúc/ Động đương như thủy tĩnh như sơn”. Với một vốn Hán ngữ rất vừa phải, tôi hiểu đại lược: buổi sáng muốn được làm bông hoa mai; buổi chiều muốn được như bông cúc. Khi động thì như nước chảy, khi tĩnh thì như núi.


Buổi mai, từ người bình dân đến bậc chí sĩ như cụ Nguyễn, ai chả muốn trong tâm trí mình có những ý nghĩ sáng trong, an vui với đời với người, ai chả mong tâm hồn mình được gột rửa thanh khiết như trời bình minh không gợn mây, chưa vẩn bụi trần, như tiếng chim vui rơi từ thinh không, như bông mai mang vẻ đẹp đài các,  xa vời...Còn chiều đến, ai chả mong được như bông hoa cúc mang vẻ đẹp trầm tĩnh, thanh thản, tự tôn. Không hiểu sao tôi thường hình dung các bậc danh nho thời xưa, các bậc thức giả, học giả thời xưa vào cung đoạn lịch sử vong quốc cuối thế kỷ 19  đầu thế kỷ 20 đều mang phong thái, phong cách  sống tương tự như thế. Hai cụ Phan - Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh; cụ Nguyễn Thượng Hiền và xa hơn, trước  nữa là các cụ Nguyễn Tư Giản, Nguyễn Giản Thanh vân vân, . . Chỉ cần ngắm dung nhan các cụ qua bức ảnh chân dung hoặc bức họa truyền thần đã thuộc di vật  lịch sử văn hóa, là có thể mường tượng được gương mặt  tinh thần sáng như hoa mai chiều như hoa cúc của tiền nhân. Tôi trộm nghĩ các vị không chỉ mong  muốn được như thế mà điều đáng nói  chính là các vị đã " tu thân tề gia" đến độ "trên cả tuyệt vời"  đạt được phong cách xuất xử cao quý đó. Thảo nào các cụ đều là những bậc chính nhân quân  tử, trong đầu đầy ắp ý tưởng kinh bang tế thế , hoài bão tìm đường cứu nước, đòi thực dân phương Tây "dị văn dị chủng" trả lại dân tộc độc lập, dân sinh tự do, dân quyền, hạnh phúc cho đồng bào mình.

Nói đến hoa mai, chợt nhớ lầm lẫn "kéo dài thế kỷ" của không ít thế hệ độc giả văn chương Việt, tưởng câu thơ "Nhất sinh đê thủ bái mai hoa" là của cụ danh nhân Cao Bá Quát. Đọc bài viết lý thú của học giả xứ Nghệ Thái Doãn Hiểu nhan đề " Của César xin trả lại César" đăng trong tạp chí Sông Hương, có đoạn "Theo Như Thanh nhật ký, năm Mậu Thìn 1868 vua Tự Đức cử đoàn sứ bộ sang triều cống nhà Mãn Thanh. Cầm đầu là chánh sứ Lê Tuấn, phó sứ là Nguyễn Tư Giản đậu Hoàng Giáp...Sau 125 ngày họ đến huyện thành Hán Dương tỉnh Hồ Bắc,ở đó đoàn sứ bộ Việt Nam được viên tri phủ Hán Dương là Ngải Tuấn Mỹ đón tiếp và tặng câu đối. . .Câu đối tặng Nguyễn Tư Giản: " Thập tải luân giao cầu cổ kiếm-Nhất sinh đê thủ bái mai hoa" (Mười năm chọn bạn như tìm thanh kiếm cổ-Một đời chỉ biết cúi đầu lạy hoa mai).. . . ." Sự kiện trên được chép trong Yên Thiều Bút Lực của Nguyễn Tư Giản (1823-1890). Cứ liệu trên đã được các học giả Hoa Bằng và Tảo Trang đưa ra trên tạp chí Văn Học số 2-1972. Nói có sách mách có chứng nhé, đâu phải chuyện râu ông nọ cắm nhầm . . .cằm bà kia hay trích lục tam sao thất bản !. Tôi lý thú với sự cố văn chương này không chỉ vì biết được nguyên gốc xuất xứ của câu thơ nổi tiếng cứ tưởng của cụ Cao Bá Quát mà là vì  có thêm lý do. . .  phụ . Cụ Nguyễn Tư Giản người làng Vân Điềm cách làng tôi không xa, chừng nửa giờ xe máy và nghe nói thầy giáo dạy cấp hai của tôi, họ nội tộc với cụ , ngoài thú vui điền viên và làm thơ, đang  sưu tầm thêm nhiều tư liệu về cụ.

Có một điều thú vị muốn nói thêm là người đời khi đã tôn vinh sủng ái, "quá yêu kính" thần tượng nào  thì thường " tập kết"  những giai thoại đẹp, những tinh hoa người đương thời vào đó. Đúng theo quy luật  "nước chảy chỗ trũng" !. Có lẽ vì thế chăng mà người đời tưởng câu thơ "nhất sinh đê thủ bái mai hoa". . . dứt điểm là  của cụ Cao, chỉ  cụ Cao mới  mang khẩu khí đó, giọng điệu đó vào thơ. Người khí phách cao quý, cao . . .ngạo đến vua nghe nói cũng ngại  cũng  . . . ngán,  chỉ  cúi đầu khuất lụy  hoa mai là phải lắm! Thực ra câu đối "người ta" tặng cụ Nguyễn Tư Giản vào năm 1868 còn cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương-hình như phong kiến thời Nguyễn trị vì gọi là "giặc châu chấu"- mà cụ Cao Bá Quát là một yếu nhân, đã nổ ra trước đó 14 năm , năm Giáp Dần 1854,  đưa cụ Cao lên đoạn đầu đài lịch sử!

Trông các cụ thời xưa lại tự . . .ngẫm đến thời nay. . ."ôn cố tri tân". Các bậc hiền nhân quân tử thời hiện đại, dễ đâu là cuộc " tu thân tề gia " đến độ an tâm sinh thú với niềm kiêu hãnh tự hào, treo hai câu "Tảo dục vi mai vãn vi cúc –Động đương như thủy tĩnh như sơn" trên tường phòng khách hay phòng. . .văn. Nói chi đến tầm mức cao hơn,  quý hơn nữa, được người đời tôn vinh  nhân cách và công tích lịch sử "siêu quần bạt tụy", đúc tượng đồng bia đá trong lòng dân Việt. Riêng cá nhân người viết, xin "kính nhi viễn chi" các cụ ...ngày xưa…!

Phản hồi

Các tin/bài khác