Tác phẩm của "bậc thầy về hình thức" truyện ngắn Mỹ ra mắt bản tiếng Việt

(VOV5)- Raymond Carver được biết đến như một trong những nhà văn vĩ đại nhất của Mỹ thế kỷ hai mươi, tác giả của những truyện ngắn được xem là “mẫu mực của thời đại” và được xem là “bậc thầy về hình thức”. Tập truyện ngắn Em làm ơn im đi được không? của ông là tác phẩm thứ hai của Raymond Carver được Nhã Nam xuất bản trong những năm gần đây, sau tập truyện ngắn Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình.


Tác phẩm gồm 22 truyện ngắn, trong đó có truyện rất ngắn, chỉ ba trang (“Người bố”) nhưng cũng có những truyện rất dài như “Em làm ơn im đi, được không?”, “Không ai nói gì” hay “Thử đặt anh vào địa vị của tôi”. Chủ đề chính của tập truyện ngắn này là các vấn đề về gia đình, mối quan hệ giữa vợ và chồng, bố mẹ và con cái.

Tác phẩm của


Phong cách đặc trưng của Raymond Carver là miêu tả những điều rất đỗi bình dị nhưng luôn khiến người đọc cảm thấy lạ lùng, có khi ớn lạnh, thậm chí là sợ hãi. Với Em làm ơn im đi được không?, phong cách ấy vẫn còn nguyên nhưng có thể thấy văn chương của ông không hẳn thuộc về “trường phái tối giản” lâu nay vẫn được gán ghép cho ông, vốn rất rõ nét trong tập Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình?. Văn Carver sắc lẹm nhưng không thu mình lại quá mức. Và không ít lần, ông đắm mình cùng cỏ cây hoa lá, miêu tả rất hay các cảnh trí thiên nhiên như con suối câu cá hồi trong truyện “Không ai nói gì”.


Có những lúc truyện của Carver chỉ là lời kể của một cô gái về một thực khách đặc biệt to béo (“Béo”), lại có lúc ông viết về một cặp hàng xóm được một cặp hàng xóm khác nhờ trông nhà hộ trong lúc họ đi vắng, từ đó mà nảy sinh những cảm giác rất đặc biệt về cuộc sống và quan hệ vợ chồng (“Hàng xóm”).


Nhân vật của Raymond Carver thường có những cơn bộc phát tình cảm xuất phát từ tác động của ngoại cảnh, những phản ứng đó nhiều khi mãnh liệt đến tàn bạo (“Họ đâu phải chồng em”), những nỗi cô đơn tuyệt cùng, đến mức phải dùng điện thoại tìm kiếm những người không quen để có được một câu chuyện qua lại (“Có phải anh là bác sĩ”).


Carver đặc biệt thích khai thác các tình huống xảy ra giữa hai cặp vợ chồng, có những khía cạnh tình cảm nhỏ nhặt nhưng được ông đi sâu mô tả vào hết sức tinh tế, làm nổi bật những gì bình thường vẫn được che giấu, tạo cảm giác về một điều sợ hãi, một nỗi hoang mang mơ hồ lẩn quất, những điều vô hình nhưng nhiều sức mạnh, có khi gây ra được những bạo liệt bất ngờ, điều này đặc biệt rõ trong truyện “Có gì ở Alaska?”. Cuộc sống với những điều nhỏ nhặt nhàm chán, qua lăng kính của Raymond Carver, bỗng thật sống động, và sự yên bình đơn điệu thường ngày có thể vụt biến thành những hiểm họa kinh khủng (“Những người đi thu tiền”, “Vợ người sinh viên”, “Công tơ mét này có chạy đúng không?”).


Đặc biệt, truyện ngắn mang tên chung của cả tập, “Em làm ơn im đi được không” là một cuộc phẫu thuật tài tình mà Raymond Carver dùng để phân tích cuộc sống gia đình. Ông chỉ cho độc giả thấy rằng bất kỳ gia đình bình thường nào cũng mang trong mình các mầm mống của bất trắc khó lường, cũng có những khoảng tối mà người ta hoàn toàn có thể bỏ qua nhưng chỉ cần nhìn vào đó sâu và kỹ càng hơn một chút là tức khắc xuất hiện những vấn đề không nhỏ, thậm chí nan giải. Câu chuyện là sự kết tinh của tài dựng chuyện cũng như khả năng quan sát và miêu tả tuyệt vời của Raymond Carver, một trong những nhà văn vĩ đại nhất của Mỹ trong thế kỷ vừa qua, tác giả của những truyện ngắn được xem là “kinh điển mẫu mực của thời đại chúng ta” (Philadelphia Inquirer).


Và đúng như nhận xét trên tờ Dallas Morning News: “Ít có nhà văn nào sánh được với phong cách và ngôn ngữ của Raymond Carver. Trong truyện của ông, tôi nghe được giọng những nhà kể chuyện khác mà tôi hằng tin cậy: giọng kể và cách tả lôi cuốn của Chekhov, đối thoại “vòng đồng tâm” kiểu Hemingway, lối nói đặc Mỹ của Sherwood Anderson và Ring Lardner, những khoảnh khắc khải ngộ như trong Người Dublin của James Joyce, và sự soi sáng của Gertrude Stein.”

Raymond Carver (1938-1988) sinh ra ở Clatskanie, bang Oregon, Mỹ. Sau đó, ông chuyển tới sống ở Port Angeles, bang Washington, cho tới khi qua đời. Ông từng giành Học bổng Guggenheim Fellowship vào năm 1979 và hai lần đoạt giải thưởng của Quỹ học bổng quốc gia Hoa Kỳ cho lĩnh vực nghệ thuật. Năm 1983, Carver nhận được giải thưởng uy tín “Mildred and Harold Strauss Living Award” và giải thưởng Levinson do tạp chí Poetry trao tặng vào năm 1985. Năm 1988, Carver được chọn là thành viên chính thức của Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Văn chương Hoa Kỳ, sau đó nhận được bằng Tiến sĩ Văn chương tại Đại học Hartford. Ông nhận giải thưởng Brandeis Citation dành cho văn xuôi vào năm 1988.


Các tác phẩm của ông được dịch ra hơn hai mươi ngôn ngữ khác nhau trên toàn thế giới. Ngoài Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tìnhEm làm ơn im đi được không, tới đây Nhã Nam sẽ ấn hành tác phẩm Thánh đường của Raymond Carver.


Phản hồi

Các tin/bài khác