Tiếng thơ thiếu nhi

Nhấn vào đây để nghe âm thanh:


Một hành trình với thơ thiếu nhi

Tiếng thơ thiếu nhi - ảnh 1 Trước cách mạng tháng Tám văn học dành cho thiếu nhi mới chỉ có những điểm sáng, một số tủ sách dành cho thiếu nhi như tủ sách truyền bá, tủ sách Hoa Xuân, Lá mạ… Có sách đồng dao “Trẻ con hát, trẻ con chơi”, thơ ngụ ngôn của La Fontaine do Nguyễn Văn Vĩnh dịch. Những bài thơ đầu tiên viết cho thiếu nhi lại chính là những tác phẩm của Hồ Chí Minh- nhà thơ lớn của dân tộc. Có thể nói Người là nhà thơ Việt Nam đầu tiên đã luôn quan tâm đến thiếu nhi và dành cho các em những tình cảm tha thiết trìu mến nhất. Năm 1941, sau 30 năm bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước,  vừa đặt chân trở về Tổ quốc, Người viết Kêu gọi thiếu nhi

Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan
Chẳng may vận nước gian nan
Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng
Học hành giáo dục đã không
Nhà nghèo lại phải làm công, cày bừa
Sức còn yếu, tuổi còn thơ
Mà đã khó nhọc cũng như người già
Có khi lìa mẹ lìa cha
Để làm tôi tớ người ta bên ngoài.                

Trong những ngày tháng chiến khu những bài thơ dành cho lứa tuổi nhi đồng của Người cũng luôn mang đến cho các em những tình cảm và sức cổ vũ cao cả. Trước tác của Hồ Chủ tịch phần thơ chữ Hán và chữ quốc ngữ có tới 16 bài thơ viết cho các em, viết về các em. Đó đều là những bài thơ tiên phong làm nền tảng xây dựng dòng văn học thiếu nhi ở Việt Nam. Niềm mong mỏi và kì vọng của Bác được thành hiện thực khi NXB Kim Đồng được thành lập năm 1957. Nhà xuất bản dành cho thiếu nhi Việt Nam được mang tên Kim Đồng - người anh hùng nhỏ tuổi được chính Bác Hồ đặt tên.

Ngay từ những ấn phẩm đầu tiên NXB Kim Đồng đã giới thiệu đến thiếu nhi cả nước những tập thơ đầu tiên. “Em vẽ hình chữ S” (nhiều tác giả), “Chiếc bong bóng hồng” (Nguyễn Xuân Sanh) và “Gà mái hoa” (Võ Quảng) là ba tập thơ đầu tiên được xuất bản ngay trong năm 1957. Có thể nói cùng với việc NXB Kim Đồng được thành lập một dòng văn học thiếu nhi Việt Nam đã được khơi nguồn, dòng chảy đó dần dần được vun đắp mà tạo nên những thành quả bồi dưỡng tâm hồn các thế hệ thiếu nhi Việt Nam. Những tập thơ: “Chú bò tìm bạn”, “Em thích em yêu” của Phạm Hổ, “Nắng sớm”, “Thấy cái hoa nở”, “Anh đom đóm” của Võ Quảng, “Tiếng hát chim non”, “Tên lửa bút chì” của Thy Ngọc, “Mười nàng tiên” của Vũ Ngọc Bình, “Chồng nụ chồng hoa”, “Hươu cao cổ” của Định Hải, “Thơ viết cho con” (Tế Hanh), “Đôi tai mèo” (Trần Thanh Địch)… đến nay đã trên 50 năm mà vẫn được yêu thích.

Nhiều tập thơ đánh dấu thành công và bước đường phát triển tài năng của tác giả và cũng mang lại niềm vinh dự cho nhà xuất bản Kim Đồng. Đó là: “Hai bàn tay em” của Huy Cận, “Ông và cháu” của Tú Mỡ, “Bầu trời trong quả trứng” của Xuân Quỳnh, “Bài ca Trái đất” của Định Hải, “Dòng suối thức” của Quang Huy, “Trăng của bé” của Vũ Quần Phương, “May áo cho mèo” của Phùng Ngọc Hùng...

Không chỉ xuất bản những tập thơ viết cho thiếu nhi, NXB Kim Đồng luôn cổ vũ những sáng tác dành cho các em, trở thành nơi các tác giả được gặp gỡ, chia sẻ. Những trại sáng tác, những cuộc vận động sáng tác, những cuộc thi, những buổi tọa đàm, hội thảo… được NXB Kim Đồng tổ chức với mong muốn động viên sự sáng tạo của các tác giả, dành cho các em những tác phẩm hay và hay hơn nữa.

Bên cạnh những sáng tác cho các em, một phong trào thơ ca viết cho thiếu nhi và thiếu nhi sáng tác đã được NXB Kim Đồng nâng đỡ dìu dắt. Những sáng tác đầu tay của chính các em thiếu nhi được xuất bản, đó là những tuyển thơ thiếu nhi “Tấm lòng chúng em”, “Từ góc sân nhà em”, “Bông hồng đỏ”, “Em kể chuyện này”, “Nối dây cho diều”, “Rộng vòng chim bay”, “Mắt chúng em xanh”, “Cánh én tuổi thơ” đã ghi nhận những cảm xúc trong trẻo, vô tư của chính các em, như những búp non đầu tiên của một mùa văn học tương lai… Và từ đây, “thần đồng thơ ca” Trần Đăng Khoa đã ra mắt tập thơ đầu tay “Góc sân và khoảng trời” và như chính anh thổ lộ “Không có NXB Kim Đồng thì không có Trần Đăng Khoa”.

Suốt những năm tháng chống Mĩ cứu nước, những năm xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, và những năm khó khăn sau thống nhất… tiếng thơ thiếu nhi vẫn vang lên trong trẻo
Ao trường vẫn nở hoa sen
Bờ tre vẫn chú dế mèn vuốt râu
(Trần Đăng Khoa)

Thơ với tuổi thơ

Ngành xuất bản bước vào những năm Đổi Mới, với những chuyển động của cơ chế thị trường, thơ được đánh giá là sản phẩm kén khách khó bán, nhiều nhà xuất bản ngại, thậm chí từ chối in thơ. Giữa lúc tưởng chừng thơ bị quay lưng thì tủ sách Thơ với tuổi thơ của Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt. Đặt quyết định này vào giữa thời khắc khó khăn đó mới thấy sự táo bạo trong  cách nghĩ cách làm cũng như tấm lòng với thơ nói riêng và với thiếu nhi nói chung.


Tiếng thơ thiếu nhi - ảnh 2

Trước hết Thơ với tuổi thơ đã thay đổi cách làm xuất bản về thơ. Những tập thơ được trình bày sang trọng, hiện đại dành cho thơ một không gian bay bổng, suy tưởng. Đó là hình thức mới tìm được do một nội dung mới. Không hạn hẹp khuôn gọn theo quan niệm thơ thiếu nhi trước đây với hai dòng chính thơ viết cho thiếu nhi và thơ do thiếu nhi viết. Hơn 150 tác giả được giới thiệu trong tủ sách Thơ với tuổi thơ khẳng định rằng: Thiếu nhi thích đọc thơ hay. Mỗi một tác giả đều được tuyển chọn những bài thơ tinh túy nhất trong đời thơ của mình để giới thiệu đến với các em. Và còn nữa, tủ sách Thơ với tuổi thơ sâu xa hơn dành cho mọi người đọc, ai cũng có thể tìm thấy ở đó những bài thơ hay nhất của các tác giả để hình dung về những khuôn mặt thi nhân nói riêng và diện mạo thi ca Việt Nam trong mỗi một giai đoạn nói chung.

Bắt gặp ở Thơ với tuổi thơ những đại thi hào: từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du đến các nhà thơ hiện đại, từ những tác giả trong nhà trường đến những tác giả đương đại. Nhà thơ Vũ Quần Phương khẳng định: Tủ sách Thơ với tuổi thơ của NXB Kim Đồng đã làm thay đổi suy nghĩ của phần lớn giới sáng tác về thơ thiếu nhi. Với sự xuất hiện liên tục chính tủ sách Thơ với tuổi thơ đã làm sống dậy không khí thơ ca.

Năm 2009, sân thơ thiếu nhi được mở trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 6, ban văn học thiếu nhi Hội nhà văn Việt Nam đã mở buổi tọa đàm về Thơ với tuổi thơ nhấn mạnh tầm quan trọng của thơ ca với thiếu nhi.

Từ mạch nguồn dân tộc, dòng chảy thơ ca thiếu nhi vẫn thong dong một dòng trong trẻo, vẫn hiện diện hàng ngày trong đời sống tinh thần của mỗi thế hệ thiếu nhi trên đất nước của những cánh cò, những lời ru con tha thiết.

Một mùa thơ mới

Ông Nguyễn Huy Thắng, Phó giám đốc NXB Kim Đồng cho biết: Trong 55 năm hình thành và phát triển của NXB Kim Đồng có thể nói, thơ ca luôn chiếm một vị trí quan trọng. Bởi hơn hết thơ ca góp phần vào việc bồi dưỡng tâm hồn các em hướng các em đến với những điều Chân - Thiện – Mĩ.

Bước vào năm 2012, NXB Kim Đồng giới thiệu mảng thơ thiếu nhi phong phú của mình. Đó là những tập thơ văn cho thiếu nhi mang chủ đề biển đảo: “Ta viết bài thơ gọi biển về” (Huy Cận), “Biển vàng đảo ngọc” (Nhiều tác giả). Đó là những tập thơ thiếu nhi kinh điển: “Góc sân và khoảng trời” (Trần Đăng Khoa), “Bầu trời trong quả trứng” (Xuân Quỳnh) và đặc biệt, theo Trưởng ban Văn học NXB Kim Đồng Nguyễn Thúy Loan: Sau ba mươi năm kể từ thế hệ Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hồng Kiên, Nguyễn Cẩm Thơ,… thơ thiếu nhi mới có được hai tác giả nhí Đặng Chân Nhân với “Giấc mơ” và Ngô Gia Thiên An với “Những ngôi sao lấp lánh”. Với hai tập thơ này, thơ thiếu nhi đã có được hơi thở thời đại, phản ánh những cảm xúc, suy tư của thiếu nhi thế hệ @

Trở ngược lịch sử, cũng bắt đầu từ NXB Kim Đồng mà thiếu nhi Việt Nam biết đến thơ ca quốc tế. “Nàng công chúa Thiên nga”, truyện  thơ dân gian Nga là tác phẩm đầu tiên được in năm 1957 cùng với truyện thơ “Lớn lên em sẽ làm gì?” của Maiacốpxki do Phùng Quán và Doãn Trung dịch. Liên tục sau đó, những tác phẩm thơ thiếu nhi chọn lọc của Liên Xô, Bungari, Đức, Pháp… được lần lượt dịch và giới thiệu đến với các em. Ngôn ngữ có khác nhau nhưng tình cảm của những người làm thơ cho thiếu nhi, tinh thần nhân văn mà thơ ca dành cho các em hướng tới luôn là giá trị vĩnh cửu xuyên thời gian và không gian.

Tiếng thơ thiếu nhi - ảnh 3 Năm 2007, tập thơ “Khúc hát trái tim” của tác giả Mattie J.T Stepanek- một thần đồng thi ca Mĩ, bản dịch của nhà thơ Hữu Việt được trao giải thưởng Hội Nhà văn. Tập thơ nhận được giải thưởng lớn không phải chỉ vì đã xuất sắc trong việc chuyển tải những rung động, đức tin và khao khát sống của một cậu bé mà quan trọng hơn tập thơ là cầu nối giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia xa nửa vòng trái đất, để thế hệ thiếu nhi Mĩ và Việt Nam có cơ hội hiểu nhau hơn.

Năm 2012 này, thiếu nhi Việt Nam sẽ có cơ hội biết đến nhiều tác phẩm thơ ca cho thiếu nhi quốc tế qua tuyển thơ “Thơ gửi cô tiên” do Thái Bá Tân chọn và dịch.

Phản hồi

Các tin/bài khác