Tinh tuyển từ Phong hóa - Ngày nay: Tự Lực văn đoàn với Vấn đề phụ nữ ở nước ta

(VOV5) - Hình thức nữ giới được đặc biệt chú trọng trong các đề xuất cách tân, là điểm đặc biệt thú vị của “nữ quyền kiểu Tự Lực.

"Tự Lực văn đoàn với Vấn đề phụ nữ ở nước ta", tập tuyển chọn các bài viết trên báo Phong hóa và Ngày nay, là một công trình khảo cứu được biên soạn công phu bởi nhóm chuyên gia thuộc Viện Văn học Việt Nam, vừa được NXB Phụ nữ cho ra mắt. Tiếp theo tạp chí văn nghệ này, Ngọc Lan giới thiệu cùng quý vị và các bạn về cuốn sách này cũng như tủ sách đáng quan tâm Phụ nữ tùng thư của NXB Phụ nữ.

Tinh tuyển từ Phong hóa - Ngày nay: Tự Lực văn đoàn với Vấn đề phụ nữ ở nước ta - ảnh 1

"Tự Lực văn đoàn với Vấn đề phụ nữ ở nước ta" là tác phẩm thuộc Tủ sách Phụ nữ tùng thư – Tủ sách Giới và Phát triển của Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, từ khi khởi lập đến nay vốn đã và đang được ghi nhận tích cực từ độc giả và giới chuyên môn.

Nhắc đến mối liên quan giữa Tự Lực văn đoàn với vấn đề nữ quyền, hẳn độc giả khó có thể không nhắc đến bộ tứ tiểu thuyết lừng danh Nửa chừng xuân (Khái Hưng), Đoạn tuyệt (Nhất Linh), Lạnh lùng (Nhất Linh), Thoát ly (Khái Hưng). Cho đến nay, bộ tứ này vẫn “đáng được xem là những tác phẩm tiêu biểu nhất, những tiếng nói mạnh mẽ và quyết liệt nhất, trong cuộc đấu tranh đòi các quyền phụ nữ và nữ quyền ở Việt Nam lúc bấy giờ. Những tác phẩm ấy đã vượt ra ngoài khuôn khổ của trang sách, của các thụ hưởng nghệ thuật, để tác động vào đời sống, động viên và cổ vũ những cô gái mới khẳng định giá trị cá nhân cá thể của mình, biết yêu quý trân trọng tuổi xuân, để “lạnh lùng” mà “đoạn tuyệt” và “thoát ly” chế độ và luân lý cũ, vốn chỉ bóp nghẹt tự do và giam hãm người phụ nữ vào trong không gian và sự chuyên chế của gia đình trưởng giả truyền thống.” (Đoàn Ánh Dương). Nhưng không chỉ có thế, Tự Lực văn đoàn còn góp những tiếng nói thiết thực hơn, với một phong cách hóm hỉnh không thể lẫn, vào phong trào nữ quyền đang dấy lên mạnh mẽ lúc bấy giờ.

Tập hợp và tuyển chọn từ các bài báo đăng trên tờ báo nổi tiếng của nhóm Tự Lực văn đoàn là Phong hóa và sau là Ngày nay, cuốn sách này gồm các bài viết chuyên về vấn đề phụ nữ. Khác với hình dung của nhiều người, hình thức nữ giới được đặc biệt chú trọng trong các đề xuất cách tân, là điểm đặc biệt thú vị của “nữ quyền kiểu Tự Lực”, mà điển hình là chuyên đề lừng danh về Y phục phụ nữ của họa sĩ Le mur Nguyễn Cát Tường, làm dấy lên cả “một cuộc cách mạng” mà lịch sử thời trang Việt Nam ghi nhận như một mốc son hiếm có.

Bên cạnh việc hướng dẫn chải chuốt sửa soạn hình dong sao cho thanh lịch và hợp thời (một cách khó có thể chi tiết hơn), những bài viết bàn về công, ngôn, hạnh xuất hiện đều đặn và khá nhiệt thành trong việc kêu gọi các bà các cô thoát bỏ cái cổ hủ lạc hậu, đón chào tiếp thu cái mới, tân tiến. Điểm hấp dẫn không thể bỏ qua nữa là các bài viết thời sự, tường thuật các hoạt động diễn thuyết “nhời đàn bà”, một hoạt động nổi đình nổi đám thời đó, các sự kiện thời trang, lễ lạt... mà ở đó sức mạnh của phong trào giải phóng nữ giới thể hiện rõ rệt sắc nét hơn cả.

Tinh tuyển từ Phong hóa - Ngày nay: Tự Lực văn đoàn với Vấn đề phụ nữ ở nước ta - ảnh 2

Những diễn tiến lịch sử đó của phong trào phụ nữ đầu thế kỷ được thuật lại trên Phong hóa – Ngày nay với một phong cách riêng, hóm hỉnh và có đôi phần “âu yếm”, kiểu của các bậc tu mi nam tử thú vị ngắm một nửa thế giới nô nức trẩy hội, không khỏi không buông chút trào phúng tinh nghịch của những bậc trí giả trong buổi đầu văn minh đòi bình quyền của giới quần thoa.

Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc NXB cho biết, bà hy vọng với cuốn sách, độc giả có thêm một lựa chọn đích đáng khi tìm lại những giá trị văn hóa lịch sửa, như những cuốn sách đã được nhà xuất bản lựa chọn trong tủ sách Phụ nữ tùng thư.
Đây là tủ sách công bố các công trình về vấn đề phụ nữ, hướng tới các nhận thức và thực hành quyền phụ nữ, cũng như đấu tranh cho nữ quyền, vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam và sự phát triển bền vững của đất nước.Tủ sách gồm những Biên khảo, tư liệu: tập hợp các tư liệu trên báo chí, các công trình, bài viết của các nhà cách mạng, nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu, nhà dịch thuật, nhà hoạt động nữ quyền,... ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến nay, khi vấn đề phụ nữ trở thành một bộ phận quan trọng trong các dự án cải cách xã hội và đấu tranh vì sự bình đẳng giới. Loại Hợp tuyển, tinh tuyển tập hợp sáng tác của các tác gia nữ trong di sản văn chương Việt Nam thời trung đại, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa do phụ nữ Việt Nam sáng tạo. Ngoài ra còn các tập tiểu luận chuyên đề, các chuyên khảo nghiên cứu về các vấn đề phụ nữ ở Việt Nam và thế giới; cũng như những tác phẩm dịch thuật từ các công trình kinh điển của thế giới đấu tranh cho sự nghiệp của phụ nữ, các lý thuyết và thực hành nghiên cứu về các vấn đề phụ nữ, các vấn đề về giới và nữ quyền,...; dịch và giới thiệu các công trình tìm hiểu các vấn đề của phụ nữ Việt Nam ra thế giới
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác