Triển lãm mỹ thuật “Mở cửa”: Mở ra nhiều điều mới mẻ

(VOV5)- Triển lãm "Mở cửa" – một sự kiện mỹ thuật lớn diễn ra từ ngày 21 – 28/9 tại Bảo tàng Mỹ thuật VN (66 Nguyễn Thái Học, TP.Hà Nội). Triển lãm quy tụ 50 gương mặt họa sĩ trong 30 năm thời kỳ đổi mới (1986 - 2016). Triển lãm thực sự mới mẻ ngay từ cách thức chọn tác giả cho đến tác phẩm, cũng như sự tôn vinh đặc biệt dành cho sáng tạo. 


Ở các cuộc triển lãm trước đây, cách làm là lập một Hội đồng Nghệ thuật, giúp tư vấn cho Ban Tổ chức chọn tác phẩm, và chịu trách nhiệm về chất lượng nghệ thuật của tác phẩm, thì với “Mở cửa”, công tác giám tuyển  của triển lãm do 3 cán bộ của đơn vị tổ chức là Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đảm trách. Họ làm việc độc lập, tuyển lựa và đi đến từng nghệ sỹ mời tham gia.                                                         


Công cuộc đổi mới của đất nước được lấy dấu mốc từ năm 1986, đến nay đã được 30 năm. Cùng với sự phát triển của đất nước, mỹ thuật hiện đại Việt Nam đã có nhiều biến đổi, phát triển, hòa nhập với quốc tế và các nước trong khu vực. Một thế hệ tác giả thời kỳ đổi mới đã hình thành và tạo nên diện mạo của mỹ thuật đương đại Việt Nam đa dạng và có dấu ấn cá nhân của tác giả. 30 năm quả là thời kỳ rất đặc biệt trong dòng chảy của mỹ thuật Việt Nam hiện đại (từ 1925 đến nay). Tuy nhiên, cũng ngần ấy năm, ngoài các triển lãm định kỳ như: Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc, Triển lãm Điêu khắc Toàn quốc, Festival Mỹ thuật Trẻ… thì đây là lần đầu tiên có một “Mở cửa” để nhìn nhận, đánh giá sự phát triển và đổi mới của mỹ thuật Việt Nam trong 30 năm và giúp công chúng có một cái nhìn khái quát về đời sống mỹ thuật Việt Nam thời kỳ đổi mới của đất nước. Còn theo họa sỹ Lê Thiết Cương, đó là: “Ở đây chính vì cái tên Mở cửa nên cũng rất mở về quan niệm tuyển chọn. Hội đồng giám tuyển chỉ tuyển chọn tác giả theo đúng tiêu chí chúng tôi đề ra tức là những tác giả nào để lại dấu ấn trong mỹ thuật VN 30 năm qua. Còn tác phẩm do chính tác giả tự chọn. Đấy là cách làm rất mới, rất mở cửa.”

Triển lãm mỹ thuật  “Mở cửa”: Mở ra nhiều điều mới mẻ - ảnh 1
Tác phẩm "Hà Nội 1972"- Sơn dầu- Tác giả:Nguyễn Trung Tín



Họa sỹ Phạm An Hải, người sáng tác khá nhiều tranh trừu tượng về đề tài Hà Nội nhìn nhận một cách cụ thể hơn tác động của công cuộc đổi mới tới đời sống của các họa sỹ: “Đổi mới quá tốt cho sự sống của các họa sỹ, họa sỹ có cơ hội bán tranh. Mình cũng được thừa hưởng và đương nhiên nó tác động đến mình rất nhiều. Mình cũng hào hứng phấn khởi hơn trong cái việc sáng tác. Chính cái sự tự do đã cho phép mình gửi đến những thông điệp một cách mạnh dạn hơn. Đó là tác dụng rất tích cực của đổi mới”.


Vậy các họa sỹ đã “hào hứng phấn khởi” sáng tác như thế nào? Không còn những tác phẩm một màu thời bao cấp, 50 tác phẩm của “Mở cửa” là 50 phong cách sáng tạo, thể hiện tư duy đổi mới, được thể hiện đa dạng về hình thức và chất liệu cũng như các khuynh hướng khác nhau như siêu thực, hiện thực, trừu tượng, ấn tượng…phản ánh đa chiều đời sống xã hội Việt Nam đương đại. Đơn cử như họa sỹ Phạm Luận: Sự đổi mới của thời cuộc đã tác động đến sự đổi mới trong bút pháp của họa sỹ, mặc dù ông luôn chung thủy với một đề tài, đó là Hà Nội - nơi ông sinh ra và lớn lên:  “Hà Nội nắng là Hà Nội đổi mới. Tôi vẽ Hà Nội từ năm 1981, và từ đó đến nay vẫn tiếp tục, nhưng rõ ràng là có sự đổi mới trong đó. Qua năm tháng mình có thời gian, có tìm tòi thì rõ ràng từ bút pháp, cách thể hiện, cách đặt vấn đề ở trong tranh nó cũng khác. Trước đây mình vẽ nệ thực nhiều còn hiện nay đã có sự chắt lọc: nó cô đúc lại những cái gì mình cần, những cái gì mình muốn nhấn nhá ở trong tranh”

Triển lãm mỹ thuật  “Mở cửa”: Mở ra nhiều điều mới mẻ - ảnh 2
Một góc triển lãm - Ảnh: Thu Ninh/ Báo Tin tức



Cho rằng những gương mặt được chọn ở Triển lãm lần này đều xứng đáng, và không thể nói là ai hơn ai, tác phẩm nào xuất sắc hơn tác phẩm nào. Song, họa sỹ Lê Thiết Cương không tránh khỏi những băn khoăn: “Tôi thấy có một điều đáng tiếc là bị khuyết đi một số tác giả. Giá như có họ thì bức chân dung 30 năm mỹ thuật Việt Nam đổi mới sẽ đầy đủ hơn. Ví dụ ở TP.HCM vắng anh Nguyễn Thanh Bình. Ở phía Bắc là anh Đào Hải Phong, Bùi Hữu Hùng, Thanh Sơn. Còn Vũng Tàu là anh Văn Ngọc…”


Dẫu vậy có mặt tại buổi khai mạc Triển lãm, chúng tôi nhận thấy lượng khán giả đến tham quan đông đến bất ngờ. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã không còn chỗ gửi xe và con phố Nguyễn Thái Học vào giờ tan tầm vốn đã đông đúc
, lại càng trở nên chật chội với lượng người đổ về tham quan. Những người đến với triển lãm “Mở cửa” bên cạnh bạn bè, gia đình, đồng nghiệp của các họa sỹ còn có các nhà báo, nhà sưu tập nước ngoài và công chúng yêu nghệ thuật. Sự đông đúc tại triển lãm này quả là điều hiếm thấy trong tình hình chung của các cuộc triển lãm khác. Điều đó chứng tỏ, triển lãm “Mở cửa” có sức hấp dẫn riêng với người xem không chỉ bởi đây là cuộc hội ngộ của nhiều tên tuổi trong giới mỹ thuật nước ta.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác