Triển lãm tranh lụa và điêu khắc nhỏ

(VOV5) - Triển lãm vừa khai mạc tại Hà Nội, với mong muốn chuyển tải thông điệp đến người xem những sáng tạo tinh tế, những ý tưởng vượt ra ngoài khuôn khổ và chất liệu. 

Triển lãm do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) phối hợp tổ chức.

Triển lãm tranh lụa và điêu khắc nhỏ - ảnh 1 Quang cảnh triển lãm

Triển lãm trưng bày hơn 200 tác phẩm tranh lụa và điêu khắc nhỏ của 45 nghệ sĩ tiêu biểu, thuộc thế hệ sinh từ năm 1970 trở về sau, có những đóng góp tích cực, thành công trên lĩnh vực sáng tác tranh lụa và điêu khắc được đồng nghiệp và công chúng ghi nhận. Họ là những nhân tố quan trọng trong việc truyền cảm hứng sáng tạo và khát vọng đổi mới đến các thế hệ nghệ sỹ tạo hình đương thời. Số tác giả rất trẻ, được cho là phát hiện mới đầy tiềm năng, hứa hẹn những đột phá trong tương lai.

Phát biểu tại Lễ khai mạc triển lãm, họa sĩ Vi Kiến Thành-Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Trưởng ban tổ chức triển lãm cho biết, giữa đời sống nghệ thuật đa chiều, đa diện thời kỳ hậu đổi mới, thông qua triển lãm, ban tổ chức mong muốn chuyển tải thông điệp đến người xem những sáng tạo tinh tế, những ý tưởng vượt ra ngoài khuôn khổ và chất liệu: “Hai thể loại mà trong những năm qua dường như không được chú ý lắm. Qua đây mới thấy đây là lĩnh vực rất tiềm năng, rất nhiều tác giả có khả năng. Tôi hài lòng về chất lượng triển lãm này. Qua TL tôi cũng hy vọng về một thế hệ họa sĩ vẽ lụa cũng như các nhà điêu khắc thế hệ sinh năm 70 trở lại đây. Có những vấn đề tưởng là nhỏ, nhưng vẫn có thể làm nên tác giả lớn, vẫn có thể chuyển tải những thông điệp lớn vượt ra ngoài khuôn khổ cũng như là chất liệu…”

Họa sĩ Vũ Đình Tuấn - thành viên Hội đồng giám tuyển triển lãm chia sẻ, đã có một thời gian khá dài, tranh lụa Việt Nam không có bước tiến nào đáng kể. Sự thăng trầm của lụa là câu chuyện rất bình thường của lịch sử nghệ thuật nhưng nếu để mất hẳn nghệ thuật tranh lụa Việt Nam là điều bất thường. Gần đây, một thế hệ họa sĩ có trong mình khát vọng khai mở những khả năng tận cùng của chất liệu, kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại, mang lại sức sống mới cho tranh lụa.

Tranh lụa nước ta đã thực sự có năng lượng để chuyển mình và khởi sắc: “ Đây là những tác phẩm tốt, những sáng tác có chất lượng cao về học thuật, về ngôn ngữ tranh lụa. Vì là những tác giả sinh năm 1970 trở về sau, là những tác giả của giai đoạn nghệ thuật hiện nay, chính vì thế tính đương đại xuất hiện nhiều trong các tác phẩm. Tính đương đại thể hiện ở việc các tác giả đã tạo được thế giới riêng của mình, nó là một thế giới mà nhìn vào đó, cảm nhận được ở trong đó cá tính, con người, thấy đời sống, thấy được ẩn ức của nghệ sĩ. Tính dương đại còn thể hiện ở việc học thuật, kỹ thuật khi họ đã phối hợp rất tốt giữa ngôn ngữ truyền thống và kỹ thuật vẽ lụa cá nhân riêng của họ. Điều này sẽ làm cho tranh lụa hiện nay có tính đương đại. Các tác giả đã tìm ra những hình thức trưng bày rất phong phú, có thể trong một hình thức sắp đặt lụa hoặc trong hình thức chồng đè lớp lụa lên để tạo thành các tầng lớp của các độ chậm sâu, các cung bậc đậm nhạt” - Họa sĩ Vũ Đình Tuấn cũng khẳng định "Qua chất lượng chuyên môn của triển lãm lần này, chắc chắn nghệ thuật tranh lụa Việt Nam sẽ có nhiều năng lượng để phát triển, bứt phá mạnh mẽ trong nhiều năm tới", và “Tranh lụa Việt Nam đang khởi sắc”.

Ngoài 109 tác phẩm tranh lụa của 23 họa sĩ, Triển lãm còn giới thiệu 93 tác phẩm điêu khắc kích thước nhỏ của 21 nghệ sĩ, với chất liệu đa dạng như kim loại, đá, gỗ, composite… phản ánh phần nào diện mạo của điêu khắc Việt Nam ngày nay với sự “dịch chuyển” trong sáng tác của các nghệ sĩ. Là người trực tiếp lựa chọn các tác phẩm, tác giả điêu khắc tiêu biểu để triển lãm, nhà điêu khắc Khổng Đỗ Tuyền chia sẻ, điêu khắc Việt Nam khoảng 10 năm trở lại đây đã và đang có những đổi khác rõ rệt. Các tác giả có sự tiếp cận, cởi mở, giao lưu tư tưởng với thế giới thông qua tác phẩm thì nghệ thuật trở nên thoáng rộng hơn.

Không quá phụ thuộc vào hình tượng con người, sáng tác của họ không những thể hiện cái “tôi” mạnh mẽ, mà còn mang hơi thở của đời sống xã hội thực tại: “Nói đến điêu khắc thì có rất nhiều thể loại, chẳng hạn điêu khắc gắn với kiến trúc, điêu khắc cảnh quan, điêu khắc hoành tráng rồi điêu khắc ngoài trời, điêu khắc trong nhà. Lần này muốn đi sâu vào điêu khắc kích thước nhỏ cơ động trong bày đặt, có thể đưa vào không gian trong nhà, phòng khách, phòng đọc sách…”

Không đơn thuần là hình khối, không gian, điêu khắc ngày nay còn là sự ngẫu hứng của cảm xúc. Thân cây - chiếc lá - cụm mây - dòng nước - tảng đá - cơn mưa…ngay cả tiếng gió cũng là đối tượng cảm xúc của các nghệ sĩ. Họ dùng tất cả các giác quan nghe - nhìn - sờ mó - tưởng tượng để cảm thụ và nâng thực tại trở nên tác phẩm. Những rung động nghệ thuật được thể hiện với cái “Tôi” rất riêng trở thành “Chất” không thể trộn lẫn của mỗi nghệ sỹ.

Nhà điêu khắc Trần Văn An tham dự triển lãm với 5 tác phẩm điêu khắc chất liệu sắt hàn chủ đề “Mùa hoa”, không tả một loài hoa nào cụ thể mà ngưng đọng nó lại bằng những hình khối, những búp mầm, những nụ hoa với những màu sắc khác nhau. Anh chia sẻ: “Xuất phát từ cảm xúc giữa người với thiên nhiên. Tôi luôn quan sát sự vận động, sự chuyển nở của các loài thực vật từ đó tôi thấy mình có cảm xúc từ những khối búp ấy để làm đề tài, làm ý tưởng cho tác phẩm của mình. Là một tác giả trong triển lãm này tôi cảm thấy rất vui và thú vị bởi những triển lãm, những sân chơi mỹ thuật do nhà nước tổ chức là một sự thúc đẩy mới, một cơ hội cho các nhà điêu khắc, họa sĩ thể hiện tài năng của mình ở trong lứa tuổi đang còn trẻ, đang sung sức như thế này”

Trong không gian của một Trung tâm nghệ thuật tầm cỡ, triển lãm thu hút lượng lớn khán giả tới tham quan, thưởng lãm. Họ tới để cảm nhận qua con mắt, những cảm xúc chuyển động trong tâm tư, mỗi tác phẩm là tiếng lòng của người nghệ sĩ trước những gì họ đang sống và trải nghiệm.

Đó là sự sẻ chia nỗi buồn, niềm vui…những nỗi niềm đồng cảm với cộng đồng như nhận xét sau đây của nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo: “Chủ yếu là các họa sĩ, các nhà điêu khắc ở lứa tuổi khoảng 40-50, đấy là lứa tuổi mà các anh ấy đã từng trải và trưởng thành, vì thế cho nên tôi thấy tác phẩm rất chín chắn, chững chạc. Không phải chỉ có hình thức mà còn thể hiện những ý tưởng, quan niệm, những điều họa sĩ quan tâm. Tôi cho rằng, họa sĩ chủ động hoàn toàn với tác phẩm và tác phẩm được đưa ra công chúng một cách đàng hoàng, chính đáng. Vì thế, tôi thấy triển lãm này ở ngang hàng cấp độ quốc tế và ở một cấp độ chúng ta thưởng thức nó toàn diện chứ không phải chỉ thưởng thức theo một ý này, một lối vẽ kia hay là một nghệ sĩ cụ thể mà ta được thưởng thức tổng thế, toàn diện của một triển lãm lớn như thế này”

Triển lãm được trưng bày đến hết ngày 17-11 tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA), tầng B1-R3 Trung tâm Thương mại Vincom Mega Mall Royal City, 72 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác