Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đổi mới để hội nhập

(VOV5)- Lịch sử mỹ thuật Việt Nam hiện đại gắn liền với sự hình thành và quá trình đào tạo của trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. 90 năm qua, phần lớn đội ngũ họa sĩ, nhà điêu khắc của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại đều được đào tạo từ ngôi trường này. Tự hào kế thừa bề dày truyền thống vẻ vang đó, ngày nay thầy và trò trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam tiếp tục nỗ lực đổi mới trong nghiên cứu giảng dạy, đào tạo cho xã hội nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà phê bình mỹ thuật có chất lượng.

Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đổi mới để hội nhập - ảnh 1
Giờ nghiên cứu hình họa ngoài trời của sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Khắc Tiến/Tạp chí Mỹ thuật Nhiếp ảnh

Năm 1925 theo quyết định của Thống đốc Toàn quyền Đông Dương, trường Mỹ Thuật Đông Dương, tiền thân của trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam được thành lập. Đây là ngôi trường đào tạo mỹ thuật chính quy sớm nhất ở Việt Nam và khu vực. Họa sỹ Victor Tardieu, người có ý tưởng “Đào tạo nghệ sỹ thuần túy Việt Nam”, trở thành vị hiệu trưởng đầu tiên. Họa sĩ Nam Sơn, một trong những người thầy xuất sắc của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại, lúc đó là một cộng sự đắc lực của Victor Tardieu, đóng góp nhiều tâm huyết và công sức cho sự hình thành của nhà trường những buổi đầu. Bức tranh " Chợ Gạo bên sông Hồng"  của ông tham gia Triển lãm Hội hoạ Paris năm 1930 là tác phẩm mang tên họa sỹ Việt Nam đầu tiên đến nay được Nhà nước Pháp mua và trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia Pháp.

Kể từ đó, hàng vạn lượt sinh viên học tập tại ngôi trường này và đã thành danh, đóng góp nhiều cho nền mỹ thuật Việt Nam với những tên tuổi lớn như: Lê Phổ, Lưu Văn Đệ, Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đức Nùng, Hoàng Tích Trù và nhiều người khác. Ngày nay, Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam là ngôi trường trọng điểm trong việc đào tạo nguồn nhân lực ngành mỹ thuật ở bậc đại học và sau đạị học cho Việt Nam, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển nền mỹ thuật Việt Nam, giới thiệu và quảng bá mỹ thuật Việt Nam với bạn bè quốc tế. Năm 2015, Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam nhận Huy chương Hồ Chí Minh. Phó giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Lê Văn Sửu, Hiệu trưởng trường Đại Học Mỹ Thuật Việt Nam, cho biết: Đây là phần thưởng xứng đáng cho nhiều thế hệ, tích lũy 90 năm nay. Con số 90 không phải tập thể nào cũng có, nhất là với một trường đại học mà có tuổi đời 90 năm là có thâm niên lớn. Cái quan trọng không phải lâu đời mà cái quan trọng là sự đóng góp của nó cho xã hội thì điều đó mới đáng ghi nhận.

Trong từng thời kỳ lịch sử, từng giai đoạn nhất định, trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam chủ động thay đổi nội dung đào tạo phù hợp với nhu cầu của xã hội. Hòa nhập với công cuộc đổi mới của đất nước, nhà trường luôn cập nhật thay đổi, nâng cao chất lượng đào tạo để thích ứng với thực tế xã hội. Nhà giáo ưu tú Lê Văn Sửu cho biết: Với nhà trường thì phải giữ được bản sắc, cốt cách và điều làm nên thương hiệu của nhà trường. tuy nhiên không thể đóng khung mãi mà phải có sự cập nhật, tiếp nhận, hợp tác, giao lưu quốc tế để đón nhận, tiếp thu và có điều chỉnh phù hợp với những điều kiện mới nhưng vẫn giữ được bản sắc của riêng mình. Cho nên vấn đề cập nhật là vấn đề quan trọng số một cho một ngôi trường mà muốn tồn tại và phát huy.

Theo tiến sĩ Ngô Tuấn Phong, Phó chủ nhiệm phụ trách khoa sau đại học, trong chủ trương đào tạo, nhà trường luôn tiếp nhận một cách có chọn lọc các chương trình đạo tạo của Việt Nam và nước ngoài. Những năm gần đây nhà trường tích cực trao đổi, giao lưu với các trường của Nhật Bản, CHLB Đức, Thụy Điển, Mỹ. Tiến sĩ Ngô Tuấn Phong cho biết: Về mặt kiến thức, sinh viên được trang bị những kiến thức mang tầm quốc tế và được cập nhật những thông tin mới nhất, giá trị nhất mà các sinh viên quốc tế có thể được tiếp nhận thì có thể nói sinh viên trường Đại học Mỹ thuật việt nam cũng được tiếp nhận. Các em khi tốt nghiệp, hoàn toàn có được bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng và tương đối toàn diện để có thể đáp ứng được các công việc mà xã hội đòi hỏi.

Chị Nguyễn Thị Kim Nga học tập tại trường từ 2010, hiện đang làm nghiên cứu sinh ngành Hội họa, tâm sự chỉ khi bước chân vào Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam, qua những bài học, những cuộc triển lãm, những buổi giao lưu với các nghệ sĩ trẻ, lớn tuổi hay nghệ sĩ nước ngoài mới cảm nhận được rõ giá trị và thương hiệu của ngôi trường này: “Khi nói rằng tôi đến từ ngôi trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam mọi người đều rất ngưỡng mộ. Tự hào ở đây không chỉ là bề dày mà tự hào ở đây chính là cái cốt lõi lõi, cái giá trị thật của ngôi trường mang lại cho chúng tôi. Đó là ngôi trường mà sản sinh ra rất nhiều danh họa của Việt Nam mà không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà cả thế giới và các bạn sinh viên ở đó là những bạn làm việc thực sự, sống vì nghề và sống với nghề.”

90 năm đi qua với biết bao lớp sinh viên đã học tập tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, mang tri thức và tình yêu mỹ thuật phục vụ đời sống xã hội. Những tên tuổi họa sỹ, nhà điêu khắc được xã hội ghi danh cùng những tác phẩm của họ được trân trọng gìn giữ ở các Bảo tàng trong nước và quốc tế. Đó là nền móng tinh thần vững chắc cho trường Đại học Mỹ thuật hôm nay vững bước hội nhập với mỹ thuật khu vực và thế giới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác