Tác giả “Tết ở làng địa ngục” ra mắt “25 độ âm": con đường tàn khốc của những nạn nhân buôn người

(VOV5) - Câu chuyện trong tiểu thuyết 25 độ âm của Thảo Trang gợi nhớ tới thảm kịch 39 người Việt chết trong container đông lạnh ở Anh năm 2019. 

Thảo Trang đang là một tác giả đang nổi trong số các tác giả trẻ của văn học Việt hiện nay, với những tác phẩm được chuyển thể thành phim điện ảnh ăn khách. Tiểu thuyết Tết ở làng Địa Ngục của cô đã tiêu thụ hàng chục nghìn bản sau khi chuyển thể thành bộ phim được khán giả yêu thích. Ngoài ra bộ phim điện ảnh Kẻ ăn hồn (đạo diễn Trần Hữu Tấn) chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Thảo Trang là bộ phim kinh dị Việt có doanh thu phòng vé cao nhất tính đến hết năm 2023.

Những ngày cuối tháng 7 này, tiểu thuyết 25 độ âm của Thảo Trang do NXB Phụ nữ ấn hành đã chính thức ra mắt bạn đọc.
Tác giả “Tết ở làng địa ngục” ra mắt “25 độ âm
Câu chuyện trong tiểu thuyết 25 độ âm của Thảo Trang gợi nhớ tới thảm kịch 39 người Việt chết trong container đông lạnh ở Anh năm 2019. Sách kể hành trình sinh tử trên con đường vượt biên trái phép từ Nga tới Anh của Lê Nguyễn Phương Lam - một thiếu nữ mồ côi sống cùng cha mẹ nuôi và bà ngoại nuôi tại một ngôi làng chuyên nghề làm muối. 25 độ âm trước khi ra mắt sách đã được bạn đọc đón nhận khá nhiều trên không gian mạng. Thảo Trang dự định cho ra mắt tập hai của 25 độ âm vào năm tới.

Nhân dịp tiểu thuyết ra mắt, cũng như ngày đặc biệt 30/7 – Ngày quốc tế phòng chống mua, bán người, tác giả Thảo Trang có cuộc trò chuyện với VOV5 về 25 độ âm, những phận đời di dân trong tiểu thuyết.

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
 
Tác giả “Tết ở làng địa ngục” ra mắt “25 độ âmNhà văn Thảo Trang

PV: Xin chào Thảo Trang! Được biết là Thảo Trang đã có một thời gian chuẩn bị tư liệu rất dài, rất công phu cho tiểu thuyết 25 độ âm. Nhưng lý do gì khiến Thảo Trang đến với đề tài di dân này?

Thảo Trang: Vào những năm đầu đại học, tôi có được một may mắn rất lớn, đó là trong ngành xã hội học chúng tôi được học với rất nhiều giáo sư đầu ngành. Trong quá trình học, ngoài những kiến thức chuyên môn, chúng tôi có những mở rộng vấn đề. Ví dụ như, sẽ tìm hiểu thấy hành trình di dân thì có những hành trình hợp pháp và cũng có những hành trình bất hợp pháp. Có những cuộc hành trình mang đến cho chúng ta rất nhiều những ý nghĩa lớn lao về mặt giá trị trong đời sống, như chuyến thám hiểm của nhà thám hiểm Colombus tìm ra Châu Mỹ chẳng hạn. Trong xã hội Việt Nam có xuất hiện những cuộc di dân không mang tính hợp pháp. Và trong quá trình học hỏi sinh viên chúng tôi đã bàn bạc rất nhiều.

Vào một ngày cuối thu của năm 2019, lúc đấy chúng ta vô cùng bàng hoàng và bi thương khi biết thông tin 39 người chết ở trong thùng xe container (tại Anh). Thật đau lòng, sau đó chúng ta phát hiện ra hoàn toàn là người Việt. Điều ấy đã làm cho tôi cảm giác như được sống lại thời đại học, khi mà mình luôn luôn đặt ra câu hỏi, là hành trình đấy sẽ như thế nào, sẽ khó khăn, gian khổ đến mức độ nào? Cuối cùng tôi đã chọn cách viết ra câu chuyện đó, để tất cả những ai đã từng nghe thấy từ “vượt biên”, đã có ý định vượt biên, có thể nhìn thấy được một bức tranh mà chắc chắn các bạn sẽ phải đối mặt nếu như bước vào con đường này. Đó là lý do lớn nhất thôi thúc tôi viết. 

Vậy quá trình chuẩn bị tư liệu tác phẩm như thế nào?

Thảo Trang: Quá trình phải kéo dài rất nhiều năm, mất 4 năm đại học cũng như hàng loạt những cuộc phỏng vấn. Thế hệ sinh viên của chúng tôi ngày ấy, ở lớp đó, đã phỏng vấn rất nhiều các bác, các cô, các chú đã từng vượt biên, thậm chí là bây giờ có những người vẫn sống ở nước ngoài, có những người đã trở về Việt Nam rồi. Nếu tôi nhớ không nhầm, số lượng người phỏng vấn phải lên đến 200 người. Chia ra làm các tổ phỏng vấn riêng, phỏng vấn chuyên sâu sẽ rơi vào khoảng vài chục người. Và khi phỏng vấn sâu, người ta sẽ trả lời cho mình những câu hỏi như kiểu từng cái mốc ở trên cung đường đấy sẽ như thế nào. Tất cả những tư liệu đấy đều là những người đã từng trải qua kể lại. Và tôi đã lấy ra những mẫu số chung trên những con đường đó để mang đến tiểu thuyết. Tất nhiên câu chuyện sẽ có sự hư cấu, sẽ không đúng đến 100 % so với thực tế. nhưng từ con sông, từ các mốc, từ những mối nguy hại tiềm tàng thì cố gắng xác thực nhất đến mức có thể với thực tế.

Có thể thấy kết cấu là một điểm mạnh của tiểu thuyết 25 độ âm, có sự lôi cuốn, lớp lang giống một kịch bản phim hấp dẫn. Thảo Trang đã chọn cách kể chuyện như thế nào?

Thảo Trang: Tiểu thuyết 25 độ âm được viết dưới dạng theo hành trình các mốc của nhân vật cô gái tên Lê Nguyễn Phương Lam, từ mốc A đến mốc B, từ mốc B đến mốc C. Với mỗi một mốc như thế, nhân vật sẽ giống như một người chơi trong một trò chơi sinh tồn. Họ sẽ đi đến từng mốc và họ nhận ra ở từng mốc đấy sẽ có được một mảnh ghép để họ càng khám phá thêm vào trò chơi sinh tồn vượt biên đó, thì càng nhận ra mình không được một cái gì hết. Không được bất cứ một thứ gì ngoài đói rét, ngoài đau khổ, ngoài những những cuộc truy quét trong đêm. Không có gì khác ngoài sự đói khát.

Và lúc này thì là lúc như thế nào? Là lúc tình người giữa người vượt biên có với nhau. Trước đó họ không biết nhau, họ xa lạ, thậm chí mục đích xuất phát cũng khác nhau. Nhưng giữa nghịch cảnh đó, bản thân tôi vẫn muốn là dù thế nào đi chăng nữa, vẫn có tình người, đặc biệt là tình người Việt Nam, giữa những đồng bào chúng ta, dùng hai từ “đồng bào” để khắc họa tình cảm và ý chí sinh tồn của con người Việt Nam trong nghịch cảnh. 

Tôi cảm thấy khi viết câu chuyện này, sẽ không thể nào viết theo lối phi tuyến tính hay viết theo dạng thông thường được. Tôi muốn mỗi một chặng đường, độc giả hiện tại (và khán giả sau này) sẽ nhìn thấy được chúng ta đi cùng với nhau trên hành trình đó. Và đến khi các bạn nhận ra chúng ta đã cùng đi với nhau đi một hành trình rồi, đó là lúc con đường vượt biên tàn khốc nhất đã thực sự mở ra. Và đấy là điều tôi muốn truyền tải tới độc giả.

Tác giả “Tết ở làng địa ngục” ra mắt “25 độ âmĐể viết "25 độ âm" thật thực tế, nhà văn Thảo Trang đã tự thực nghiệm nhiều cảnh huống, nhiều chi tiết nhỏ nhất trong hành trình của nạn nhân buôn người.

Như Thảo Trang từng nói, tiểu thuyết này là một câu chuyện xã hội và câu chuyện xã hội này cho tất cả mọi người. Trang viết văn chương hiện đại, giọng điệu kể của những người trẻ hôm nay.  Trang có một bí kíp nào cho mình không?

Thảo Trang: Tôi thường đặt mình vào hoàn cảnh của nhân vật. Đối với bất cứ một nhà văn nào cũng thế, rất cần những chuyến đi và rất cần những việc mà mình phải sống, phải thực sự cảm nhận được hoàn cảnh lúc đó bằng cách này hay cách khác. Thực tế sẽ dạy cho chúng ta cách viết như thế nào. Hãy viết một cách đơn giản nhất, thuần túy nhất và bám sát với thực tế. Đó là lý do mà tôi cảm thấy mình đã cố gắng làm được và hy vọng độc giả, khán giả sau này sẽ cảm nhận được điều đó.

Đọc xong tác phẩm, người đọc sẽ thấy một cảm giác rất xót xa. Nhưng câu chuyện của Thảo Trang không dành cho cho câu hỏi Tại sao, mà là Như thế nào. Nó không hẳn là bài học đạo đức, mà là sự cảm nhận về những góc khuất, những nỗi đau của con người.

Thảo Trang:  Thực tế hiện tại có nhiều bộ phim, có nhiều sản phẩm đã từng viết về đề tài vượt biên và đặc biệt là lấy thảm nạn 39 người trong xe container. Tuy nhiên những tác phẩm đó thường trả lời một câu hỏi: Tại sao lại phải đi vượt biên? Nhưng đối với tôi, tôi nghĩ rằng là không. Bởi vì mục đích đi vượt biên của mỗi người rất cá nhân. Vì thậm chí có rất nhiều gia đình không đến nỗi là quá là là bi đát, nhưng họ vẫn đi. Tôi nghĩ mình nên đưa ra một câu hỏi: Quá trình vượt biên đấy diễn ra như thế nào? Quan trọng là bước vào  con đường vượt biên này, bạn sẽ phải trải qua những gì? Bạn sẽ phải trải qua những cái cơn đói rét, trải qua cái lạnh thấu xương ở trời Âu, sẽ phải chạy trốn chó nghiệp vụ trong đêm, sẽ phải băng qua một con sông mà nếu như may mắn thì những khối băng mỏng như thủy tinh đó, sẽ không xiên vào cổ họng bạn… Đấy là những cái mà bạn sẽ phải trải qua và thật đáng buồn, đó là những thực tế có thật. Vậy thì bạn có dám đánh cược tính mạng của mình vào trong quá trình sinh tử đấy không? Đó là cái mà tôi muốn độc giả khi đọc xong sẽ có câu trả lời cho chính mình.

Và thật may đó là, có rất nhiều em học sinh khi đọc được những câu chuyện như thế và đọc cuốn tiểu thuyết, đã nói rằng: Chị Trang ơi, em không nghĩ con đường vượt biên lại tàn khốc như thế. Em không nghĩ chúng ta lại đang may mắn như thế, khi mà ở đất nước chúng ta rất hòa bình, tỉ lệ tội phạm thấp, ngày mai đi ra đường không lo bị một cái kẻ nào đó cầm súng nã vào đầu mình. Em cảm thấy thật sự là may mắn! Lúc đấy đối với tôi đó là một thành công mà tôi cảm thấy rất đáng để chia sẻ với tất cả mọi người.

Đã tìm hiểu nhiều về vấn đề di dân, chị có định sẽ tiếp tục theo đuổi đề tài này không? Và, thêm nữa, Trang nói “độc giả và khán giả sau này”, nghĩa là chúng ta có thể chờ đợi một bộ phim?

Thảo Trang: Tiểu thuyết 25 độ âm sẽ có phần hai. Phần hai sẽ tái hiện toàn bộ quá trình người vượt biên ở nước ngoài phải sống chui nhủi trong những căn nhà ọp ẹp, trồng cần sa, chất cấm... Đối với những người này cuộc sống của họ sẽ còn kinh khủng hơn quá trình vượt biên rất nhiều. Với những “người rơm” - là tiếng lóng chỉ những người sống bất hợp pháp ở ở Vương quốc Anh, họ sẽ phải đối diện với việc bị những kẻ khác cướp, cướp hàng và thậm chí cướp luôn cả mạng sống của chính mình. Và cả sự truy quét của các cơ quan chức năng. Con đường mà chúng ta truy quét đường dây buôn người tội ác từ Châu Á sang Châu Âu cũng được hé mở nhiều hơn.

Mở rộng ra về đề tài thảm họa, trong tương lai tôi sẽ có những câu chuyện mới. Sắp tới ngoài tiểu thuyết 25 độ âm, tôi sẽ có dự án tên là Đoàn tàu 183. Và dự án Đoàn tàu 183 này sẽ tái hiện lại toàn bộ thảm họa đường sắt lớn nhất trong lịch sử Việt Nam vào năm 1982. Qua đó chúng ta sẽ thấy được chúng ta đã trải qua một thảm họa đường sắt kinh hoàng như thế, nhưng ở bất cứ một tình huống nghịch cảnh nào đi nữa, cuối cùng con người Việt Nam chúng ta vẫn có thể tự hào nói lên là: đồng bào của chúng ta thật phi thường. Mặc dù giữa thảm nạn như thế, chúng ta vẫn thấy được tinh thần, sự bất khuất của người dân Việt Nam, chính là mục đích lớn nhất mà tôi muốn hướng đến.

Cũng rất vui là dự án Đoàn tàu 183 này được chính thức xác nhận sẽ chuyển thể thành phim. Và cũng nhân đây xin chia sẻ với quý độc giả, quý khán, thính giả rằng tiểu thuyết 25 độ âm hiện tại đang được xúc tiến đàm phán, trao đổi, có thể chuyển thể thành phim.

Xin cảm ơn nhà văn Thảo Trang đã chia sẻ. Hy vọng độc giả của 25 độ âm sẽ tiếp tục được đón xem bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết, như Tết ở làng địa ngục hay Kẻ ăn hồn...

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác