Vở kịch “Bến bờ xa lắc”: Hai phiên bản, một thông điệp nhân văn

(VOV5) - Hai mươi năm sau, câu chuyện mà vở kịch kể lại vẫn làm lay động lòng người. 

Nhà hát Tuổi trẻ đang giới thiệu đến khán giả Hà Nội vở kịch tâm lý xã hội “Bến bờ xa lắc” của tác giả Lê Thu Hạnh với hai phiên bản: Việt - Hàn. Cách đây 22 năm, “Bến bờ xa lắc” được Nghệ sĩ nhân dân Ngô Xuân Huyền dàn dựng và đã nhận giải Vàng tại Liên hoan sân khấu toàn quốc năm 1996. Tác phẩm từng “làm mưa, làm gió” trên sân khấu cả nước với hàng trăm đêm sáng đèn liên tục. Hai mươi năm sau, câu chuyện mà vở kịch kể lại vẫn làm lay động lòng người. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 “Bến bờ xa lắc” là câu chuyện xoay quanh mối quan hệ của cặp vợ chồng Tùng – Thuý và người bạn từng học cùng lớp tên Trung. Giữa Thúy và Tùng từng có một tình yêu đẹp, sau khi kết hôn, họ có một cuộc sống gia đình yên bình với cậu con trai tên Quang. Tùng là một công chức mẫn cán, khô cứng còn Thúy bằng lòng với vai trò người vợ, người mẹ trong gia đình một cách cam chịu. Mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi có sự xuất hiện của Phương, người yêu của Quang. Với quan điểm sống hiện đại, nhiều mới mẻ, Phương đã khơi gợi lại trong lòng Thúy những khao khát vượt ra khỏi cuộc sống gia đình bình lặng đến nhàm chán bấy lâu nay. Và rồi, sự xuất hiện của Trung, người đàn ông hào hoa, phóng khoáng đã khiến Thúy lay động, hạnh phúc gia đình cô bắt đầu rơi vào bi kịch… Nghệ sĩ Sĩ Tiến, vai Tùng trong vở “Bến bờ xa lắc” cho biết: “Thực tế mà nói câu chuyện về xung đột gia đình, mâu thuẫn thế hệ thì nó luôn luôn phản ánh một cái gì đó mà chúng ta có thể thời gian này như thế này, thời gian khác thì lại khác. Nếu như thời bao cấp thì chúng ta hay nói chuyện cơm, áo, gạo, tiền nhưng bây giờ thì nó có thể ở một hình thức khác, nó biến tướng đi. Tuy nhiên, quan hệ vợ chồng khi bị đồng tiền chi phối hoặc là sự giáo điều mà nó lấn át tình cảm thì lập tức câu chuyện đấy nó vẫn có ý nghĩa.”

Vở kịch “Bến bờ xa lắc”: Hai phiên bản, một thông điệp nhân văn - ảnh 1 "Bến bờ xa lắc" - phiên bản Hàn Quốc. ( Ngọc Ngà/VOV)

Trên sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ, vở kịch “Bến bờ xa lắc” được dàn dựng với hai phiên bản khác nhau, bản tiếng Việt, bản tiếng Hàn và được thể hiện bởi hai dàn diễn viên khác nhau, qua cách nhìn của 2 đạo diễn khác nhau… Ở bản dựng của Nhà hát Tuổi trẻ, sau khi Thúy từ bỏ gia đình để chạy theo tiếng gọi của tình yêu với Trung không thành, Thúy đã tìm đến cái chết để kết thúc cuộc sống cô đơn của chính mình. Bản diễn đã khiến cho người xem ngậm ngùi xúc động.

Thế nhưng trong bản dựng Hàn Quốc, đạo diễn Lee Eun Son cũng là người biên tập kịch bản và đảm nhiệm vai Thúy trong vở diễn đã chọn cho nhân vật của mình một cách giải quyết khác. Đó là sau khi thất bại trong chuyện tình cảm với Trung, Thúy chọn cách rời xa gia đình đến một miền đất mới với cuộc sống và công việc mới… Bên cạnh đó, phần âm nhạc sống được đạo diễn Lee Eun Son sử dụng trong vở diễn cũng tạo được nét mới và tăng sức hấp dẫn với khán giả.

Đạo diễn Lee Eun Son chia sẻ: “Không chỉ ở Việt Nam, ngay tại Hàn Quốc cũng có rất nhiều người như nhân vật Thuý trong vở kịch, sống ở một gia đình rất yên ổn nhưng một ngày kia muốn tìm lại bản thân mình, nên người ta rất đồng cảm với cảm xúc của nhân vật Thuý trong vở kịch. Khi theo dõi cả 2 vở kịch khán giả có thể so sánh đối chiếu giữa Việt Nam thì như thế này, Hàn Quốc thì như thế kia và nhận thấy rằng có rất nhiều nét tương đồng.” 

Vở kịch “Bến bờ xa lắc”: Hai phiên bản, một thông điệp nhân văn - ảnh 2

Nghệ sĩ Việt Nam và Hàn Quốc. - Ảnh: Ngọc Ngà

Ở cả hai phiên bản dựng Việt và Hàn thì nhân vật Phương vẫn được coi là bước ngoặt của vở kịch. Là người thể hiện vai Phương trong tác phẩm, diễn viên Thu Quỳnh chia sẻ cảm xúc: “Nhân vật Phương trong vở :Bến bờ xa lắc” là nhân vật trẻ trung nhất, tươi vui nhất, là điểm sáng duy nhất của vở kịch, đại diện cho thế hệ trẻ, đại diện cho thế hệ tương lai. Nhân vật Phương giống như là cải cách về tư tưởng cho tất cả những nhân vật khác. Cách đây 20 năm cô Lan Hương đã diễn và thời bây giờ giới trẻ rất khác, táo bạo hơn, mở cửa hơn rất nhiều. Vì vậy, tôi cũng cân đối một vài chi tiết diễn để mình có thể đưa nhân vật của mình gần gũi khán giả hơn và nó không bị lỗi thời.”

Trước một sân khấu tối giản khi không có hậu cảnh và đạo cụ, chỉ có bộ salon bằng mây là thách thức lớn đối với mỗi vai diễn. Từ các nhân vật Thúy, Tùng, Trung…  có lẽ mỗi khán giá có thể tự tìm cho mình một câu trả lời cho câu hỏi: Vì sao cuộc sống đã đủ đầy và theo đúng khuôn mẫu: Chồng kiếm tiền, vợ nội trợ mà bến bờ hạnh phúc vẫn xa vời? Nghệ sĩ Nhân dân Lê Khanh, đảm nhiệm vai Thúy của “Bến bờ xa lắc” bản diễn năm 1996 và 2017, cho biết: “21 năm, mỗi lần mời khán giả đi xem, tôi luôn giới thiệu rằng vở này dành cho cả một gia đình, làm thế nào để ông bà, cha mẹ, con cái cùng đi xem là tuyệt vời nhất. Chúng ta vẫn hay nói gia đình là tế bào của xã hội, là một phần của xã hội thu nhỏ, thì ở đây mỗi khán giả đi xem từng vị trí của mình trong đời sống, từng lứa tuổi, từng thế hệ, tôi tin rằng lại gặp được một phần nào của mình trong đó. Cái tôi ở đây không phái chỉ là Thuý còn là Tùng, là Trung, là những đứa con và Phương và Quang.”

Nếu ở tác phẩm kinh điển “Nhà búp bê”, hình ảnh Nora bước ra khỏi ngôi nhà được ví như nhà viết kịch Henrik Ibsen đã nã một viên đại bác vào những tư tưởng gia đình cổ hủ của phương Tây thì cái kết cay đắng của Thúy trong “Bến bờ xa lắc”, tác giả Lê Thu Hạnh đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho những mối liên kết hời hợt trong nhiều gia đình phương Đông hiện nay. Bởi, dù muốn hay không, ngày nay vẫn còn rất nhiều những mảnh đời như Thúy.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác