ASEAN cân bằng lợi ích ngắn hạn của quốc gia với lợi ích chung dài hạn của khu vực

(VOV5) - Sau 50 năm hình thành và phát triển, ASEAN đã xây dựng một tầm nhìn hợp tác dài hạn của khối đến 2025.

Trả lời phóng viên Đài TNVN nhân kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh khẳng định sau 50 năm hình thành và phát triển, ASEAN đã xây dựng một tầm nhìn hợp tác dài hạn của khối đến 2025, mở ra rất nhiều cơ hội cho Cộng đồng ASEAN phát triển toàn diện, hội nhập sâu rộng hơn để có khả năng tự cường lớn hơn và có ảnh hưởng ở khu vực và toàn cầu lớn hơn. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội đó thì ASEAN phải vượt qua rất nhiều thách thức.

ASEAN cân bằng lợi ích ngắn hạn của quốc gia với lợi ích chung dài hạn của khu vực - ảnh 1Ảnh minh họa: Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh. (Ảnh: THX/TTXVN)

Chỉ ra một trong những thách thức, ông Lê Lương Minh cho rằng: “Khi ASEAN xây dựng cộng đồng dựa trên luật lệ thì hệ thống luật pháp của các nước còn tồn tại nhiều khác biệt. Nó hạn chế việc thực hiện các cam kết và thỏa thuận chung. Khoảng cách phát triển trong từng nước cũng như giữa các nước ASEAN còn lớn, hạn chế khả năng của các nước chậm phát triển không chỉ trong việc thực thi các cam kết, thỏa thuận chung mà còn cả trong các nội lực phát triển bao trùm nhằm đảm bảo mọi người dân được hưởng lợi từ quá trình xây dựng cộng đồng, hội nhập của ASEAN”.

Bên cạnh đó, sự hiểu biết của người dân về cộng đồng ASEAN, những diễn biến phức tạp trong khu vực, nhất là những hành động đơn phương vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông, cũng là những thách thức lớn của ASEAN hiện nay. Để vượt qua những thách thức đó, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho rằng các nước ASEAN cần đẩy nhanh quá trình hài hóa các hệ thống luật pháp quốc gia, xử lý cân bằng giữa các lợi ích trước mắt, ngắn hạn của quốc gia và lợi ích chung, lợi ích lâu dài của cả cộng đồng, tăng cường văn hóa thực thi. Triển khai đồng bộ và tổng thể về truyền thông nhằm nâng cao hiểu biết của người dân về cộng đồng ASEAN, đề cao vai trò trung tâm của ASEAN trong quá trình tham vấn thương lượng tìm giải pháp cho các vấn đề tranh chấp, đặc biệt là tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác