Các nước kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp tại Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế

(VOV5) - Tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 là chìa khóa cho hòa bình và ổn định trên Biển Đông. 

Ngày 16/7, tại cuộc họp báo với truyền thông quốc tế, Ngoại trưởng Indonesia, bà Retno Masusudi nhấn mạnh hòa bình và ổn định ở Biển Đông là niềm hi vọng của tất cả các quốc gia và một lần nữa kêu gọi các quốc gia tôn trọng luật pháp quốc tế. 

Bà Retno Masusudi nói: "Tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 là chìa khóa cho hòa bình và ổn định trên Biển Đông. Quan điểm của Indonesia về vấn đề Biển Đông luôn rõ ràng và nhất quán. Vị trí của Indonesia đối với vùng đặc quyền kinh tế cũng rõ ràng và phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và với phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016. Indonesia nhấn mạnh tầm quan trọng của tất cả các quốc gia trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông và kêu gọi tất cả các nước kiềm chế hành động leo thang căng thẳng ở khu vực".

Ngoại trưởng Indonesia cũng đã nhiều lần bày tỏ quan điểm của Indonesia về việc tránh các hành động gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, đặc biệt vào thời điểm cả thế giới đang vật lộn chống lại đại dịch Covid-19. Trước đó, Chính phủ Indonesia cũng bày tỏ quan ngại về sự gia tăng căng thẳng trên khu vực Biển Đông khi Mỹ đưa ra tuyên bố cho rằng mọi yêu sách của Trung Quốc đối với một số vùng biển, trong đó có biển Natuna của Indonesia là "bất hợp pháp". Phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia, ông Teukur Faizasyah cho rằng, bất kì sự ủng hộ quốc tế nào về vấn đề chủ quyền của Indonesia đối với vùng biển Natuna đều là sự "bình thường" và "hợp lý", đúng theo luật pháp quốc tế.

Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Hishamuddin Hussein khẳng định nước này nhất quán lập trường rằng các bên cần hợp tác nhằm đảm bảo hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông. Bộ trưởng Hishamuddin nhấn mạnh Malaysia hy vọng các cuộc thảo luận tiếp theo sẽ đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất. Ông cũng cho biết những nỗ lực ngoại giao của Malaysia đã khiến tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 cùng đội tàu hộ tống của Trung Quốc rời khỏi khu vực giàn khoan West Capella hồi tháng 5 vừa qua.

Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp báo hàng tuần, trả lời câu hỏi về lập trường của New Delhi sau khi Mỹ bác bỏ hầu hết yêu sách biển của Trung Quốc ở Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava nhấn mạnh New Delhi ủng hộ tự do hàng hải và thương mại hợp pháp trên các tuyến đường thủy quốc tế. Ấn Độ cương quyết ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và thương mại hợp pháp không bị cản trở trên các tuyến đường thủy quốc tế này, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác