(VOV5) -CPTPP sẽ là một cú hích nữa để đẩy mạnh và thúc đẩy hơn nữa hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Chile.
Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được ký kết tại Thủ đô Santiago của Chile. CPTPP, mà cả Việt Nam và Chile đều là thành viên, sẽ là một cú hích nữa để có thể đẩy mạnh và thúc đẩy hơn nữa hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1971, Việt Nam và Chi-lê luôn phát huy truyền thống quan hệ hữu nghị và đoàn kết. Mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước đã liên tục được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Chile Nguyễn Ngọc Sơn, quan hệ hữu nghị và đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Chile phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực trong nhiều năm qua. Hai nước đã ký kết tất cả các hiệp định cần thiết để tạo một khung pháp lý vững chắc cho phát triển hợp tác kinh tế song phương, trong đó có Hiệp định tự do thương mại (FTA) năm 2012. Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Chile đã phát triển rất ngoạn mục, từ chưa tới 200 triệu USD năm 2005 tăng lên 1,3 tỷ USD năm 2017.
Hai nước cũng đã thiết lập cơ chế về đối thoại chính trị, đối thoại kinh tế, họp định kỳ hàng năm để đánh giá các lĩnh vực hợp tác, đồng thời xác định phương hướng phát triển cho các năm tiếp theo.
Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh: “Việt Nam và Chile đều là những nền kinh tế rất mở. Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Việc ký Hiệp định CPTPP tại Chile mà hai nước đều là thành viên thì một khi Hiệp định này có hiệu lực, tôi nghĩ rằng đây sẽ là một cú hích nữa để có thể đẩy mạnh và thúc đẩy hơn nữa hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.”
Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn cho biết trong các tổ chức đa phương, Chile luôn đánh giá cao vai trò của Việt Nam và ủng hộ Việt Nam tại các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và các tổ chức liên khu vực khác.
Ngược lại, Việt Nam cũng đánh giá cao vai trò của Chile, luôn ủng hộ Chile ứng cử vào các cơ quan Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác, như Hội đồng nhân quyền (2012-2014 và 2018-2020) hay Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2016-2018. Tuy nhiên, Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn cũng cho rằng đầu tư song phương trong một số lĩnh vực còn khiêm tốn. Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định Đại sứ quán và bộ phận Thương vụ của Việt Nam tại Chile trong thời gian tới sẽ giới thiệu nhiều hơn về các cơ hội đầu tư và trao đổi sản xuất tại Việt Nam với các doanh nghiệp Chile.
Mặc dù cách xa về địa lý nhưng những tình cảm tốt đẹp và cam kết ủng hộ lẫn nhau sẽ đóng góp tích cực cho mối quan hệ hợp tác song phương và quá trình phát triển của mỗi nước.