(VOV5) - Đây là lần đầu tiên, Việt Nam giới thiệu một ứng cử viên tại tổ chức quốc tế quan trọng này.
Ngày 27/04, Đại sứ Phạm Sanh Châu, trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, trình bày trước Hội đồng chấp hành của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) và các vị đại sứ các nước thành viên, chương trình hành động với tư cách là ứng cử viên chức Tổng Giám đốc của tổ chức này.
|
Đại sứ Phạm Sanh Châu (Ảnh: Mỹ Trà) |
Phần trình bày của Đại sứ Phạm Sanh Châu cùng 8 ứng cử viên khác diễn ra trong hai ngày 26-27/04 trong khuôn khổ kỳ họp Hội đồng chấp hành UNESCO lần thứ 201 diễn ra từ 19/04 - 04/05 tại Paris.
Trong chương trình hành động, Đại sứ Phạm Sanh Châu đã đưa ra 3 thông điệp lớn về tầm nhìn UNESCO với các đề xuất đổi mới để các hoạt động của tổ chức này ngày càng hiệu quả. Tiếp đó, Đại sứ Phạm Sanh Châu trả lời câu hỏi của các thành viên Hội đồng chấp hành nhằm làm sáng tỏ quan điểm của ông về cách giải quyết các thách thức đang đặt ra cho UNESCO: "Thứ nhất, UNESCO phải tiếp tục sứ mệnh hòa bình, bởi đó là sứ mệnh cao cả, thiêng liêng, đã được Hiến chương của UNESCO quy định. Điểm thứ hai là UNESCO phải tiếp tục quá trình cải cách. UNESCO đã cải cách, đang cải cách và cần tiếp tục cải cách để trở thành một tổ chức hiệu quả hơn, năng động hơn, có thể hợp tác tốt hơn và định vị lại vị thế của mình trong hệ thống của Liên hợp quốc. Thứ ba là UNESCO cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền, để cho thế giới hiểu rõ UNESCO không chỉ làm về văn hóa, về giáo dục, mà UNESCO còn rất mạnh trên lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, và đang quyết tâm xây dựng một xã hội thông tin, ở đó mọi người có quyền tiếp cận tin tức".
Trong các nội dung trình bày, Đại sứ Phạm Sanh Châu cũng giới thiệu, quảng bá về Việt Nam với lịch sử hào hùng trong các cuộc kháng chiến, đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong quá trình đổi mới, làm chuyển biến xã hội về kinh tế đồng thời cũng thực hiện chính sách độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ đối ngoại. Phần trình bày bằng tiếng Anh của Đại sứ Phạm Sanh Châu được bạn bè quốc tế đánh giá cao vì sự rõ ràng, mạch lạc, với các đề xuất có tính thực tiễn cao. Nhiều bạn bè quốc tế đã đến chúc mừng ông sau phần thuyết trình.
Đây là lần đầu tiên, Việt Nam giới thiệu một ứng cử viên tại tổ chức quốc tế quan trọng này. Năm nay có 9 ứng cử viên của 9 quốc gia đăng ký ứng cử vào vị trí Tổng Giám đốc UNESCO để thay thế bà Irina Bokova, sẽ mãn nhiệm vào tháng 11 tới. Theo quy định của tổ chức UNESCO, tại kỳ họp lần thứ 202 được tổ chức vào tháng 10, Hội đồng Chấp hành UNESCO sẽ bỏ phiếu kín lựa chọn ứng cử viên duy nhất để giới thiệu ra Đại hội đồng UNESCO lần thứ 39, diễn ra tháng 11/2017, để chính thức phê chuẩn bằng phiếu kín.