(VOV5) - Phấn đấu đưa thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành 1 trong 4 thị trường lớn của khu vực ASEAN.
Đây là mục tiêu được đại diện Bộ Tài chính thông tin tại Tọa đàm: "Thị trường chứng khoán: Khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp - Kênh đầu tư sinh lời và tích sản", do Báo Đầu tư phối hợp với Ủy ban Chứng khoán tổ chức sáng 18/11, tại Hà Nội.
Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán, đến ngày 30/9 năm nay, tổng quy mô thị trường đã đạt hơn 8 triệu 300 nghìn tỷ đồng, tương đương với hơn 133% GDP cả nước. Thị trường có 2.133 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch, số tài khoản nhà đầu tư đăng ký đạt gần 4 triệu, trong đó số tài khoản mở mới trong 9 tháng năm nay đã tăng 70% so với cả năm ngoái. Thị trường chứng khoán Việt Nam đã khẳng định vai trò là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, đóng góp ngày càng lớn vào tổng đầu tư xã hội, với tổng lượng vốn huy động qua thị trường năm 2020 đạt hơn 37% GDP.
Toàn cảnh Tọa đàm tại điểm cầu Trụ sở Tòa soạn Báo Đầu tư (Hà Nội). Ảnh: Báo Đầu tư |
Chiến lược phát triển Thị trường chứng khoán Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đưa ra mục tiêu cụ thể, là quy mô thị trường cổ phiếu đạt 85% GDP (đã điều chỉnh) vào năm 2025, đạt 110% GDP vào năm 2030. Quy mô thị trường trái phiếu phấn đấu đạt 47% GDP vào năm 2025 và 58% GDP vào năm 2030.
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước, cho biết: "Chúng ta sẽ nghiên cứu, xem xét xây dựng thị trường dành cho các doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng cao, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đây là thị trường giúp các doanh nghiệp này tiếp cận vốn từ thị trường chứng khoán để có sự tăng trưởng thành công trong giai đoạn khởi nghiệp, giúp các doanh nghiệp mới nổi và khởi nghiệp sáng tạo có bước đi nhanh hơn trong giai đoạn đầu và tăng cơ hội tiếp cận tiếp cận nhà đầu tư, huy động vốn, đồng thời cũng cung cấp cho thị trường chứng khoán những cổ phiếu tiềm năng".