Hoàn thiện hồ sơ tranh dân gian Đông Hồ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới

(VOV5) - Dự kiến vào tháng 12/2019, hồ sơ về nghề tranh dân gian Đông Hồ sẽ được Hội đồng Di sản quốc gia thẩm định, sau đó tiếp tục hoàn thiện và trình lên Thủ tướng. 

Hồ sơ về nghề tranh dân gian Đông Hồ do Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thực hiện đang được hoàn thiện để đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Hoàn thiện hồ sơ tranh dân gian Đông Hồ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới - ảnh 1

Ảnh minh họa: Tranh Đám cưới chuột của Đông Hồ. - Ảnh: VOV

Nếu được công nhận là di sản cần bảo vệ khẩn cấp, tranh dân gian Đông Hồ có thể sẽ phục hồi và phát huy giá trị mạnh mẽ hơn nữa. Dự kiến vào tháng 12/2019, hồ sơ về nghề tranh dân gian Đông Hồ sẽ được Hội đồng Di sản quốc gia thẩm định, sau đó tiếp tục hoàn thiện và trình lên Thủ tướng. 

Tranh dân gian Đông Hồ hiện đã được xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tranh dân gian Đông Hồ là nghề làm tranh khắc gỗ dân gian, thuộc lĩnh vực nghề thủ công truyền thống, được cộng đồng người dân làng Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh sáng tạo và phát triển, có giá trị về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật đặc sắc. Đây là dòng tranh gắn bó và thể hiện sinh động xã hội nông nghiệp Việt cổ truyền, cuộc sống lao động cũng  như phong tục, tập quán, sinh hoạt của người dân Việt Nam. 

Có thể chia tranh Đông Hồ thành 7 loại chính, gồm tranh thờ, tranh chúc tụng, tranh lịch sử, tranh truyện, tranh phương ngôn, tranh cảnh vật và tranh phản ánh sinh hoạt. Quá trình sản xuất tranh gồm khâu sáng tác mẫu, khắc ván và khâu in, vẽ tranh. Sáng tác mẫu tranh và khắc ván là khâu lao động sáng tạo quan trọng, quyết định sự sinh tồn của một làng tranh, đòi hỏi năng khiếu bẩm sinh và kỹ năng lao động cao ở các nghệ nhân.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác